Thứ Hai, 10/09/2012, 11:04 (GMT+7)
.

Không chủ quan, sẵn sàng ứng phó trước lũ, bão

Trao đổi về công tác phòng, chống trong mùa cao điểm lũ, bão năm 2012, ông Trần Hoàng Bá, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCLB-TKCN) tỉnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết:

Từ đầu năm 2012 đến nay, thời tiết có những diễn biến khá bất thường. Bão số 1 xuất hiện vào đầu năm và ảnh hưởng đến Nam bộ; trước đó, lũ năm 2011 lớn và xuất hiện muộn… đã đặt công tác phòng chống lũ, bão vào tư thế luôn sẵn sàng ứng phó.

Hiện nay, các địa phương đã kiện toàn BCH các cấp, xây dựng kế hoạch PCLB với các phương án phòng tránh. BCH tỉnh ban hành kế hoạch nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh năm 2012; tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm và triển khai phương hướng phòng, chống trong thời gian tới.

Đối với biện pháp công trình, tỉnh ưu tiên nguồn vốn thực hiện những công trình phục vụ phòng chống lũ, bão năm 2012; cho chủ trương sử dụng trước thủy lợi phí năm 2013 để thực hiện các công trình chống lũ.

Theo dự báo, lũ năm 2012 tương đương năm 2011. BCH tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các đơn vị liên quan rà soát các công trình thực hiện năm 2011 còn dở dang, gặp khó khăn để tiến hành khắc phục, củng cố. Đặc biệt, do lũ năm 2011 rút chậm dẫn đến vụ đông xuân 2011-2012 xuống giống trễ, nên vụ 3 có khoảng 6.000 ha lúa sẽ thu hoạch sau ngày 15-9, các huyện có diện tích lúa thu hoạch trễ tiến hành kiểm tra, rà soát để có biện pháp bảo vệ.

Phóng viên (PV): Về tiến độ các công trình trọng điểm phục vụ phòng chống bão, lũ từ nguồn vốn Trung ương (triển khai trên địa bàn tỉnh) và nguồn vốn của tỉnh đã thực hiện đến đâu?

Ông Trần Hoàng Bá (T.H.B): Khu neo đậu trú bão ở Vàm Láng do Trung ương đầu tư được triển khai từ năm 2010. Công trình vướng giải phóng mặt bằng (còn 1 hộ dân chưa chịu di dời) dẫn đến tiến độ thi công bị chậm lại. Trong tháng 9, các đơn vị chức năng giải quyết dứt điểm vấn đề này để đảm bảo cho công trình thực hiện đúng yêu cầu.

Đến nay, công trình đã hoàn thành 70% khối lượng công việc, hạng mục trụ neo đậu tàu thuyền đang tiến hành thi công, còn lại 2 hạng mục công trình là phao tiêu báo hiệu, đường giao thông chưa triển khai được do thiếu vốn... Dù công trình chưa hoàn thành, nhưng hiện nay nơi đây vẫn có thể tiếp nhận tàu, thuyền trú bão.

Còn khu neo đậu tàu, thuyền tránh bão Đèn Đỏ, các hạng mục đầu tư cọc neo tàu đã lập dự toán. Tuy nhiên, do dự toán vượt hơn so với tính toán ban đầu nên địa phương đang trình xin chủ trương của UBND tỉnh. Nếu được bố trí vốn, công trình sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10. Trong trường hợp có bão, khu neo đậu này đảm bảo an toàn cho khoảng 200 tàu trú bão.

Còn việc triển khai xây dựng nhà vệ sinh kết hợp với trú bão bằng nguồn hỗ trợ của tỉnh, đến nay 2 huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông đã hoàn thành xây dựng 500 nhà. Các địa phương đã đề nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ xây thêm các nhà vệ sinh kết hợp với trú bão cho khu vực này. UBND tỉnh đã chỉ đạo BCH tỉnh tổng kết rút kinh nghiệm về những ưu, khuyết điểm của mô hình rồi mới quyết định tiếp tục hay không. BCH tỉnh sẽ tiến hành tổng kết mô hình này trong thời gian tới.

Đối với các huyện phía Tây, dự án 5 kinh Bắc Quốc lộ 1A do Trung ương đầu tư, nguồn vốn dự kiến ban đầu thực hiện trên 700 tỷ đồng nhưng sau đó điều chỉnh lại còn trên 400 tỷ đồng. Dự án này tiến hành xây các cống đập, cầu bảo vệ sản xuất.

Dự án này tỉnh triển khai thực hiện theo nguồn vốn bố trí của Trung ương, theo thứ tự ưu tiên nơi nào bức xúc làm trước. Đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện trên 200 tỷ đồng.

PV: Tình trạng sạt lở ở các huyện phía Tây của tỉnh đang diễn biến rất phức tạp. Mỗi mùa lũ, bão càng nghiêm trọng hơn, BCH đã có những giải pháp hay hướng xử lý nào để hạn chế tình trạng này không, thưa ông?

Ông T.H.B: Hiện nay, tình trạng sạt lở xảy ra rất nhiều trong khi nguồn vốn của tỉnh hàng năm chỉ có 20 tỷ đồng để xử lý nên không thể xử lý hết. Do đó, tỉnh chỉ xử lý những điểm nào bức xúc, còn xử lý triệt để, căn cơ thì chưa có và cũng không có khả năng xử lý.

Vừa qua, tỉnh đã tổ chức hội nghị về vấn đề này nhưng giải pháp căn cơ vẫn chưa tìm ra. Hiện nay, chúng tôi đang xúc tiến thực hiện đề tài xử lý sạt lở bằng phương pháp sử dụng vải hóa chất. Giải pháp thực hiện là lấy đất ở nơi bị sạt lên hết, sau đó lấy cát cho vào bao rồi chất lên nơi bị sạt để tạo lại mái đê.

Tiếp theo, sẽ sử dụng vải hóa chất bên trong có may những túi nhỏ rồi bơm cát vào các túi ấy sau đó phủ lên mái đê bị sạt đã đắp bởi các bao cát. Với cách làm này đảm bảo chống sạt lâu dài (tùy vào chất liệu vải), tiết kiệm chi phí xử lý. Tính toán như thế, nhưng hiệu quả đến đâu còn phải chờ thực hiện mới biết.

PV: Mùa lũ, bão đang vào cao điểm, BCH tỉnh triển khai công tác phòng, chống thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Ông T.H.B: Các huyện phía Tây của tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ xử lý các điểm sạt lở; đắp đập thép ngăn triều cường, đập tạm ngăn lũ bảo vệ sản xuất trước khi lũ về; xây dựng, rà soát, bổ sung phương án bảo vệ đê, nhất là đối với đoạn đê xung yếu; xác định các địa bàn xung yếu và những điểm sơ tán an toàn để bố trí dân sơ tán khi xảy ra tình huống xấu; kiểm tra, rà soát diện tích lúa thu hoạch sau ngày 15-9 và có biện pháp bảo vệ.

Đối với khu vực các huyện, thị phía Đông của tỉnh, các địa phương tiến hành kiểm tra các tuyến đê sông, đê biển, cống qua đê…, xác định điểm xung yếu để có kế hoạch gia cố, nâng cấp; rà soát, điều chỉnh các phương án phòng, chống cho phù hợp, cụ thể theo phương châm “4 tại chỗ”.

Riêng với huyện Tân Phú Đông, chủ trương chung vẫn theo phương châm “4 tại chỗ”, theo hướng dân di chuyển từ nhà không kiên cố đến nhà kiên cố, người sống ngoài đê di chuyển vào trong đê, người sống gần biển dồn dần về phía Tây. Chỉ khi bão lớn, việc phòng tránh tại địa phương không đảm an toàn mới tính đến việc di dời sang đất liền.

Biến đổi khí hậu đang biểu hiện ngày càng rõ. Những diễn biến bất lợi của nó rất phức tạp, khó lường, BCH tỉnh chỉ đạo cho các địa phương không chủ quan, luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.  

PV: Xin cảm ơn ông!

NGÔ VĂN (thực hiện)
 

.
.
.