Hướng đến mỗi ngôi chùa ở Mỹ Tho là một địa chỉ nhân đạo
Chùa Linh Quang (ấp Thới Hòa, xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho) vừa trao vốn cho 13 hộ khó khăn của xã, với tổng số tiền trên 20 triệu đồng. Đây là ngôi chùa được Ban Đại diện Phật giáo TP. Mỹ Tho chọn thực hiện thí điểm mô hình “Mỗi chùa gắn với một địa chỉ nhân đạo”.
Đại đức Thích Quảng Lộc, Phó Ban đại diện Phật giáo TP. Mỹ Tho cho biết: Chăm lo cho người nghèo với hình thức cứu trợ, cứu tế hướng về cộng đồng là hoạt động được các tăng, ni, phật tử thực hiện thường xuyên.
Tuy nhiên, hoạt động này chỉ có thể tạm thời giúp bà con lúc khó khăn, chứ không giúp được một cách căn cơ. Cho nên Phật giáo TP. Mỹ Tho phát động mô hình “Mỗi chùa gắn với một địa chỉ nhân đạo” và chọn Chùa Linh Quang thực hiện thí điểm.
Đại đức Thích Hải Châu trao vốn cho hộ khó khăn. |
Phật tử và hội viên Hội Chữ thập đỏ có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn hoặc gặp khó khăn tạm thời trình bày hoàn cảnh và nhu cầu sẽ được cho mượn vốn từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng không tính lãi. Thời gian hoàn vốn cũng do các hộ mượn vốn đề xuất.
Hộ mượn vốn chịu sự giám sát việc sử dụng vốn của Hội Chữ thập đỏ hoặc đạo tràng của chùa. Các hộ có quyền tự đề xuất phương án và thời gian hoàn vốn, nhưng nếu sử dụng vốn sai mục đích thì phải hoàn vốn trước hạn.
Chị Hoàng Thị Trúc Linh ngụ ấp Thới Hòa chia sẻ: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo do không có đất sản xuất. Chồng tôi làm mướn, tôi thì may gia công quần áo với mức thu nhập khoảng 40.000 - 50.000 đồng/ngày. Nay 2 con gái tôi đã lớn, muốn cùng làm với mẹ nhưng gia đình chưa dành dụm đủ tiền mua thêm máy may.
Được Hội Chữ thập đỏ xã giới thiệu, tôi đề nghị mượn 2 triệu đồng, cộng với tiền dành dụm là đủ 3,5 triệu đồng để mua máy. Tôi sẽ tích lũy 10.000 đồng từ tiền làm được mỗi ngày, như vậy chưa đầy 1 năm tôi sẽ hoàn vốn lại cho chùa để chùa giúp đỡ người khác.
Còn chị Nguyễn Huỳnh Liên, hộ cận nghèo, cùng ngụ ấp Thới Hòa thì mượn 2 triệu đồng để làm vốn chăn nuôi. Do bị khuyết tật nên chị Liên không thể làm thuê cho ai để kiếm sống nên chị tận dụng diện tích đất quanh nhà để nuôi 1 con heo nái và vài chục con gà kiếm thêm thu nhập phụ chồng nuôi con đang học lớp 8.
Chị Liên bộc bạch: “Tôi đã mua được con giống rồi, giờ mượn thêm tiền để mua thức ăn cho heo, gà. Tôi xin hoàn vốn cho chùa sau 2 năm nữa. Xin cảm ơn nhà chùa đã giúp vốn cho tôi!...”.
Theo Đại đức Thích Hải Châu, Giám tự chùa Linh Quang, nguồn vốn để giúp hộ nghèo do chùa vận động các nhà hảo tâm cho mượn. Ngoài việc giúp vốn cho hộ nghèo cải thiện kinh tế gia đình, chùa còn tặng học bổng cho học sinh vượt khó học tốt. Đối tượng giúp đỡ của chùa ngoài hoàn cảnh thật sự cần hỗ trợ, còn phải đảm bảo tiêu chí chùa đặt ra là biết quan tâm chia sẻ với cộng đồng.
Sự quan tâm, chia sẻ với cộng đồng thể hiện ở việc tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, cơ sở như: quan tâm chăm sóc người già neo đơn, tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường… Bà Lê Mộng Thúy, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Mỹ Tho cho rằng: Đây là cách làm hay cần được nhân rộng.
THỦY HÀ