Thứ Tư, 19/09/2012, 09:47 (GMT+7)
.

Anh Kiều Văn Hoàng: Từ bộ đội, anh bán cá trở thành cán bộ giỏi

Đến ngã tư Tịnh Hà hôm nay, ai cũng ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng. Mới ngày nào bụi đỏ, mái lá lụp xụp nhếch nhác; bây giờ đường nhựa thênh thang, nhà lầu thi nhau mọc lên, cảnh mua bán tấp nập… Có thể nói, mảnh đất Anh hùng Nguyễn Hữu Huân heo hút ngày nào, giờ tưng bừng sức sống mới. Được như thế là nhờ công lao của bao người, trong đó có công sức của một cán bộ ấp An Thị.

Mới nhìn nước da ngâm đen, gương mặt khắc khổ và đôi bàn tay chai sần lam lũ, người ta không thể biết anh là một cán bộ giỏi. Anh là Kiều Văn Hoàng.

Từ quê vợ, làm ăn thất bại, hai vợ chồng xách túi bàng về ngã tư Tịnh Hà cất mái lá bên bãi rác làm lụng, chắt mót xây nhà lầu đầu tiên ở xóm nhà lá. Hai vợ chồng bán cá ở chợ Tịnh Hà. Mỗi ngày, anh thức dậy từ lúc 2 giờ sáng đạp xe đi lấy hàng cho vợ bán.

Cách nay khoảng 10 năm, gặp lúc xã Mỹ Tịnh An cần cán bộ thay trưởng ấp cũ yếu kém, bà con kỳ vọng, cấp ủy tin tưởng, thế nhưng anh còn do dự... Tôi nói: Anh cứ làm đi. Bà con đồng tình ủng hộ thì làm việc gì chẳng xong! Nhiều năm được Công an tỉnh tặng Bằng khen, tinh thần anh càng phấn chấn.

Ấp An Thị là thị tứ, người tứ xứ đến lập nghiệp, dân cư đông đúc, an ninh phức tạp. Hiện nay, ấp có 447 hộ với 1.712 nhân khẩu, chưa kể người tạm trú, khách vãng lai.

Nếu Quơn Long là xã nổi tiếng về cây thanh long vùng dưới, thì Mỹ Tịnh An nổi tiếng về cây thanh long của 7 xã vùng trên. Về đây, khách sẽ ngây ngất trước màu xanh thẫm của cây, màu trắng sữa của hoa, màu đỏ tươi của trái thanh long. Và so với chợ Phú Kiết lập gần 200 năm thời Huỳnh Công Lý đào sông Bảo Định, thì chợ Tịnh Hà thua xa về tuổi tác, nhưng sung mãn hơn nhiều.

Có điều, bà con nơi đây thường đổ rác xuống sông, túi nilông vứt tứ tung, đặc biệt có bãi rác hôi thối tồn tại 20 năm nay cạnh khu dân cư, trường học và bệnh viện. Nó như vết dơ vô duyên trên gương mặt xinh đẹp của Tịnh Hà. Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường, anh Hoàng đã kiên trì thuyết phục các hộ trong ấp thu gom rác. Anh mua 7 xe thu gom rác, đặt sát ngay cầu, nơi mà người ta quen xả rác vô tội vạ. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Năm thấy vậy, đã “xắn tay áo” cùng lo và được bà con đồng tình ủng hộ nên đã sớm “khai tử” bãi rác, trả lại sự trong lành cho ấp An Thị.

Dịp Quốc khánh 2-9 vừa qua, ngã tư chợ phấp phới cờ đỏ sao vàng nhờ anh Hoàng vận động làm 120 cột cờ chuẩn bằng Inox rồi đến từng hộ nhắc nhở việc treo cờ. Việc làm cầu tự hoại, xóa “cầu tõm” cũng vậy, anh phải gõ cửa năn nỉ mỗi nhà. Thay đổi thói quen sinh hoạt người dân phải như nước chảy đá mòn và chọn người gương mẫu, rồi từ đó nhân rộng ra phong trào.

Những người dân như: Chị Thái Thị Thu (Hai Thu), anh Trần Văn Tiên (Chín Tiên), Nguyễn Văn Út (Chín Phà), Phan Văn Đức (Bảy Voi)… đã sát cánh cùng anh trong công việc. Đặc biệt là anh Bảy Voi, vừa giỏi làm ăn vừa giàu tình nghĩa. Anh là bộ đội xuất ngũ về làm cán bộ ấp, dù nghỉ làm nhưng còn “máu lửa” lắm.

Mỹ Tịnh An có 8 ấp, có truyền thống cách mạng và học hành. Ấp An Thị có địa lợi, nơi ngã ba giáp nước tụ hội khí thiêng phát tiết anh hào. Suốt mấy năm qua, An Thị vươn lên hạng nhất xã, hiện bà con đang chung tay xây dựng nông thôn mới.

Anh Kiều Văn Hoàng đã góp một phần trong sự đổi thay này. Không qua trường lớp đào tạo chính quy mà phẩm chất, năng lực của anh do trải qua quân đội, từ nghèo khổ, vất vả kiếm sống mà nên. Ngày nào cũng vậy, như hồi 10 năm trước, anh vẫn thức dậy trước bình minh, lặng lẽ kiếm sống như con ong cần mẫn, khiêm nhường như một giọt nắng.

NGUYỄN THANH XUÂN

.
.
.