Thứ Tư, 05/09/2012, 13:28 (GMT+7)
.

Mỹ Phước Tây: Điểm sáng trước cửa ngõ Đồng Tháp Mười

Nằm ở vị trí ngã tư các tuyến giao thông thủy, bộ thuận tiện (đường thủy có kinh Nguyễn Văn Tiếp, kinh Mười Hai; đường bộ có lộ bắc Nguyễn Văn Tiếp, đường tỉnh 868), xã Mỹ Phước Tây (Cai Lậy) giữ vị trí hết sức chiến lược, là cửa ngõ vào Đồng Tháp Mười và xa hơn, tận cửa khẩu Bình Hiệp (Mộc Hóa, Long An) thông thương sang nước bạn Campuchia.

Với vị trí chiến lược, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt, nơi đây là chiến trường sôi động. Địch đã chọn Mỹ Phước Tây để xây dựng khu trù mật, cụ thể hóa kế hoạch nham hiểm gom dân “tát nước bắt cá”, rồi lập trận địa pháo cùng mạng lưới đồn bót dầy đặc hòng khống chế căn cứ Đồng Tháp Mười của ta.

Với những đóng góp to lớn trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước thắng lợi, Đảng bộ và nhân dân xã Mỹ Phước Tây được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hiện nay, Mỹ Phước Tây là xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Cai Lậy. Xã phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành 100% tiêu chí xây dựng NTM, đưa nơi đây trở thành điểm sáng về kinh tế, văn hóa, xã hội trước cửa ngõ Đồng Tháp Mười.

Qua khảo sát bước đầu, Mỹ Phước Tây đã đạt được 7/19 tiêu chí: thủy lợi phục vụ sản xuất, giáo dục, chợ, bưu điện, y tế, hệ thống chính trị và an ninh trật tự.

Học sinh trường THPT Mỹ Phước Tây vui chơi trước sân trường.       Ảnh: SĨ NGUYÊN
Trường THPT Mỹ Phước Tây được xây dựng khang trang. Ảnh: Sĩ Nguyên

Phó Chủ tịch UBND xã Lê Văn Chính cho biết, xã có có diện tích tự nhiên trên 2.000 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 1.359 ha. Trước đây, đất sản xuất phần nhiều bị hoang hóa do chiến tranh hoặc chỉ trồng được 1 - 2 vụ lúa/năm do thiếu hệ thống thủy nông, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật...

Ngày nay, nhờ nhiều năm kiên trì làm thủy lợi nội đồng hoàn thiện, chủ động đưa nước đến từng chân ruộng để cải tạo đất đai, chuyển giao kỹ thuật thâm canh đến từng nông hộ... xã tạo được mạng lưới 14 tuyến kinh mương nội đồng, tổng chiều dài 26 km, 31 tuyến đê bao chống lũ bảo vệ sản xuất và khu dân cư có tổng chiều dài 38 km.

Sắp tới, xã có kế hoạch nâng cấp 3 tuyến đê bao và lắp 11 trạm bơm điện phục vụ sản xuất. Nhờ vậy, Mỹ Phước Tây đã nâng 100% diện tích đất sản xuất lên 3 vụ/ năm, năng suất bình quân từ 17 – 18 tấn/ ha/ năm và sản lượng lương thực đạt 25.000 tấn/ năm, được coi là “vựa lúa” phía bắc huyện Cai Lậy.

Phát triển thương mại - dịch vụ cũng được xem là “kỳ tích” của miền đất anh hùng Mỹ Phước Tây trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, xây dựng NTM theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Xã đã tận dụng mặt bằng khu trù mật của Mỹ - ngụy năm xưa để xây dựng ngôi chợ Mỹ Phước Tây bề thế với tổng diện tích 6.630 m2 , kiến trúc đẹp, khang trang, giàu tiềm năng và là địa điểm trung chuyển nông sản hàng hóa quan trọng bắc kinh Nguyễn Văn Tiếp, mở ra cơ hội giao thương trong toàn vùng.

Chợ có quy mô 3 khu buôn bán chính, gần 300 hộ tiểu thương kinh doanh đầy đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm, kim khí, điện máy, vải vóc, quần áo may sẵn... phục vụ nhu cầu người dân trong khu vực. Chợ ngày càng phồn thịnh nhờ vị trí đắc địa về giao thông thủy bộ.

Đúc kết kinh nghiệm thành công của chợ Mỹ Phước Tây, xã tiếp tục triển khai thêm một ngôi chợ mới cũng nằm ven Đồng Tháp Mười, kề bên lộ bắc kinh Nguyễn Văn Tiếp: chợ Kinh Cọp rằn Núi (ấp Láng Biển).

Chăm lo việc học hành, phát triển sự nghiệp giáo dục theo chuẩn quốc gia cũng là mục tiêu mà xã theo đuổi trong suốt 37 năm qua. Từ các nguồn vốn: Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ngân sách tỉnh, huyện và vốn huy động được từ các nguồn khác, Mỹ Phước Tây đã xây cất 1 trường mẫu giáo, 2 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Ngoài ra, còn có Trường THPT Mỹ Phước Tây dựng lên ngay trên nền đồn bót địch năm xưa, kề bên chợ Mỹ Phước Tây giống như một bông hoa đẹp chăm lo sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Trên đường xây dựng NTM, Đảng bộ xã huy động tốt các tiềm lực đất đai, lao động trên tinh thần tự lực, tự cường, phát huy vai trò cán bộ, đảng viên đi trước làm gương trên các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội...

Đảng bộ hiện có 13 chi bộ trực thuộc, 194 đảng viên, hàng năm đều được công nhận trong sạch, vững mạnh. Các đảng viên luôn gương mẫu đi đầu chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, của Đảng bộ nên đã tạo được uy tín trong nhân dân, được nhân dân tin cậy.

Tất nhiên, từ nay đến năm 2015 còn cả một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực tháo gỡ, vượt qua. Ngay trong năm 2012, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu, Mỹ Phước Tây đầu tư làm 2 tuyến đường nông thôn có tổng chiều dài 3km, mặt rộng 3,5 m trải đá nhựa, tổng kinh phí 3 tỷ đồng.

Các con đường này đạt chuẩn về giao thông nông thôn theo tiêu chí quốc gia, khi hoàn thành và đưa vào sử dụng giúp phát huy tiềm năng kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi sản xuất theo hướng “chung sống với lũ”.

MINH TRÍ

.
.
.