Thứ Sáu, 10/08/2012, 07:02 (GMT+7)
.

Quặn đau cùng những mảnh đời da cam

Huyện Châu Thành hiện có gần 2.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Nhiều người bị nhiễm đã phát bệnh chết, nhiều nạn nhân là thế hệ thứ 2, thứ 3 mang trong mình nhiều thứ bệnh như: liệt, mù, câm điếc, thiểu năng, dị tật dị dạng bẩm sinh, ung thư, tai biến sinh sản…

Họ đang chết dần, chết mòn trong đau đớn thể xác, tinh thần và cái nghèo đang phủ vây lấy gia đình họ. Xin chia sẻ cùng bạn đọc nỗi đau của 3 gia đình có người nhiễm da cam trong hàng ngàn hoàn cảnh đau thương.

16 tuổi vẫn ngây ngô như đứa trẻ

Giữa mưa - nắng sập sùi của những ngày mưa bão, chúng tôi ghé gia đình anh Lê Anh Tuấn, ngụ ấp Long Tường, xã Long An. Đập vào mắt chúng tôi là một hình hài yếu ớt, nằm bẹp gí trên chiếc xe lăn, đang ngoác miệng cười trong vô thức: Lê Thị Bích Huyền - cái tên tuyệt đẹp mà ba mẹ đã đặt cho em khi em chào đời cách nay 16 năm (tháng 2-1996).

Cái tên lẽ ra sẽ nằm trong danh sách của một lớp học nào đó và sẽ được xướng lên mỗi khi thầy gọi trả bài, thế nhưng khi chưa đầy 3 tháng tuổi bé Huyền bị sốt, co giật và cơ thể yếu dần. Ba mẹ đã ôm con chạy đôn chạy đáo cầu mong các bác sĩ đem lại cuộc sống an lành cho bé. Nhưng không, Huyền bị thiểu năng trí tuệ, mãi mãi không nói được và nằm một chỗ vì không có cột sống.

Hàng ngày, mẹ em là chị Nguyễn Ngọc Điệp (sinh năm 1975) đi phụ làm giá (đỗ giá), công việc bấp bênh, tiền công mỗi ngày 50 ngàn đồng. Còn ba em thì đi chở hàng thuê, mỗi tháng chỉ kiếm được khoảng 1 triệu đồng. Hai em gái của Huyền đang tuổi thiếu nhi, chỉ biết ăn học.

Điều đau lòng hơn cả là hàng ngày chị Điệp đi làm từ 1 giờ khuya đến 8 - 9 giờ sáng mới về, có khi đến trưa. Trong khi đó anh Tuấn thì bận đi làm mướn, 2 em của Huyền đi học, còn Huyền nằm một mình trên giường… Chị Điệp buồn bã: “Đau lòng lắm, nhưng không đi làm, ở nhà chăm sóc con thì gia đình càng khổ!”.

Con gái đánh đau nhưng cắn răn chịu đựng

Đó là lời tâm sự của chị Lê Thị Ánh Minh (sinh năm 1960, ngụ ấp Long Thạnh, xã Long An). Chị nguyên là giáo viên tiểu học của xã.

Năm 1997 cháu Huỳnh Tô Huệ ra đời, chỉ 4 ngày sau cháu bị tím tái, co giật, anh chị bồng con lên các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng họ chỉ giữ được sự sống cho cháu, còn trí tuệ thì ngẩn ngơ, miệng ú ớ, thân thể yếu ớt.

Chị Minh phải nghỉ dạy để ở nhà tập cho con vận động. Sự nhẫn nại của chị giúp cho con gái khỏi phải nằm một chỗ, nhưng Huệ đi như chạy, thường bị té. Lên 15 tuổi mà mọi sinh hoạt cá nhân, kể cả tiểu tiện, kinh kỳ của Huệ điều phải nhờ vào mẹ.

Vậy mà mỗi khi không hài lòng điều gì, Huệ nắm tóc mẹ giật, đánh túi bụi. Những lúc như vậy, chị Minh đành xuôi tay chịu đựng, nhắm mắt cầu trời cho cơn giận của con gái qua mau...

Chồng chị làm thợ hồ, còn chị phụ lặt rau cải và xếp vào giỏ cho một đại lý, thu nhập ít ỏi mà phải nuôi hai anh trai của Huệ là Minh Tâm đang học liên thông Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Đạt Thức đang học Cao đẳng ở Gò Vấp.

Mấy năm trước, anh chị vay tiền nuôi heo, nhưng heo bệnh nên hiện nợ ngân hàng 50 triệu đồng chưa trả được. Còn căn nhà thì đang xiêu vẹo, chỉ một cơn gió mạnh là gây họa. Nhiều lúc anh chị cảm thấy đuối sức, nhưng cố gắng gượng dậy để lo cho các con. Chị luôn lo sợ mình vắn số sẽ không ai cận kề chăm sóc cho Huệ.

30 năm vật vã với đau đớn bệnh tật.

Dừng xe trước cổng rào, chúng tôi nghe tiếng kêu la từ trong nhà vọng ra. Anh Phạm Văn Việt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nhị Bình cho biết: Đó là tiếng kêu gào vì đau đớn của cô Nguyễn Thị Xuyến (sinh năm 1979), là con út của ông Nguyễn Văn Ốm (sinh năm 1939, thương binh 2/4, từ trần gần 2 tháng nay do bị ung thư phổi).

Bao năm sống ở chiến trường bom đạn, ông Ốm đã bị phơi nhiễm dioxin. Hai con gái ông bị lây nhiễm chất độc da cam từ ba là: Chị Nguyễn Thị Bé Tư (sinh năm 1954, bị liệt 2 chân, luôn đau bệnh, mất cách nay 4 năm, cũng bị ung thư phổi như ông) và người con gái út là Xuyến đang ngày đêm rên la vì cơ thể đau nhức, có lúc tay, chân Xuyến bị sưng tấy.

Bà Trần Thị Lòng (69 tuổi) - mẹ của Xuyến ứa nước mắt cho biết: “Suốt 30 năm nay nó nằm lăn qua lăn lại trên chiếc giường tre mà gào khóc, nhất là vào ban đêm. Đỡ ngồi dậy thì người nghiêng một bên cứng đơ như khúc cây, ăn uống, tiểu tiện, tắm rửa đều một tay tôi làm. Hàng tháng tôi phải đi lãnh thuốc, ngày nào nó cũng uống, vậy mà vẫn khóc. Khổ nỗi nó không nói được nên tôi không biết nó đau nhức chỗ nào!…”.

Ngôi nhà tình nghĩa đã được xây cách nay 6 năm, nhưng mẹ con bà vẫn ở căn nhà cũ, nền đất để tiện cho sinh hoạt cá nhân của Xuyến. Anh Việt cho biết thêm: Gia đình Xuyến, bên nội bên ngoại đều hoạt động cách mạng và đa phần là đối tượng chính sách.

Bà Ốm than thở: “Còn mấy đứa con, nhưng đều lâm cảnh nghèo nên chẳng giúp đỡ được mẹ. Lúc ba chúng nó còn sống, hàng tháng có tiền trợ cấp, giờ ông mất rồi chẳng biết sắp tới hai mẹ con sống ra sao, khổ nhất là món nợ ngân hàng. Hồi vay 30 triệu đồng để cất nhà, tới hạn trả nợ thì đi vay nóng bên ngoài để trả rồi vay lại nên đến nay nợ lên tới 50 triệu đồng. Đêm nằm nghĩ nát nước không biết kiếm cách gì ra tiền để trả nợ và để có gạo mà ăn…”.

Bệnh tật, nghèo khổ, nợ nần cứ đeo bám những người bất hạnh này. Những trái tim nhân ái, những ai có số phận may mắn hơn họ hãy đồng cảm, sẻ chia cho những nỗi đau da cam - tàn tích của chiến tranh để lại.

NGỌC LỆ

.
.
.