Thứ Tư, 26/09/2012, 10:21 (GMT+7)
.

Đoàn và dấu ấn qua 2 phong trào lớn

Trong nhiệm kỳ 2007 - 2012, các cấp bộ Đoàn đồng loạt phát động 2 phong trào lớn: “4 đồng hành với thanh niên trên đường lập thân, lập nghiệp” (gọi tắt là “4 đồng hành”; “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” (gọi tắt là “5 xung kích”) với niềm tin tưởng, kỳ vọng đối với thanh niên và tổ chức Đoàn trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Đối với Tiền Giang, sự phát triển của 2 phong trào lớn từng bước tác động, dẫn dắt, xây dựng thế hệ trẻ có sự tiến bộ hơn; đa số đoàn viên, thanh niên (ĐV-TN) vững vàng về tư tưởng chính trị, có đạo đức, lối sống tốt, tích cực học tập, lao động sáng tạo, vượt khó vươn lên để tự khẳng định ý chí, khả năng của bản thân, không vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội.

Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Tiền Giang với Chương trình “Tiếp sức mùa thi”. Ảnh: P.M
Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Tiền Giang với Chương trình “Tiếp sức mùa thi”. Ảnh: Phương Mai

Rất nhiều bạn trẻ đã nỗ lực vượt qua nghịch cảnh cuộc đời để phát triển tài năng, trí tuệ bằng niềm tin và khát vọng của tuổi trẻ. Song vẫn còn đó những thanh thiếu niên cá biệt, thích đua đòi, sống thực dụng, ngại học tập và lười lao động; một số bạn trẻ đã buông mình vào những cuộc vui chơi vô bổ, sống tự do, bất chấp pháp luật và sự giáo dục, thuyết phục của gia đình, của các tổ chức trong cộng đồng. Đây là vấn nạn xã hội mà cả hệ thống chính trị, gia đình và cộng đồng tiếp tục tìm giải pháp giáo dục thiết thực hơn.

Khắp đó đây, từ nông thôn đến thành thị, từ trường học đến doanh nghiệp, nơi công sở hoặc trong đơn vị lực lượng vũ trang… qua sự phát động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, mỗi năm đều có hàng ngàn thanh niên xung kích hưởng ứng các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

Nhiều công trình thanh niên có giá trị làm đẹp thêm khu phố, xóm ấp và có những công trình thanh niên được gắn “thương hiệu” như: Tuyến đường Thanh niên tự quản, Nhà tình bạn, Cầu Thanh niên… và cũng có nhiều phần việc thanh niên có ý nghĩa, tạo dấu ấn như việc chăm sóc gia đình chính sách, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, dạy phổ cập, hiến máu tình nguyện, các hoạt động: “Ngày chủ nhật xanh”, Chiến dịch “Tình nguyện vì cộng đồng”… Tất cả những đóng góp ấy của thanh niên, của Đoàn, của Hội là rất đáng trân trọng, cần tiếp tục phát huy.

Những khó khăn, trở ngại trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên có nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân tổ chức Đoàn thiếu nguồn lực đầu tư nhưng lại chỉ đạo dàn trải phong trào; hình thức sinh hoạt ở cơ sở chậm đổi mới, chưa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của giới trẻ và những tác động khách quan của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, mặt trái của nền kinh tế thị trường…

Ban Chấp hành Đoàn ở mỗi cấp, mỗi địa phương, đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu dư luận xã hội, nhu cầu thực tiễn của thanh niên để xây dựng kế hoạch hoạt động sát thực tế, phong phú, hiệu quả hơn. Muốn làm được điều đó, phải làm tốt khâu khảo sát, đánh giá, phân tích nhu cầu của ĐV-TN; đồng thời mạnh dạn đề xuất, kiến nghị và chủ động khai thác, tìm kiếm nguồn lực cho các phong trào.

Mỗi địa phương, đơn vị có đặc điểm tình hình thanh niên không giống nhau, vì thế biện pháp chỉ đạo và hình thức tổ chức phong trào cũng cần có sự sáng tạo, nhạy bén từ tư duy đến hành động của người cán bộ tổ chức phong trào.

Phát huy tính xung kích của tuổi trẻ trong giai đoạn mới, Đoàn và Hội LHTN cần đẩy mạnh hơn nữa các hình thức thi đua yêu nước của tuổi trẻ; đồng thời tranh thủ thời cơ, nắm bắt vận hội từ những cơ chế, chính sách đã có như: Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), Luật Thanh niên, Chiến lược phát triển thanh niên, Quy chế cán bộ Đoàn… để khẳng định cho được khả năng, lực lượng của thế hệ trẻ trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng giàu đẹp trên đường hội nhập và phát triển.

THÁI SƠN

.
.
.