Thứ Tư, 12/09/2012, 11:02 (GMT+7)
.

Ghi nhận từ một lớp dạy nghề nông thôn

Thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, lao động thuộc diện hộ nghèo, lao động là người tàn tật, lãnh đạo xã Long Bình (Gò Công Tây) đã chọn ấp Khương Ninh làm điểm. Hội Nông dân và Hội LHPN xã phối hợp cùng chính quyền, Trung tâm Dạy nghề huyện tiến hành chiêu sinh.

Qua đó, đã mở được 1 lớp điện dân dụng, với 35 học viên, trong đó có 8 người thuộc diện hộ nghèo, diện chính sách và người khuyết tật. Tiến hành mở lớp dạy nghề nông thôn tại đây là một quyết định đúng, mở ra một hướng đi mới cho người lao động sở tại, vì vậy được nhiều người phấn khởi hưởng ứng.

Theo kế hoạch, lớp được khai giảng từ ngày 11-6-2012 đến 11-8-2012, mỗi tuần học 3 buổi, do lực lượng giáo viên của Trung tâm Dạy nghề huyện đảm trách.

Trong quá trình hoạt động của lớp, buổi học nào cũng có mặt các thành viên trong Ban Chấp hành Hội Nông dân, Hội LHPN xã và ban lãnh đạo ấp để quản lý, động viên học viên.

Theo quy định, tham gia lớp học nghề ngắn hạn này, học viên được hỗ trợ học phí; được cấp phát các phương tiện học tập như: tập, viết, tài liệu, nguyên vật liệu thực hành; được hỗ trợ nước uống, chụp ảnh dán hồ sơ; được cấp chứng chỉ nghề.

Học viên thuộc hộ nghèo, đối tượng chính sách hoặc con em gia đình chính sách và người khuyết tật còn được hưởng trợ cấp theo quy định. Vì vậy, các học viên rất phấn khởi, theo học đều đặn và chú ý tiếp thu để nắm vững kiến thức và kỹ năng.

Qua học tập, các học viên được trang bị tương đối kỹ về những nguyên lý cơ bản, cơ chế vận hành của hệ thống điện nói chung và điện dân dụng nói riêng; kiến thức và kỹ thuật đấu nối các loại mạch điện thường sử dụng trong nhà; biết về tính năng cũng như cách sửa chữa những hỏng hóc nhỏ của một số dụng cụ, thiết bị điện thông thường trong nhà...

Kết quả học tập, 100% học viên đạt yêu cầu, được Trung tâm cấp chứng chỉ nghề. Sau khi hoàn thành khóa học, đa số học viên có thể mưu sinh bằng nghề điện dân dụng nếu có điều kiện.

Đối với một địa bàn nông thôn có tính đặc thù như ấp Khương Ninh, thì việc dạy nghề cho người lao động là bức bách. Có lẽ vấn đề quan trọng hơn trong việc thực hiện chủ trương dạy nghề cho lao động nông thôn là phải làm sao đa dạng hóa ngành nghề và đồng thời với việc tổ chức dạy nghề là thúc đẩy ngành nghề phát triển để người học nghề có “đất dụng võ”.

Một đòi hỏi hết sức thực tế khác mà các trung tâm dạy nghề phải đáp ứng để thu hút ngày càng nhiều lao động nông thôn theo học các lớp do mình tổ chức là chất lượng đào tạo, để sau khi học xong, học viên tìm được việc làm.

Được biết, trong thời gian tới, xã Long Bình sẽ tiếp tục kết hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện mở tiếp lớp máy nổ tại ấp Khương Ninh. Hy vọng kế hoạch này sẽ sớm được triển khai thực hiện.

LÊ MINH HOÀNG

 

.
.
.