Nhiều nguồn vốn giúp thanh niên mưu sinh, lập nghiệp
Bí thư Huyện đoàn Gò Công Tây Võ Ngọc Tân cho biết: “Trong những năm qua, Huyện đoàn đã tranh thủ nhiều nguồn vốn, quỹ hỗ trợ tạo điều kiện cho thanh niên học nghề, có việc làm thoát nghèo và làm giàu chính đáng như: Bó chổi, trồng khoai môn, trồng ớt, chăn nuôi…
Tất cả các nguồn vốn đều được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả giúp cho nhiều thanh niên nghèo có việc làm, thoát nghèo, một số có thu nhập cao trở thành những gia đình khá giả, góp phần đẩy lùi các tệ nạn…”
Một trong những nguồn quỹ hỗ trợ đó có mô hình “Sổ tiết kiệm hỗ trợ học tập, nghề nghiệp, việc làm”, qua 4 năm thực hiện Huyện đoàn đã tổ chức trao 22 sổ tiết kiệm, trị giá 147,35 triệu đồng. Hỗ trợ cho 24 đoàn viên thanh niên học tập, phát triển kinh tế.
Giải ngân vốn cho đoàn viên, thanh niên xã Yên Luông. |
Mô hình này bắt đầu từ năm 2010 với số vốn hết sức khiêm tốn: 5 triệu đồng (tính bằng một sổ tiết kiệm) đã trao cho đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là chị Lê Thị Kim Thoa (xã Bình Phú). Nhờ tính cần cù, chắt chiu, chị Thoa chăn nuôi nhỏ: gà, heo và đã tạm ổn định cuộc sống gia đình.
Mô hình thử nghiệm khả quan nên số sổ tiết kiệm và số người được trao tăng dần lên.
Song song đó, là mô hình bó chổi cho 19 thanh niên ở làng nghề Vĩnh Hựu với số tiền là 90 triệu đồng; 10 thanh niên nghèo ở Bình Tân được nhận vốn hỗ trợ cho dự án trồng khoai môn với tổng số vốn 50 triệu đồng; 10 thanh niên ở Bình Nhì trong tổ hợp may gia công với tổng số vốn 50 triệu đồng; 100 triệu đồng cho tổ nấu ăn của Đồng Thạnh…
Đây là những mô hình phát triển kinh tế, giúp thanh niên thoát nghèo, nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ việc làm nên không tính lãi hoặc lãi suất thấp, tổng số vốn được giải ngân cho các dự án trên là 550 triệu đồng, mỗi đoàn viên, thanh niên nghèo được cho vay không quá 5 triệu đồng và thời hạn trong vòng 5 năm.
Sơ kết bước đầu, nhiều đoàn viên thanh niên nghèo đã cơ bản thoát nghèo, giúp các bạn tự tin định hướng cho mình một nghề phù hợp.
Song hành với những mô hình trên, các dự án lớn: chăn nuôi bò, gà, trồng trọt… đầu tư cho đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, tổng số vốn của các dự án có trên 4 tỷ đồng, góp phần “mở cửa” cho 50 đoàn viên thanh niên “ăn nên làm ra”.
Đoàn viên Lê Ngọc Tuyến cho biết: “Với số vốn vay 10 triệu đồng từ vốn đầu tư hỗ trợ việc làm của Trung ương Đoàn, tôi đã đầu tư vào công việc vừa với sức mình là chăn nuôi gà, vịt thịt và bồ câu. Trong vòng 2 năm, tôi đã hoàn vốn và có số tiền dư đầu tư vào nuôi gà lôi giống, với mô hình này đang “hấp dẫn” vì khách hàng đặt mua con giống liên tục, mỗi gà tây mái (con) có giá trung bình từ 80 - 100 ngàn đồng, vốn thu nhập từ bán gà lôi tôi thu mua bồ câu ra ràn bỏ cho các đại lý, cuộc sống tạm ổn trong gia đình nhỏ”.
Đoàn viên Nguyễn Chí Thanh (ấp Thạnh Phú, xã Đồng Thạnh) cũng là một trong những đối tượng được hỗ trợ vốn và ăn nên làm ra. Thanh đã và đang đầu tư vào trồng trọt các loại hoa màu theo mùa và làm chủ máy phóng lúa, tạo thêm việc làm cho một số thanh niên cùng ấp.
Hỗ trợ vốn kịp thời cho đoàn viên thanh niên học tập, học nghề và sản xuất kinh doanh là sự hà hơi tiếp sức kịp thời để giảm hộ nghèo, giúp thanh niên làm giàu chính đáng, góp phần ổn định an sinh giáo dục, trật tự xã hội…
Tuy nhiên, Bí thư huyện Đoàn Võ Ngọc Tân cho biết thêm: Nguồn vốn của quỹ hỗ trợ còn hạn chế chưa đáp ứng đủ nhu cầu, mục đích sử dụng cho đoàn viên thanh niên, bó hẹp sự đầu tư vào những dự án lớn hơn cho một số đoàn viên. Đó cũng là điều mà Huyện đoàn luôn trăn trở.
Tất cả đối tượng được hỗ trợ vốn đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích, chịu khó, cần cù và tâm huyết với công việc của mình tạo ra những thành công bước đầu, làm động lực thúc đẩy những thanh niên khác học tập và chí thú làm ăn, chủ các dự án cũng tự tin tìm nguồn vốn đầu tư cho các dự án khác.
Hiện nay, Huyện đoàn đang trông chờ được giải ngân cho dự án tiểu thủ công nghiệp “Đan mây, tre, lát xuất khẩu” và dự án “Xây dựng nông thôn mới hỗ trợ vốn học nghề cho đoàn viên thanh niên xã Bình Nhì”.
ÁI QUỲNH