Thứ Hai, 15/10/2012, 15:55 (GMT+7)
.

TX. Gò Công: Cộng đồng trách nhiệm triển khai “nhà 167”

Triển khai thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TX. Gò Công thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) gồm 10 thành viên do Phó Chủ tịch UBND thị xã làm Trưởng ban.

Ngay sau khi thành lập, BCĐ tham mưu UBND thị xã xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức triển khai các văn bản cho các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thị xã, các xã và trưởng ấp của 7 xã; đồng thời lên kế hoạch và tiến hành khảo sát hộ nghèo thuộc đối tượng được hỗ trợ nhà ở, phân công từng thành viên trong BCĐ phụ trách từng mảng công việc của từng xã.

Nhà bà Nguyễn Thị Phương Trang, ấp Thuận An, xã Long Thuận, cất năm 2009.
Nhà bà Nguyễn Thị Phương Trang, ấp Thuận An, xã Long Thuận, cất năm 2009.

Đối với việc khảo sát, bình xét hộ nghèo theo diện “nhà 167” được thực hiện chặt chẽ các khâu từ ấp, xã đến thị xã. Tại các ấp, thành lập tổ tiến hành khảo sát thông qua phiếu khảo sát, lấy đó làm cơ sở tiến hành mời dân trong ấp họp bình xét.

Trưởng ấp chủ trì cuộc họp bình xét hộ nghèo theo diện này, thành phần dự còn có đại diện Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ xã, bí thư chi bộ ấp (kiêm trưởng ban công tác mặt trận), chi hội trưởng các đoàn thể ấp, đại diện hộ nghèo…

Việc bình xét này được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan và có trên 50% số người tham dự biểu quyết thì mới đưa vào danh sách đề nghị. Các ý kiến được ghi đầy đủ vào biên bản cuộc họp, biên bản có chữ ký của trưởng ấp, thư ký cuộc họp, đại diện hộ nghèo, đại diện nhân dân dự họp.

Cùng với việc triển khai chặt chẽ, hướng dẫn cụ thể cho xã, ấp, BCĐ khảo sát nhà ở theo Quyết định 167 của thị xã thường xuyên giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị và triển khai ở các xã như: Kiểm tra quy trình khảo sát ở các xã đúng thực tế, đối tượng, không để sót, sai đối tượng.

Quy trình chọn hộ nghèo cất nhà được thực hiện chặt chẽ: ấp khảo sát, xã thẩm định, thị xã thẩm định lại và lập danh sách đề nghị lên tỉnh. Trong thời gian khảo sát, thực hiện tốt chế độ, báo cáo để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình khảo sát. Việc bình xét hộ nghèo được thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, đúng theo quy định, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Về công tác giám sát việc xây “nhà 167”, tìm hiểu thực tế tại xã Long Thuận, ông Nguyễn Quốc Sơn, Chủ tịch UBND xã cho biết, công tác này được thực hiện chặt chẽ theo 3 công đoạn gồm: hoàn thành phần móng và thân nhà; hoàn thành phần mái và hoàn thiện căn nhà để đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng (nền cứng, vách cứng, mái cứng). Diện tích bình quân mỗi căn thấp nhất 30m2, cao nhất 50m2 (theo quy định tối thiểu là 24m2), tuổi thọ 10 năm trở lên.

Qua 4 năm thực hiện, UBND thị xã đã đề nghị về tỉnh phê duyệt danh sách xây nhà ở theo Quyết định 167 là 360 hộ, đã hỗ trợ xây nhà ở 360 hộ, bình quân kinh phí cho 1 căn từ 20-25 triệu đồng (trong đó Trung ương hỗ trợ 6 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng, thị xã và xã, phường hỗ trợ 3 triệu đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 8 triệu đồng, phần còn lại gia đình đóng góp thêm).

Vận động nguồn vốn đối ứng đã được thị xã và các xã thực hiện rất tốt. Đó là đánh giá của Đoàn Giám sát HĐND tỉnh mới đây. Nguồn vốn đối ứng 1,8 tỷ đồng của thị xã và các xã hỗ trợ để cất 360 căn nhà 167 những năm qua là từ vận động nhà hảo tâm đóng góp. Đây là sự nỗ lực của các cấp, các ngành thị xã trong việc chăm lo nhà ở cho hộ nghèo.

Đa số các hộ được vay vốn cất nhà đều nắm được tinh thần của chương trình là nhà nước hỗ trợ một phần, một phần cho vay và phần còn lại gia đình góp thêm (nếu có). Riêng khoản vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các hộ có trách nhiệm hoàn trả, 5 năm đầu không trả, từ năm thứ 6 trả 20% vốn, 20% lãi.

Tuy nhiên, qua nắm bắt về điều kiện làm ăn, sinh sống, nghề nghiệp của các hộ nghèo, đa phần buôn bán nhỏ, làm mướn, không có đất hoặc có rất ít đất sản xuất, chăn nuôi nhỏ, có hộ hoàn cảnh gia đình khó khăn, neo đơn... Chính vì thế, việc đảm bảo hoàn vốn sau 10 năm của các hộ này cũng là vấn đề cần quan tâm hỗ trợ.

Có nhà rồi là đảm bảo được “an cư”, nhưng phải có phương án “lạc nghiệp” để nhằm đảm bảo hoàn vốn, nâng cao cuộc sống, vươn lên thoát nghèo mới là cái đích cần đạt tới.

Chính từ những trăn trở này, các ngành, đoàn thể thị xã, các xã còn đi sát hộ, hướng dẫn hộ nghèo phương cách làm ăn, hỗ trợ cây, con giống, trao đổi về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt hay giới thiệu việc làm… Nhiều hộ ý thức được khó khăn này, nên qua sự vận động, hướng dẫn của các ngành, đoàn thể đã tích cực lao động, sản xuất, buôn bán, làm thuê cần kiệm, tích góp dành dụm, nhằm ổn định cuộc sống.

“Từ nhận thức sâu sắc ý nghĩa của chương trình cất nhà theo Quyết định 167 của của Thủ tướng Chính phủ, UBND TX. Gò Công đã chỉ đạo sâu sát các phòng, ban phối hợp chặt chẽ với đoàn thể và ngành có liên quan làm đúng quy trình từ triển khai, giám sát, cất nhà, theo dõi tiến độ thi công, làm thủ tục nhanh gọn để giải ngân cho hộ nghèo vay và nhất là hỗ trợ các phương án cụ thể cho hộ thoát nghèo, bằng nhiều giải pháp thiết thực giúp cho các hộ nghèo thật sự “an cư lạc nghiệp” trong những căn nhà 167” - ông Trần Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết.

THU TRÀ
 

.
.
.