Các xã bãi ngang còn lắm gian nan
Toàn tỉnh hiện có 10 xã được công nhận là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Nhờ được Trung ương và địa phương đầu tư, trong những năm qua các xã này đã có sự chuyển mình đi lên; tuy nhiên so với mặt bằng chung của tỉnh thì nơi đây còn không ít khó khăn, cuộc sống người dân vẫn còn lắm gian nan.
HẠ TẦNG THIẾU VÀ YẾU
Kết quả khảo sát cho thấy thực trạng cơ sở hạ tầng thiết yếu và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất của các xã vùng bãi ngang ven biển trong tỉnh so với các tiêu chí của Trung ương đều chưa đạt do tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo tại các xã này còn rất cao, trong đó có xã Bình Đông (TX. Gò Công) với 25,6% và cao nhất là xã Phú Đông (huyện Tân Phú Đông) với 86,3%.
Do đó các địa phương khó có thể vận động nguồn lực tại chỗ để thực hiện xã hội hóa các công trình trên địa bàn.
Đến nay 100% xã bãi ngang hiện chưa có chợ nông thôn, trung tâm văn hóa - thể thao, trạm bơm phục vụ nuôi trồng thủy sản, đường ra bến cá; toàn bộ trạm y tế đều chưa đạt chuẩn; tỷ lệ đường giao thông nông thôn, trường học đạt chuẩn còn thấp.
Ở huyện Tân Phú Đông, các xã Phú Tân, Tân Thạnh và Tân Phú không có đường giao thông nông thôn đạt chuẩn; các xã còn lại tỷ lệ này chỉ đạt từ 4,1% trở xuống.
Giao thông trắc trở, đường đến trường của học sinh các xã bãi ngang ven biển còn nhiều khó khăn. |
Ông Trần Văn Sô, Chủ tịch UBND xã Gia Thuận cho biết: “Tuy là xã có bờ biển dài 7km nhưng trên địa bàn xã hoàn toàn không có một chiếc tàu cá nào, cũng không có một doanh nghiệp hay cơ sở kinh doanh lớn nào. Nguồn thu hàng năm của xã chỉ từ 150 - 300 triệu đồng, cho nên xã phụ thuộc lớn vào kinh phí từ trung ương và tỉnh cấp.
Về giáo dục, xã không có trường THCS và THPT nên học sinh 2 bậc học này phải đến học ở các trường của xã bạn, nhiều em phải đi xa gần chục km để đến trường”.
Từ chỗ thiếu và yếu về cơ sở hạ tầng thiết yếu và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nên đời sống của người dân các xã vùng bãi ngang ven biển gặp nhiều khó khăn, vất vả. Cái khó lớn nhất hiện nay ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân là thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt.
“KHÁT” NƯỚC SẠCH
Các xã bãi ngang ven biển trong tỉnh hiện nay đều nằm trong khu vực cuối nguồn của hệ thống ngọt hóa Gò Công và vùng cù lao. Do điều kiện địa lý, khu vực này không thể khai thác sử dụng nước tầng sâu để phục vụ sinh hoạt. Người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước mưa và nước mặt để ăn uống, tắm giặt.
Tuy nhiên, những hộ khó khăn thì không thể có dụng cụ chứa nước mưa để sử dụng suốt trong năm. Nước mưa chỉ đủ để uống và nấu ăn, còn mọi sinh hoạt khác thì sử dụng nguồn nước mặt. Trong khi đó, khu vực huyện Tân Phú Đông có đến 6 tháng nước mặn nên thời gian này không thể sử dụng nước mặt.
Còn lại các xã Bình Đông, Bình Xuân, Kiểng Phước, Gia Thuận đều là những xã nằm ở khu vực cuối nguồn của hệ thống ngọt hóa Gò Công, nguồn nước mặt bị ô nhiễm do sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.
Chính vì lẽ đó mà tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt của người dân các xã bãi ngang ven biển của tỉnh là hết sức trầm trọng. Số hộ dân không có nước sạch phục vụ sinh hoạt của các xã chiếm từ 30% đến trên 90%. Do không đủ nước sạch sinh hoạt khiến nhiều người dân mắc các chứng bệnh về da và tiêu hóa. Đặc biệt, phụ nữ dễ mắc các chứng viêm nhiễm phụ khoa.
Số liệu từ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Chăm sóc sức khỏe sinh sản vùng biển” đã khám phụ khoa cho 43.354 lượt phụ nữ và phát hiện, cấp thuốc điều trị cho 28.945 lượt người mắc bệnh (chiếm 66%).
Bà Lê Thị Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính của Bộ LĐ-TB&XH sau khi khảo sát thực tế tình hình sử dụng vốn của Chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo tại các xã bãi ngang ven biển tỉnh ta đã cho rằng: 10 xã bãi ngang của Tiền Giang đã sử dụng vốn đầu tư của Chính phủ hiệu quả, tuy nhiên các xã này thật sự vẫn còn khó khăn.
Để giải quyết những khó khăn trên, đưa các xã nghèo đạt đến tiêu chí xã nông thôn mới là một quãng đường hết sức dài và nhất thiết phải có sự trợ lực của của Chính phủ.
Được biết, tỉnh ta đang đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét trình Chính phủ tái công nhận 10 xã trên vào danh sách xã được hỗ trợ đầu tư giai đoạn 2012 - 2015; đồng thời lập hồ sơ xin bổ sung thêm xã Phước Trung (Gò Công Đông) vào danh sách xã đặc biệt khó khăn.
HẠNH NGA