Thứ Năm, 18/10/2012, 07:53 (GMT+7)
.

Nữ tổ trưởng “hai giỏi”

Hiện nay có nhiều tấm gương phụ nữ vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi. Không chỉ vậy, các chị còn tích cực tham gia vào công tác xã hội tại địa phương. Điển hình là chị Hoàng Thị Kim Thu, ở ấp 1 (An Thái Trung, Cái Bè).

Lập gia đình vào năm 1987, chị và chồng cùng công tác tại Trung tâm quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ. Vun vén lắm nhưng đồng lương cả 2 vợ chồng cũng chỉ đủ ăn.

Xác định phải mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế chứ không ngồi mong chờ vào điều kỳ diệu xảy ra, năm 1997, nhận thấy phong trào nuôi cá bè phát triển rầm rộ, nhu cầu thị trường về cá giống đang rất cao, với vốn chuyên môn, kỹ thuật sẵn có, anh chị quyết định đầu tư uơng ép cá giống.

Ngoài 2.000m2 ao nhà, chị còn mướn thêm 15.000m2 ao để đầu tư vào sản xuất. Trung bình cứ 200.000 đồng cá bột sẽ sản xuất ra được từ 500 - 800 kg cá giống, trừ chi phí lời được trên 20 triệu đồng.

Lợi nhiều, nhưng bù lại chị cũng vất vả không kém. Chị phải tự quán xuyến tất cả. Từ kỹ thuật ương ép, tìm đầu ra, rồi cả việc giao hàng. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình chị thu lãi trên 200 triệu đồng. Tích góp, chi tiêu đúng mực, anh chị đã xây dựng được căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi.

Từ năm 2008, nhận thấy thị trường tiêu thụ cá giống không còn dễ dàng như trước, phần vì sức khỏe hạn chế, chị chuyển sang nuôi cá thịt và phát triển đàn heo luôn có từ 40 - 50 con heo thịt và 10 con heo nái. Trung bình một năm 1 heo nái đẻ 2 lứa, mỗi lứa trung bình từ 10-12 con. Heo thịt một năm chị xuất bán từ  3-4 lần. 

Theo kinh nghiệm của chị, để có được những con heo khỏe mạnh, phát triển đều thì 5 năm phải chuyển đổi heo nái một lần. Không những thế, hệ thống chuồng trại phải luôn đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ.

Nguồn thức ăn cũng được chị lựa chọn cẩn thận từ những công ty có uy tín và có nguồn gốc rõ ràng; đồng thời phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt là cần phải thường xuyên phun thuốc sát trùng chuồng trại. Để giữ gìn vệ sinh môi trường và giảm bớt chi phí trong sinh hoạt, chị đã xây hầm biogas làm chất đốt cho gia đình và những hộ dân lân cận.

Là một hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ, không chỉ biết làm giàu cho bản thân mình, chị Thu còn luôn sẵn sàng giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn. Chị em nào có nhu cầu mua heo giống, chị không ngại bán cho chị em nuôi trả chậm; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc với mong muốn giúp các chị em vươn lên thoát nghèo. Tận dụng diện tích vườn, chị Thu còn nuôi thêm gà vừa phục vụ nhu cầu thực phẩm của gia đình vừa để tăng thêm nguồn thu nhập.

Sẽ là thiếu sót nếu như không nói đến vai trò tổ trưởng tổ nhân dân tự quản của chị Thu. Dù bận rộn, nhưng hễ nghe tin trong xóm ấp có mâu thuẫn gì chị Thu cùng các anh em ban quản lý ấp kịp thời đến động viên, hòa giải thấu tình đạt lý, từ đó tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, các vụ mâu thuẫn hạn chế rất nhiều.

Bên cạnh đó chị còn lồng ghép các cuộc họp, buổi hòa giải, hội thảo để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn giúp cho nhân dân nắm bắt kịp thời. Chính vì tấm lòng đó mà bà con lối xóm ai cũng yêu quý và gọi với cái tên đáng tin cậy là “cô Thu tự quản”.

Ở gia đình anh chị luôn hòa thuận, yêu thương nhau, làm gương cho con cái, cùng nuôi dạy và đầu tư cho các con được ăn học đầy đủ. Người con trai lớn đang học đại học, đứa con út đang học lớp 4. Gia đình chị nhiều năm liền được công nhận là gia đình văn hóa.

Một người vợ, người mẹ mẫu mực, một hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi, một chi hội trưởng Hội Nông dân xuất sắc hay một tổ trưởng tổ nhân dân tự quản nhiệt tình, trách nhiệm, chị Thu xứng đáng là tấm gương về người phụ nữ Việt Nam “Tự tin - tự trọng - trung hậu và đảm đang”.

HOÀNG DIỄM

.
.
.