Phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo
Đây là nội dung dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế phối hợp thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Dự thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo.
Quy chế này quy định trách nhiệm phối hợp thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các Bộ, ngành, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển.
Bộ đội Biên phòng Tiền Giang tuần tra bảo vệ rừng phòng hộ ven biển Gò Công. Ảnh: Hữu Chí |
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay trách nhiệm phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương ven biển trong công tác quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo còn chưa cụ thể. Vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện còn gặp những khó khăn, vướng mắc, chưa phát huy được hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Do vậy, dự thảo đã đề xuất cụ thể 6 nội dung phối hợp giữa các cơ quan trên.
Trước hết, dự thảo yêu cầu các cơ quan phối hợp xây dựng, thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.
Thứ hai, phối hợp lập và tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, như: Điều tra, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; hiện trạng, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; Tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;...
Thứ ba là phối hợp quản lý thống nhất hoạt động điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo.
Thứ tư, các cơ quan phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm và ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển, hải đảo với các nội dung: Nghiên cứu, điều tra, đánh giá tình trạng ô nhiễm, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển, hải đảo. Trong nội dung này, bao gồm cả phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, xử lý, khắc phục hậu quả ô nhiễm, suy thoái môi trường, phục hồi, cải thiện chất lượng môi trường biển, hải đảo; ứng phó sự cố môi trường, thiên tai trên biển, hải đảo;...
Thứ năm, các cơ quan phải phối hợp tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, cũng như phối hợp trong việc tổ chức Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam.
Thứ sáu là quy định các cơ quan phải phối hợp hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, như điều tra, nghiên cứu tài nguyên và môi trường biển, hải đảo; ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ công tác điều tra, nghiên cứu biển; xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường biển, hải đảo, ứng phó sự cố tràn dầu, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việc phối hợp nhằm mục đích tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Đồng thời, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, bảo đảm phát triển bền vững. Đồng thời, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, hải đảo; bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, hải đảo.
Dự kiến, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là cơ quan đầu mối, tham mưu giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ phối hợp quy định tại Quy chế này.
(Theo chinhphu)