Cẩm Sơn nỗ lực vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Cẩm Sơn (Cai Lậy) hiện có 106 hội viên, trong đó có 39 hội viên là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Đa số nạn nhân và gia đình không chỉ đối mặt với gánh nặng về kinh tế, họ còn gánh chịu nỗi đau về tinh thần bởi những khiếm khuyết cơ thể do di chứng nặng nề của chất độc hóa học.
Bà Đặng Thị Nguyệt (ấp 1, xã Cẩm Sơn) chăm sóc đàn heo do Chương trình “Vượt khó cùng Anco” hỗ trợ. |
Ngay khi thành lập, Hội xác định nhiệm vụ trọng tâm là thống kê đầy đủ, chính xác số nạn nhân, từ đó có sự hỗ trợ kịp thời. 3 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Cẩm Sơn đã trở thành cầu nối để cộng đồng chia sẻ, giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam.
Ngoài giải quyết chế độ theo quy định của Nhà nước, những nạn nhân và gia đình còn khả năng lao động được Hội giúp vốn để góp phần cải thiện đời sống kinh tế gia đình.
Bà Đặng Thị Nguyệt (78 tuổi) ở ấp 1 chia sẻ: “Sự quan tâm của Hội đã giúp mẹ con tôi có cuộc sống ổn định hơn, không còn cảnh phải chạy gạo từng bữa như trước…”.
Di chứng của chất độc da cam khiến anh Lê Văn Trắng - con trai bà Nguyệt tật nguyền đôi chân từ nhỏ. Trước đây, công việc của mẹ con bà chủ yếu từ việc chuốt đũa, đan rổ tre, nơm, lọp… đem bán cho bà con lối xóm, thu nhập chỉ đắp đổi qua ngày.
Thông qua sự vận động của Hội, Chương trình “Vượt khó cùng Anco” của Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang đã hỗ trợ 4 con heo giống để bà chăn nuôi. Niềm vui nhân đôi khi cùng lúc Chương trình “Mái ấm nghĩa tình” trao tặng mẹ con bà căn nhà khang trang để có nơi ở ổn định.
Cũng nhận được sự hỗ trợ của Chương trình “Vượt khó cùng Anco” thông qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Cẩm Sơn, ông Trần Văn Nghĩa ở ấp 1 cho biết: “Di chứng của chất độc da cam khiến con gái tôi chịu cảnh tật nguyền từ nhỏ, cháu không thể sinh hoạt bình thường, mặc cảm với những người xung quanh.
Hoàn cảnh quá nghèo khó và bệnh tật nên vợ chồng tôi không có điều kiện chăm lo cho con thấu đáo. Sự giúp đỡ của Hội giúp gia đình cảm thấy ấm lòng, tôi sẽ cố gắng chăm sóc đàn heo để cải thiện kinh tế gia đình”.
Theo ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Cẩm Sơn, những năm qua Hội đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo nạn nhân chất độc da cam qua sự giúp sức của các tổ chức và cá nhân.
Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, Hội đã vận động 139 triệu đồng cho các hoạt động hỗ trợ nạn nhân như: trợ cấp thường xuyên, xây dựng nhà, cấp xe lăn, trợ vốn sản xuất, kinh doanh.
Ông Khải nhấn mạnh: “Sự hỗ trợ của Hội đã tạo điều kiện cho nhiều hộ vươn lên, hiện nay chỉ còn 5 hộ nghèo và trong năm nay chúng tôi sẽ nỗ lực xóa thêm 2 hộ nữa.
Với mục tiêu trợ giúp lâu dài, hoạt động trọng tâm của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Cẩm Sơn trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện về việc làm, về vốn cho từng nhóm đối tượng; đồng thời tăng cường kêu gọi cộng đồng cùng chung tay góp sức hỗ trợ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chia sẻ phần nào nỗi đau tinh thần của những nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam”.
QUẾ NGÂN