Một thương binh vươn lên bằng ý chí và nghị lực
Dù mang thương tật với tỷ lệ 81%, nhưng chú Trần Tri Phương (sinh năm 1959, hiện ngụ ấp Bình Hòa A, xã Song Bình) vẫn không đầu hàng số phận, luôn hăng say lao động, phát huy hiệu quả kinh tế trên chính mảnh vườn nhà mình.
Năm 1975, chú Phương là trinh sát của Tỉnh đội Mỹ Tho. Đến năm 1977, chú được điều về làm trinh sát cho Tiểu đoàn 2009 B. Cuối năm 1979, đang làm nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam, chú bị thương trong lúc đưa đồng đội vượt qua bãi mìn của địch. Thế là cánh tay phải của chú đã gửi lại chiến trường.
Chú Phương chăm sóc vườn ca cao. |
Chú Phương tâm sự: “Khi chú bị thương trở về là lúc bà xã vừa sinh đứa con gái đầu lòng. Cuộc sống gia đình chú khá vất vả. Nhìn vợ, nhìn đứa con thơ mà chú cố gắng vượt qua mặc cảm, bệnh tật. Dù chỉ còn một cánh tay, chú vẫn phải làm để lo cho gia đình”.
Với 6 công ruộng làm lúa không mấy hiệu quả, vợ chồng chú Phương phải đi làm nhiều nghề để nuôi sống gia đình. Ai mướn gì làm nấy, bất kể khó khăn.
Cô Trần Thị Bích Sen (vợ chú Phương) chia sẻ: “Ổng chịu khó lắm. Dù trong người vẫn còn nhiều mảnh đạn thường xuyên gây đau nhức khi trái gió, trở trời nhưng ổng chưa bao giờ đầu hàng số phận. Chỉ khi nào đau lắm, ổng mới chịu nghỉ vài ngày rồi sau đó lại lao vào công việc”.
Thấy trồng lúa hiệu quả thấp, chú Phương đã mạnh dạn chuyển 6 công đất làm lúa sang trồng dừa xen ca cao. Sau khi tham khảo ý kiến bạn bè, chú đã bắt tay lên vườn, tìm giống và nghiên cứu cách trồng cây.
Chăm chỉ học hỏi, cần cù lao động trong suốt một thời gian dài, chú vui mừng với thành quả hiện tại. Giờ chú có hơn 50 gốc dừa và gần 100 gốc ca cao đang cho trái. Chú cũng vừa trồng thêm 150 gốc dừa, 100 gốc bưởi da xanh, 100 gốc chanh, 100 gốc mít.
Chú Phương vui vẻ chia sẻ: “Chú đợi sang năm, 150 gốc dừa mới trồng có bóng mát rồi chú sẽ trồng xen ca cao. Tuy có thể thu nhập chậm hơn nhưng hiệu quả cao hơn nhiều”.
Bên cạnh đó, chú còn nhờ một người bạn ở xã Ngũ Hiệp (Cai Lậy) hướng dẫn kỹ thuật trồng 100 gốc sầu riêng. Hy vọng, sau 4 năm sầu riêng sẽ cho trái. Không chỉ thế, chú còn trồng xen các loại cây ngắn ngày như: bắp, đậu bắp… Mỗi năm từ vườn dừa, ca cao và các loại cây ngắn ngày cho chú thu nhập trên 50 triệu đồng
Dù các vết thương cứ tái đi tái lại, nhưng ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm chú Phương lại ra vườn, không làm cỏ thì cũng tỉa cành, vun gốc, bón phân cho cây trồng. Trong khi biết bao nhiêu người phá bỏ vườn dừa để trồng cây có giá hơn thì chú vẫn quyết tâm giữ lại mảnh vườn của gia đình mình. Chú Phương còn cho biết dự định sắp tới chú sẽ đào các ao xen trong vườn, vừa nuôi cá tai tượng vừa có nước tưới cho cây.
Nhờ chịu khó, tích lũy nhiều năm chú Phương đã xây dựng được ngôi nhà khang trang và mua sắm đồ dùng trong nhà. Chú Phương bảo rằng: “Còn sức thì còn làm, làm khi nào mệt thì nghỉ, hết mệt thì lại làm tiếp”. Hiện tại, 2 người con gái lớn của cô, chú đã lập gia đình và có việc làm ổn định; còn người con trai út hiện là sinh viên cơ khí trường Đại học Tiền Giang.
Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, chú Phương từng làm trưởng ấp 2 nhiệm kỳ, 3 năm làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã. Chú luôn đi đầu trong mọi công tác, sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm làm ăn với bà con trong xóm và cô chú hội viên Hội Cựu chiến binh cùng vươn lên làm giàu chính đáng. Cụ thể, chú Phương đã góp công, góp của xây dựng 400m đường bê tông nông thôn, hỗ trợ cây, con giống cho 16 gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Bằng ý chí, nghị lực của mình, thương binh Trần Tri Phương đã vươn lên làm giàu chính đáng. Chú được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp và được bình chọn là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi nhiều năm liền.
P. MAI