Thứ Sáu, 05/10/2012, 10:03 (GMT+7)
.

Câu chuyện tự nguyện “vá” Quốc lộ 50

Mấy ngày qua, ai đi lại trên Quốc lộ 50 đoạn dài gần 4 km thuộc khu vực xã Bình Nhì, thị trấn Vĩnh Bình, xã Đồng Thạnh (Gò Công Tây) đều rất yên tâm vì hàng trăm “ổ gà, ổ voi” đã biến mất. Tai nạn, va quẹt đã giảm hẳn bởi những người dân đã cùng góp công sức, tiền của và dầm mưa để “giặm vá” ròng rã trong suốt 5 ngày.

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50 do Ban Quản lý Dự án 7 (PMU7 – Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, các nhà thầu cam kết hoàn thành vào tháng 6-2011. Tuy nhiên, đến nay nhà thầu đã rút quân, bỏ mặc con đường xuống cấp thê thảm.

Trên mặt đường chi chít “ổ gà, ổ voi”, rất nhiều vụ tai nạn va quẹt xảy ra vì đường xấu, xe ôtô phải “bò” trên đường, gặp “ổ voi” thì lấn luôn xe máy, xe đạp và cả người đi bộ. Quá bức xúc nên mấy ngày qua, người dân đã vận động nhau cùng ra tay “cứu” lấy con đường.

Sau khi được “vá”, đoạn đường đã khá bằng phẳng. Sau khi được “vá”, đoạn đường đã khá bằng phẳng.
Người dân “giặm vá” Quốc lộ 50 (ảnh trái). Sau khi được “vá”, con đường đã khá bằng phẳng (ảnh phải).

Hàng chục người dân xã Bình Nhì và thị trấn Vĩnh Bình, lực lượng dân phòng ấp Bắc và ngay cả Bí thư, Trưởng ấp Bắc, cảnh sát khu vực thị trấn Vĩnh Bình đã “giặm vá” được gần 4km đường. Ông Nguyễn Văn Trạng cùng chị Lâm Sơn ở thị trấn Vĩnh Bình, chị Mỹ Lệ ở xã Bình Nhì… đã vận động mua vật liệu “giặm vá” đoạn đường này.

Ông Nguyễn Văn Trạng, người chuyên thi công các công trình xây dựng có máy trộn hồ và dụng cụ xây dựng cùng huy động nhân công đi “vá” đường. “Ban đầu chỉ vận động được hơn 10 triệu đồng định “giặm vá” đoạn hư hỏng nặng từ ngã ba Đồng Sơn và đoạn đường nối với lộ Xe Be. Nhưng trong lúc làm thì dân 2 bên đường tiếp tục góp công, góp tiền để mua thêm xi măng, cát, đá đề nghị làm tiếp các đoạn còn lại” - ông Trần Văn Hiền, Bí thư Chi bộ ấp Bắc cho biết.

Ông Nguyễn Văn Trạng - người khởi xướng và chỉ huy chuyện “vá” đường kể: Người dân nơi khác khi đi ngang đoạn đường này thường sụp “ổ gà, ổ voi”, nếu thoát được ổ này lại dính tiếp “ổ” khác nên tai nạn thường xảy ra. Cứ vài ngày lại có người té xe.

Chỉ trong ngày 23-9 vừa qua, có đến 6 vụ tai nạn ngay đoạn đường dưới ngã ba Đồng Sơn. Dân trong xóm thay phiên nhau đưa người bị nạn đi cấp cứu và mong ngành giao thông sớm sửa chữa con đường. Nhưng càng ngày đường càng tệ hơn mà vẫn không thấy ai quan tâm - ông Phan Văn Trong, xã Đồng Thạnh, có nhà ở bên đoạn đường này bức xúc.

“Lực lượng nhân công bất đắc dĩ này ngoài việc bỏ tiền túi mua vật liệu, còn góp công sửa chữa. Ngoài cánh thanh niên trẻ khỏe, nhóm làm đường còn có nhiều thành viên… cao tuổi như bà Võ Thị Tốt (68 tuổi) ở Bình Nhì, ông Nguyễn Văn Ba (69 tuổi), anh của ông Trạng, đi theo giúp trãi bạt đậy những nơi vừa vá xong” – anh Huỳnh Phúc Tâm, Công an viên thị trấn Vĩnh Bình, người trực tiếp làm đường cùng bà con hào hứng kể.

Từ ngày làm đường, chị Nguyễn Thị Xuân Duyên, chị Nguyễn Thị Xinh, xã Bình Nhì tạm đóng cửa quán giải khát, thức ăn gia súc ven Quốc lộ để đi theo làm… phụ hồ.

Hàng ngày, hết buổi sáng mọi người lại cùng nhau đến nhà anh Tâm để ăn cơm trưa. “Mỗi ngày đi chợ mua gạo, thức ăn, các tiểu thương biết mua cho những anh em vá đường, họ bán giá phải chăng lại còn gởi thêm để cải thiện bữa ăn” - vợ anh Tâm cho biết.

Số tiền bà con đóng góp đã hơn 20 triệu đồng, mua được hơn 120 bao xi măng để “giặm vá”. Ông Trạng cho biết, nhiều mạnh thường quân muốn góp thêm tiền để sửa đường. Sau khi nghỉ ngơi chừng một tuần để giải quyết chuyện gia đình, anh em sẽ tiếp tục “vá” luôn những “ổ gà” trên mặt lộ Xe Be, thị trấn Vĩnh Bình.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đoạn Quốc lộ 50 này trước đó có vô số “ổ gà, ổ voi” và nước mưa đọng lại ven đường, hiện đã khá bằng phẳng; người dân lưu thông đã không còn cảnh té ngã xe máy như trước nữa.

KIỀU TƯỚC NGUYÊN

Dân tự nguyện làm công việc mà lẽ ra là của ngành Giao thông

Sau khi xem bài: “Người dân “vá” Quốc lộ 50” đăng trên Báo Ấp Bắc, bạn đọc và người đi đường đã biểu thị nhiều cảm xúc khác nhau đối với ngành Giao thông và người dân tự “vá” đường.

Người dân tay không, không có phương tiện máy móc hiện đại, không có chuyên môn, không có bản vẽ thiết kế kỹ thuật và dự toán,... và nhất là không có ăn lương nhưng đã tự nguyện làm một công việc mà lẽ ra là của ngành Giao thông các cấp.

Người đi đường xin chân thành cám ơn tấm lòng nhân ái vì cộng đồng của những người dân tự “vá” đường và những hộ dân hai bên đường đã không chịu nỗi khi chứng kiến và đưa đi cấp cứu nhiều trường hợp tai nạn giao thông.

Nhân dân ta vốn giàu lòng nhân ái, sẵn sàng làm việc thiện vì mọi người. Nhưng tự nguyện tổ chức giặm vá trên con đường quốc lộ là chuyện ít thấy. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và ngành Giao thông cần có cuộc tiếp xúc và biểu dương tinh thần vì mọi người của họ.

DANH HIẾU

 

 

.
.
.