Mối tình đẹp và nghị lực của đôi vợ chồng thương binh
Cơ ngơi nhà máy xay xát và 6 lò sấy lúa được đầu tư gần 7 tỷ đồng mà chủ nhân là chồng thương binh hạng 1/4 (tỷ lệ mất sức 81%), vợ là thương binh hạng 2/4 (tỷ lệ mất sức 61%). Thương tật đã không ngăn nổi ý chí vươn lên làm giàu và tấm lòng từ thiện của đôi vợ chồng thương binh ấy.
MỐI TÌNH THƯƠNG BINH
Gần 40 năm trôi qua, song mỗi khi nhắc lại cứ ngỡ như trong mơ, khó tin nhưng có thật. Hồi tưởng lại quãng đời sóng gió đã qua mới có được như ngày hôm nay, đôi mắt chị rơm rớm những giọt nước mắt hạnh phúc. Chị hạnh phúc bên người chồng thương binh nặng hạng 1/4, anh Phạm Văn Bạch.
Người nữ thương binh làm kinh tế giỏi Nguyễn Thị Hồng Thu. |
Chị sinh ra và lớn lên trên vùng đất miền trung nắng gió Sơn Tân (Quế Sơn, Quảng Nam) trong một gia đình cách mạng, cha là liệt sĩ.
12 tuổi, chị là Đội viên Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, hai năm sau chị đã tham gia du kích, rồi chị tiếp tục xin vào bộ đội huyện nhà, chiến đấu không thua kém gì các anh. 18 tuổi, chị vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi được vinh danh là “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Năm 1972, chị bị thương và được đưa ra miền Bắc điều trị tại Đoàn 583 (Ninh Bình).
Anh sinh ra nơi đồng chua nước mặn phương Nam (Bình Phú, Gò Công Tây), nhập ngũ năm 1963 và chiến đấu ở Trung đoàn Bình Giã, Sư đoàn 9. Năm 1967, anh bị thương và được đưa ra miền Bắc điều trị ở Đoàn 580, tại tỉnh Nam Hà.
“Tụi tui quen nhau trong Bệnh viện 109 ở tỉnh Vĩnh Phúc. Cùng cảnh ngộ nên chúng tôi thương nhau nhiều và cũng lắm nỗi lo. Chồng tàn, vợ tật rồi biết mần ăn sao đây? Lo thì cứ lo nhưng cưới thì vẫn cưới” - anh trải lòng.
Chị nhìn anh âu yếm, góp lời: “Lễ cưới tổ chức vào ngày 30-4-1975 cùng với 2 cặp đôi nữa, không ngờ đó là ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Vừa xong tiệc cưới giản đơn, tối hôm đó anh đã được lệnh quay xuống tàu ở Hải Phòng xuôi về Nam. Vậy là tụi tui bặt tin từ đó”.
Hai năm trôi qua là cả một khoảng thời gian nhớ thương da diết, biền biệt chờ mong mòn mõi. Anh bây giờ ở đâu? Đang làm gì? Chị cứ nghĩ anh đã về quê cưới vợ khác, nhưng chị vẫn khăn gói lên đường tìm chồng. Không ngờ thương tật nặng là vậy, anh vẫn xin tham gia công tác tại Phòng Chính trị Tỉnh đội Gò Công và… chưa cưới thêm bà nào khác.
Gặp lại nhau chưa ấm hết bàn tay, anh đưa ra lý do vừa giận, vừa thương: “Anh cứ nghĩ thời gian và sự xa cách sẽ làm em nguôi ngoai chớ dính vào anh, em sẽ khổ một đời. Thương em nên anh không nỡ nhìn thấy em phải vất vả vì anh”.
Thì ra, anh cố tình lao vào công tác cũng chính là để quên đi nỗi niềm thương nhớ người vợ vừa cưới đã vội xa. Chị rấm rứt: “Một ngày cũng đã nên nghĩa vợ chồng, làm sao mình có thể xa nhau được”.
NGHỊ LỰC LÀM GIÀU
Về bên chồng, chị nhận nhiệm vụ Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đồng Sơn và sau đó chuyển về xã Bình Phú công tác trong ngành Thương binh xã hội.
Giọng chị vẫn đều đều: “Gia đình nghèo, cha mẹ chồng lại đông con phải đi làm mướn quanh năm. Hai vợ chồng ra ở riêng không một đồng vốn, trong căn chòi nhỏ, trống hoác. Dành dụm nuôi heo. Chồng khập khễnh cho heo ăn, vợ cặm cụi bán khoai lang luộc, kiếm ăn từng ngày. Tiền lãnh lương của 2 vợ chồng tích cóp nhiều năm mua được 1,8 công ruộng, chính quyền xã thấy hoàn cảnh khó khăn nên xét cấp thêm cho 3 công nữa.
Đất gò nhiễm mặn, lúa mỗi năm làm một vụ, đói nghèo vẫn rình rập, đeo bám. Dành dụm, chắt bóp mãi, đến năm 1992, vợ chồng tui mới quyết định chuyển nghề, vì sức khỏe của cả hai người không thể bám mãi vào mấy công ruộng được”.
Vay mượn thêm của bạn bè, anh chị mở một nhà máy xay lúa nhỏ, mỗi ngày xay được chừng trăm giạ lúa, với tổng số vốn ban đầu vài chục triệu đồng. Ba năm sau, nhờ chịu thương chịu khó, làm ăn có hiệu quả, chị nâng cấp nhà máy lên công suất 20 tấn/ngày, với tổng số vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng.
Chương trình ngọt hóa Gò Công mở ra một tiềm năng mới, cùng với các tiến bộ về KH-KT được ứng dụng rộng rãi, vừa đưa năng suất, chất lượng lúa tăng cao, vừa canh tác được 3 vụ lúa mỗi năm. Để đáp ứng với nhu cầu của thị trường gạo xuất khẩu, chị quyết định nâng cấp nhà máy lên quy mô lớn hơn, hiện đại hơn.
Năm 2000, nhà máy xay lúa công suất 25 tấn/ngày với tổng số vốn đầu tư hơn 300 triệu đồng của chị chính thức đi vào hoạt động. Không chỉ xây dựng nhà máy xay lúa, chị còn lắp đặt thêm lò sấy lúa. Tháng 9-2002, chị được Sở NN&PTNT chọn lắp đặt thí điểm một lò sấy quy mô lớn với chính sách ưu đãi cho gia đình cả hai vợ chồng là thương binh.
Ưu điểm của lò là sấy hai chiều, sấy dưới xong đậy nắp chuyển lên sấy trên, nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí nhân công. Tổng chi phí của lò sấy lên đến 92 triệu đồng, trong đó gia đình đầu tư 70 triệu đồng mua vật tư, trang thiết bị, còn 22 triệu đồng chi phí lắp đặt, thiết kế, nhân công, chị được tỉnh hỗ trợ. Anh chị tiếp tục mua thêm 3 công đất nữa để đầu tư vào lò sấy lúa.
Từ hai bàn tay trắng, nhưng nhờ biết tính toán, chịu thương, chịu khó và cần kiệm tích lũy, đến nay anh chị đã có một cơ sở với 6 lò sấy lúa và nhà máy xay xát lúa khá hoàn chỉnh với tổng số vốn gần 7 tỷ đồng, mức thu nhập hàng năm đạt hàng trăm triệu đồng.
Ngoài nhà xưởng, anh chị còn xây được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt, lo cho các con ăn học thành đạt và tạo việc làm cho 50 công nhân, với mức thu nhập hàng tháng từ 2 - 2,5 triệu đồng/người.
Anh chị được công nhận sản xuất kinh - doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền. Điều đáng trân trọng nữa, anh chị còn giàu lòng nhân ái, mỗi năm đóng góp tiền và gạo trị giá hàng chục triệu đồng vào Quỹ “Vì người nghèo”, “ Đền ơn đáp nghĩa”, phúc lợi xã hội, cứu trợ bà con các vùng bị thiên tai, bão lụt...
Với thành tích trong sản xuất kinh doanh và làm công tác từ thiện xã hội, anh chị đã được UBND tỉnh, huyện tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Chị còn vinh dự được đi dự Hội nghị tổng kết phong trào: “Cựu chiến binh xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.
Người nữ thương binh ấy vừa nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng là chị Nguyễn Thị Hồng Thu, chủ nhà máy xay xát lúa ở ấp Bình Khánh (Bình Phú, Gò Công Tây.
KIỀU TƯỚC NGUYÊN