Thứ Sáu, 12/10/2012, 12:36 (GMT+7)
.

Tai nạn thương tích ở trẻ em: Lỗi bất cẩn của người lớn

Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm Việt Nam có khoảng 27 ngàn trẻ em chết do tai nạn thương tích (TNTT), chưa kể hàng ngàn trẻ em khác bị thương tích tàn tật suốt đời. 5 nguyên nhân thương tích hàng đầu gây tử vong ở trẻ em là: Tai nạn giao thông đường bộ, đuối nước, bỏng, té ngã và ngộ độc.

Tại Tiền Giang, số trẻ em bị TNTT liên tục tăng sau mỗi năm. Thống kê chưa đầy đủ của Phòng Trẻ em thuộc Sở LĐ-TB&XH, năm 2006 có 181 trẻ em bị TNTT, năm 2007 là 225 trường hợp, năm 2008 tăng lên 302 trường hợp và 6 tháng đầu năm nay trên 150 trường hợp.

Trẻ em ở tỉnh ta thường gặp những tai nạn trong sinh hoạt như: bỏng, té ngã, nuốt dị vật, sặc thức ăn, súc vật cắn, ngộ độc, đuối nước, điện giật và tai nạn giao thông... Phần lớn những tai nạn đáng tiếc trên lẽ ra đã không xảy ra với con trẻ nếu như người lớn đừng bất cẩn.

Tắm sông là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn đuối nước ở trẻ em hiện nay.
Tắm sông là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn đuối nước ở trẻ em hiện nay.

Bé Võ Thị Ngọc H., 5 tuổi, ở xã Quơn Long (Chợ Gạo) đến khám lọc tật để được hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình vì sẹo phỏng trên mặt và ngực.

Mẹ cháu cho biết, bé bị phỏng hồi 22 tháng tuổi: “Hôm đó tôi chế nước sôi ra ca để pha sữa. Tôi đã cẩn thận để ly lên nắp mái nước rồi mới đi cất ấm. Ai ngờ con với tay lên lấy làm nguyên ca nước đổ xối lên mặt và ngực. Phải chi tôi để ly nước ở chỗ cao hơn thì con đâu phải mang sẹo. Lúc nhỏ không sao, hơn 1 năm nay cháu mặc cảm vì cái sẹo trên mặt, khiến tôi ân hận lắm!”.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường xuyên tiếp nhận những ca TNTT trẻ em do bất cẩn trong sinh hoạt tại gia đình như bị đứt lưỡi do ngã trong lúc uống sữa, nhét dị vật vào mũi, ngộ độc do uống thuốc của người lớn... Rõ ràng những tai nạn này người lớn hoàn toàn đã có thể tránh được cho con trẻ.

Để phòng tránh TNTT cho trẻ em, từ năm 2010 đến nay, Sở LĐ-TB&XH triển khai vận động thực hiện Chương trình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” nhằm giúp các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nhận biết được các mối hiểm họa, cách loại bỏ các mối hiểm họa xung quanh nhà và trong nhà có thể gây ra tai nạn thương tích cho trẻ.

Qua đó góp phần giảm đến mức thấp nhất các loại tai nạn thương tích ở trẻ em tại gia đình và cộng đồng do các nguyên nhân trong sinh hoạt hàng ngày gây ra.

Một ngôi nhà được công nhận là “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” phải đảm bảo loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ em, cụ thể như: Giếng nước, bể nước, lu nước có nắp đậy chắc chắn, an toàn; có bếp riêng với cửa chắn và cửa ra vào an toàn để đề phòng trẻ bị bỏng; phích nước nóng để nơi an toàn, trẻ em không sờ, với tới được; các vật dễ cháy nổ (ga, xăng, cồn, đèn, diêm…) để nơi an toàn đề phòng trẻ bị bỏng...

Ổ điện đặt trên cao, an toàn, nơi trẻ em không với tới được để đề phòng điện giật; không cho trẻ tiếp xúc với các vật sắc nhọn (dao và mảnh kính vỡ…); đặt tủ thuốc ngoài tầm với của trẻ; dụng cụ đựng hóa chất (thuốc trừ sâu, axit, chất tẩy rửa…) phải có nhãn rõ ràng và để trên giá cao hoặc tủ có khóa, đảm bảo trẻ không thể nhìn hoặc sờ được...

Cầu thang, ban công phải có tay vịn, rào chắn an toàn để phòng tránh ngã cho trẻ em; không để trẻ nhỏ chơi các vật dễ nuốt để đề phòng hóc nghẹn đường thở; sàn gác trong nhà phải chắc để đề phòng gãy sập; lối ra sông, ao, kinh rạch… phải có rào chắn để đề phòng chết đuối; vật dụng để trong nhà như xe máy, xe đạp, rìu, cung nỏ… để gọn gàng và an toàn; không cho bé chơi những món đồ chơi có chi tiết nhỏ để bé không nuốt hoặc cho vào mũi, tai…

Xây dựng “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ trẻ em tránh TNTT từ sinh hoạt hàng ngày, tuy nhiên còn một bộ phận người lớn chưa quan tâm, hưởng ứng, dẫn đến TNTT trẻ em trong tỉnh 2 năm qua giảm không đáng kể.

Trẻ em hay tò mò, thích khám phá, hay bắt chước người lớn… nhưng còn ít hiểu biết. Do đó, một mặt cha mẹ, người lớn phải luôn canh chừng bé, đặt bé trong tầm mắt của mình; đồng thời từng bước nói cho bé hiểu về những nguy hiểm và hướng dẫn bé tránh.  

TNTT là một hiểm họa khôn lường đối với trẻ em. Phòng tránh TNTT cho trẻ em là một vấn đề lớn, là mối quan tâm của cả nhân loại. Tuy nhiên ý thức và kiến thức của mỗi người là yếu tố quyết định hiệu quả của việc bảo vệ con trẻ khỏi những rủi ro có thể phòng ngừa được.

THỦY HÀ
 

.
.
.