Thứ Hai, 17/09/2012, 10:38 (GMT+7)
.

Chợ Gạo: Thực trạng và giải pháp cấp nước sinh hoạt nông thôn

Thời gian trước đây, hoạt động của các tổ hợp tác cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn huyện Chợ Gạo đã góp phần rất lớn trong việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn, đặc biệt trong mùa khô.

Tuy nhiên, qua một thời gian dài hoạt động, do hệ thống trạm bơm, đường ống dẫn nước đã bị xuống cấp, tiết diện nhỏ nên không thể đáp ứng được nhu cầu dẫn nước đến các hộ dân. Hơn nữa, các đài lọc nước đã bị hư nên nước sau khi lọc không đảm bảo chất lượng đúng theo quy định…

Trạm cấp nước 2A (xã Tân Thuận Bình).
Trạm cấp nước 2A (xã Tân Thuận Bình).

Đơn cử như trường hợp trạm cấp nước Tân Bình 2A (xã Tân Thuận Bình) được thành lập từ năm 1999 nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong khu vực thuộc 4 ấp (Tân Bình 2A, Tân Hưng, Tân Bình 1 và Tân Bình 2B) với tổng kinh phí 393,7 triệu đồng từ nguồn vốn đóng góp của mỗi hộ là 750.000 đồng, hoạt động theo hình thức tổ hợp tác.

Do trạm hiện nay bị xuống cấp, đường ống giếng khoan nhỏ không đảm bảo đủ nước, hệ thống ống dẫn nước quá dài và rải rác nên thường xuyên bị rò rỉ; đồng hồ nước đã bị hư nên thiếu độ chính xác; việc cung cấp nước thường bị gián đoạn và thiếu hụt nước, không đủ nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân vào mùa khô.

Trong quá trình vận hành, vốn đầu tư xây dựng cơ bản và sửa chữa nhỏ không có, do tình hình thu chi tài chính của trạm nước chỉ đủ trả tiền điện, không có tích lũy. Từ đó, không có kinh phí dự phòng để sửa chữa, nâng cấp thiết bị thường xuyên bị hư, nên dẫn đến nợ không có khả năng chi trả, trong khi đó trạm không thể vận động người dân đóng góp để trả nợ và nâng cấp trạm nước.

Trước tình hình đó, UBND xã đã xây dựng phương án và tìm đối tác chuyển giao hình thức quản lý trên cơ sở được sự đồng ý của người dân; từ đó, đối tác là DNTN Tường Văn thống nhất tiếp nhận đầu tư nâng cấp, cải tạo trạm cấp nước Tân Bình 2A.

Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện, có đến 40-50% tổ hợp tác cung cấp nước hoạt động yếu kém. Nguyên nhân là tình trạng thu không đủ chi, do số tiền thu hàng tháng ở các hộ không đủ trả tiền điện để vận hành trạm cấp nước; phụ cấp cho người quản lý thấp (khoảng vài trăm ngàn đồng/người/tháng nên không ai làm); tỷ lệ thất thoát nước cao (từ 50-60%); chất lượng nước không đảm bảo; đường ống thiết kế không đảm bảo cung cấp nước cho các hộ dân tham gia tổ hợp tác…

Do vậy, về tài chính, các tổ hợp tác không có kinh phí để bảo trì, sửa chữa hoặc nâng cấp trạm, bể lọc và hệ thống đường ống dẫn nên chất lượng hoạt động chỉ cầm chừng, không đạt hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Bình Phục Nhứt cho biết: Hiện địa bàn xã có 14 trạm cấp nước phục vụ nước sinh hoạt cho người dân trong xã. Chỉ riêng 2 trạm cấp nước Bình Khương 2 và Bình Thọ 1 đang cần có nhu cầu phải nâng cấp thì mới đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cung cấp nước cho người dân trong ấp.

Trước tình hình trên, UBND huyện đã chủ động đưa ra chủ trương chuyển đổi những mô hình cấp nước sinh hoạt hoạt động kém hiệu quả, không thể khắc phục sang các doanh nghiệp tư nhân quản lý. Sau thời gian triển khai, đến nay huyện đã có 16 DNTN tham gia cấp nước sinh hoạt cho người dân ở các xã: Lương Hòa Lạc, Phú Kiết, Thanh Bình, Đăng Hưng Phước…

Ngoài ra, còn có 2 HTX cấp nước là HTX cấp nước sinh hoạt nông thôn Phú Lợi A (xã Phú Kiết) và HTX Điền Mỹ (xã Long Bình Điền). Qua khảo sát, đánh giá, mô hình hoạt động của các DNTN và HTX quản lý, cấp nước hoạt động tốt, đạt hiệu quả, trong đó nổi bật là HTX Điền Mỹ và DNTN cấp nước Lộc Tuyền (xã Hòa Định)…

Chủ trương chuyển đổi mô hình cấp nước sinh hoạt sang doanh nghiệp tư nhân quản lý đã góp phần giải quyết được tình trạng hoạt động yếu kém của các tổ hợp tác nước sinh hoạt nông thôn trước đây. Từ đó, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân trong huyện có nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 85%.

Theo ông Nguyễn Văn Vạng, Phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo: Đơn vị đang phối hợp các ngành liên quan để tiếp tục kiểm tra và đánh giá lại hoạt động các tổ hợp tác cấp nước. Từ đó phân loại hoạt động nhằm hỗ trợ những tổ hợp tác có thể khắc phục; riêng đối với những tổ hợp tác không thể khắc phục được thì kêu gọi và khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực này.

HỮU CHÍ
 

.
.
.