Thứ Năm, 13/09/2012, 07:22 (GMT+7)
.

Gặp người đốn dừa thiện nghệ ví như Tôn Hành Giả

Ông Nguyễn Văn Giáo ngụ ấp Khương Ninh (Long Bình, Gò Công Tây) là người vui tính, mưu sinh bằng một nghề rất “độc”: đốn dừa. Tài đốn dừa của ông được người dân trong vùng đặt cho các biệt danh: Tôn Hành Giả, Tề Thiên, “vua” mèo…

Nghề “độc”

Gia đình ông Giáo có 4 nhân khẩu. Tiếng là nông dân nhưng lại không có cục đất chọi chim. Để nuôi vợ và 2 con (đứa lớn đang học lớp 11 và đứa nhỏ mới vào lớp 6), mấy chục năm nay ông bươn chải đủ thứ nghề, đặc biệt là “nghề” đốn dừa mướn.

Buổi sáng, ông Giáo chuẩn bị đi làm
Ông Giáo - Tôn Hành Giả.

Ở quê, việc đốn hạ các loại cây, trong đó có cây dừa là chuyện nhiều người làm được, nhất là hiện nay với loại cưa máy cầm tay thì công việc được tiến hành nhanh, gọn và ít tốn kém.

Nhưng có những cây dừa cao chót vót từ 15 - 20m, thậm chí có những cây dừa lão với độ cao trên 30m, lại đứng ở những vị trí rất “nhạy cảm” như: có nguy cơ làm sập đổ hàng rào, cột điện hoặc nhà của hàng xóm bất cứ lúc nào; hoặc sau cơn giông, có những cây dừa bị trốc gốc ngã đè trên mái nhà nhưng chưa kịp… sập.

Những trường hợp như vậy, đa số thợ khác không dám lãnh đốn, vì sợ không khéo lại rơi vào cảnh “bò què thường bò lành”. Lúc đó khổ chủ không quên ông Giáo... Tôn Hành Giả.

Với một bộ công cụ thô sơ đến mức không thể thô sơ hơn: Hai chiếc búa, chiếc nhỏ trông như thứ đồ chơi, lưỡi nhỏ hơn bề mặt bao thuốc lá nhưng rất bén, cạo đứt cả lông chân, giữ vai trò chính trong việc đốn hạ cây, nhất là cây dừa. Chiếc búa còn lại thì lớn hơn một chút, chủ yếu là để đốn sát gốc (đối với những cây quá to, già) và một sợi dây thừng dài chừng 20m để người ở dưới đất phụ kéo cho ngã từng đoạn cây.

Ông còn trang bị thêm một đoạn dây dù dài khoảng 4m sấp đôi, thắt nhiều nút dùng đề làm chỗ để chân, cũng là dây bảo hiểm trong quá trình đốn những cây không có nhánh như cây dừa.

Việc đốn hạ một cây dừa được thực hiện theo một quy trình cố định: Đầu tiên, ông giắt lưng chiếc búa nhỏ, cột đầu cả hai sợi dây vào hông rồi trèo thoăn thoắt lên ngọn dừa. Ông cột tạm 2 sợi dây vào nơi nào đó (vì chưa xài tới) rồi dùng chiếc búa nhỏ tỉa dần từng tàu lá, từng buồng trái và buông xuống đúng vị trí theo yêu cầu của chủ nhà một cách chính xác.

Khi cây dừa chỉ còn thân trơ trọi là kết thúc công đoạn thứ nhất. Lúc này, ông dùng dây thừng buộc vào phần đầu trên của đoạn cây cần đốn. Tùy theo thế của cây và khoảng cách giữa cây với ngôi nhà hoặc hàng rào hay một công trình kiến trúc, cây cối… ông sẽ quyết định cắt cây ra thành mấy đoạn để bảo đảm an toàn.

Thường mỗi cây dừa ít nhất cắt thành 3 đoạn hoặc 4 - 5 đoạn, cá biệt có trường hợp cây quá cao phải cắt đến 10 đoạn. Bởi vì phải đốn từ ngọn xuống trong điều kiện cây dừa không có nhánh, nên sau khi xác định giới hạn, dây dù dược thắt vào phần trên của đoạn dưới, cách chỗ sẽ đốn vài chục cm. Một chân ông đứng chịu vào vòng dây dù, chân còn lại vòng qua phía bên kia “ôm” lấy thân dừa, còn hai tay thì vung búa.

Theo ông, điều quan trọng và quyết định là việc điều chỉnh sao cho đoạn dừa rơi đúng chỗ, an toàn, không cắm đầu cũng không lộn đuôi là người thợ phải biết “mở miệng” thân cây sao cho hợp lý. Điều này, theo ông, là kinh nghiệm “xương máu”.

Cây nào khó, có ông Giáo

Ông Giáo cho biết, vì nhà nghèo nên lúc mới 12 tuổi ông đã bắt đầu leo trèo và nhận dọn rác trên ngọn dừa. Năm nay tròn 50 tuổi, vậy là ông đã có gần 30 năm kinh nghiệm với cái nghề “độc” này. Gọi là nghề “độc” nghĩ cũng không có gì quá đáng, bởi vì rất ít người dám làm công việc nguy hiểm này.

Theo ông Giáo, có hai “đồng nghiệp” của ông chỉ vì sơ xuất đã té ngã trong lúc hành nghề, trong đó một người đang sống đời sống “thực vật”, một người đã vĩnh viễn ra đi. Còn chuyện bị kiến cắn, ong chích, có khi phải chạy thục mạng vì bị ong vò vẽ rượt đuổi là chuyện thường gặp.

Ông Giáo đang “hành nghề” trên ngọn dừa.
Ông Giáo đang “hành nghề”.

Với chiếc xe đạp cà tàng, chiếc giỏ nhựa cũ kỹ đựng dụng cụ, bộ đồ lao động sờn rách và chiếc nón vải bạc màu, gần 30 năm qua, ông Giáo được nhiều người “rước” đi đốn hạ không biết bao nhiêu cây cối, nhất là những cây mang mầm tai họa ở rất nhiều nơi, từ Long Bình, Long Vĩnh, Vĩnh Hựu, Thạnh Nhựt (Gò Công Tây) sang Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh, Phú Đông… của huyện cù lao Tân Phú Đông. Có lúc ông còn đi tới TP. Mỹ Tho và huyện Cai Lậy.

Hiện nay, đốn hạ mỗi cây dừa loại khó trung bình, tức là loại cây có độ cao trên 10m, phải đốn thành 3 - 4 đoạn, trong thời gian khoảng hơn một giờ, ông Giáo được trả công 200.000 đồng. Được trả nhiều tiền nhất là 900.000 đồng cho một cây dừa khi ông đốn hạ 2 cây nằm giữa 2 căn nhà tường cách nhau chưa đầy 1,5m ở gần ngã ba Trung Lương (TP. Mỹ Tho).

Nói chung, tiền công cũng khá nhưng theo ông thì không “dễ ăn” vì tính chất nguy hiểm của nó. Không may thì tai nạn bản thân, sơ suất thì đền bồi. Hơn nữa, không phải ngày nào cũng có cây để đốn, có khi cả tháng nằm không. Do vậy mà đến giờ gia đình ông Giáo vẫn chưa thoát nghèo.  

Công việc cực nhọc và khá nguy hiểm, nhưng với bản tính vui vẻ, có óc khôi hài, nên lúc nào người ta cũng thấy ở ông Giáo luôn có một tinh thần lạc quan.                                                                     

LÊ MINH HOÀNG

.
.
.