Kiến nghị giải quyết chế độ cho 93 cựu chiến binh bệnh tâm thần
Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, toàn tỉnh hiện có 93 cựu chiến binh (CCB) từng làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia đang mắc bệnh tâm thần do di chứng bệnh sốt rét, thậm chí có nhiều đồng chí không còn tự chủ được bản thân.
Hầu hết, các bệnh nhân tâm thần nói trên đều do gia đình tự nuôi dưỡng, lo thuốc men, cuộc sống rất vất vả. Có những trường hợp do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có điều kiện chữa trị nên bệnh ngày càng nặng và đã qua đời. Nhiều nhất tập trung ở Châu Thành: 24 CCB, TP Mỹ Tho: 17, Cái Bè và Tân Phước mỗi huyện đều có 11 CCB bị bệnh tâm thần…
CCB Phạm Văn Trung và mẹ già - bà Đặng Thị Gái (72 tuổi) |
Có thể kể đến trường hợp anh Phạm Văn Trung, ngụ KP.5, P.1, TP. Mỹ Tho. Anh Trung nhập ngũ tháng 2-1992, ở Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, sư đoàn 330, QK9. Xuất ngũ năm 1994, cấp bậc hạ sĩ, anh Trung trở về địa phương một năm sau thì phát bệnh phải nằm điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh suốt mấy năm liền.
Hiện nay, anh đã về sống cùng gia đình nhưng vẫn chưa làm chủ được bản thân, ngày đêm cứ đi lang thang ngoài đường. Trường hợp của anh Bé Anh ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành còn bi thương hơn. Từ khi phát bệnh đến nay, anh Bé Anh không chịu ở trong nhà mà ra vườn tìm vật liệu đắp ụ (như công sự) để ở, gia đình rất khổ sở nhưng không làm sao được!...
Ngày 29-6-2005, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được sửa đổi và bổ sung thì các CCB thuộc diện nêu trên được xem xét để hưởng chế độ bệnh binh. Năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định 54 hướng dẫn thi hành pháp lệnh nói trên, trong đó tại điều 17 (về bệnh binh) có quy định rõ các đối tượng. Bộ Quốc phòng sau đó cũng đã có Thông tư 166 hướng dẫn việc lập thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền công nhận các đối tượng quy định trong Nghị định 54 của Chính phủ (trong đó có CCB làm nghĩa vụ quốc tế xuất ngũ sau đó mắc bệnh tâm thần).
Thế nhưng đã 7 năm qua (kể từ khi pháp lệnh sửa đổi có hiệu lực), 93 CCB trên vẫn chưa được giải quyết chế độ chính sách! Đại tá Lê Dũng, Chủ tịch Hội CCB tỉnh bức xúc: “Lãnh đạo tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Hội Cựu chiến binh tỉnh đã nhiều lần kiến nghị đến các bộ, ngành Trung ương bằng nhiều hình thức nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết”.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng cho biết: Theo hướng dẫn của Quân khu 9, năm 2011, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã lập xong 39 hồ sơ của các CCB thuộc diện này gửi về Quân khu thẩm định. Nhưng sang năm 2012, Phòng Chính sách – QK9 lại gửi trả hồ sơ và giới thiệu đến Hội đồng Giám định y khoa, Bệnh viện 175 (tại TP. Hồ Chí Minh) để làm thủ tục giám định.
Tuy nhiên, khi đến đây thì Bệnh viện 175 chưa nhận được chỉ đạo của Cục Chính sách - Tổng Cục Chính trị. Hơn nữa, Bệnh viện 175 còn yêu cầu trước khi giám định phải đưa bệnh nhân đến điều trị tại đây một thời gian để theo dõi rồi mới đưa ra giám định nhưng số lượng rất hạn chế. Đây rõ ràng là những yêu cầu khắt khe và chưa hợp tình.
Trên thực tế, việc chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cho một bệnh nhân tâm thần ở gia đình là rất khó khăn, huống chi đưa bệnh nhân lên bệnh viện TP. Hồ Chí Minh ở dài ngày để chờ giám định, chưa kể đến nhiều chi phí phát sinh khác… Từ lý do đó nên không ít gia đình đã lặng lẽ rút lui.
Bà Đặng Thị Gái (72 tuổi), mẹ của CCB Phạm Văn Trung cho biết: “Con tôi hể phát bệnh nặng thì đưa vào Bệnh viện Tâm thần tỉnh; thấy bệnh giảm là rước về nhà, vì nằm lâu không có tiền đóng viện phí. Tôi nghe Nhà nước có chính sách đãi ngộ với bộ đội chiến đấu ở Campuchia xuất ngũ về bị bệnh tâm thần, tôi mừng quá. Nhưng phải đưa con lên thành phố ở để theo dõi, rồi giám định thì chắc tôi không đi được”. Bà Gái tuổi đã cao, sống một mình nên rất khó chăm sóc anh Trung; hơn nữa, đây lại là hộ nghèo tại địa phương thì làm sao có điều kiện đi giám định.
Để sớm giải quyết vấn đề này, Thường trực Hội CCB tỉnh đã có công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị các đại biểu giám sát việc thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công và sớm có kiến nghị các cơ quan Trung ương xem xét thực hiện chính sách cho đối tượng CCB mắc bệnh tâm thần trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
LÊ HỒNG LÂM