Thứ Bảy, 27/10/2012, 06:49 (GMT+7)
.

Thoát nghèo từ chương trình hỗ trợ vốn nuôi bò sinh sản

Năm 2005, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Hương (huyện Châu Thành) được Chi cục Thú y tỉnh chọn để triển khai thực hiện chương trình nuôi bò sinh sản của tổ chức phi chính phủ (Heifer International - Hoa Kỳ) tài trợ.

Đây là Dự án “Nông nghiệp tổng hợp cho phụ nữ” giúp bò giống sinh sản cho hội viên phụ nữ nghèo mượn con giống, tạo điều kiện cho chị em chăn nuôi, tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao cuộc sống.

Chị Chiếu đang chăm sóc bò.
Chị Chiếu đang chăm sóc bò.

Chị Lê Thị Tươi, ngụ ấp Tân Thạnh là người nhận bò đợt đầu vào năm 2005. Lúc ấy chị lo lắng không biết nuôi bao lâu mới có thể hoàn con giống lại để chương trình giao cho người khác.

Sau khi ngành Thú y tỉnh, huyện mở nhiều cuộc tập huấn, hướng dẫn chị em cách nuôi bò theo phương pháp mới, đúng quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, chị em mới thật sự tin tưởng vào chương trình. Kết quả là sau 2 năm nuôi, chị hoàn trả vốn (2 con bò cái) cho chương trình để giao cho chị khác.

Chị Tươi tâm sự: Ngày ấy gia đình gặp khó khăn, chỉ có 2 công đất ruộng vùng đất cát, trồng lúa năng suất không cao. Rất may được Hội LHPN xét hỗ trợ cho vay nuôi bò.

Đến nay, đàn bò phát triển lên 7 con (giao trả nợ 2 con), bán 2 con, thu được 30 triệu đồng. Còn lại 3 con (có 2 con có chữa) cuối năm sẽ cho ra đời 2 chú bê con. Với tiền bán bò, cộng thêm số tiền tích lũy nhờ tiện tặn, chị có điều kiện sửa lại ngôi nhà khang trang và có dư lo cho con ăn học. Với 2 công ruộng, chị cắt ra 1 công trồng cỏ nuôi bò.

Chị Võ Thị Rẩy, cũng ngụ ấp Tân Thạnh, gia đình có 5 nhân khẩu, nhận nuôi 2 con bò giống, đến nay nhân lên 6 con. Trả được nợ và bán 2 con, hiện còn nuôi 2 con. Với số tiền bán bò, chị đầu tư lên liếp 4 công đất trồng  dừa  xen chanh.

Hiện vườn dừa và chanh đang cho trái, mặc dù trái chưa đều và chưa nhiều, nhưng mỗi tháng chị cũng bán được khoảng 900 ngàn đồng. Nhờ có chương trình hỗ trợ nuôi bò sinh sản mà chị đã lập được vườn cây ăn trái, giúp gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hay như chị Ngô Thị Chiếu, ngụ tổ 11, ấp Tân Hòa, gia đình có 4 công ruộng, chồng thì bệnh tật (mất 2 chân) nên lao động khó khăn. Ngoài phụ chồng chăm sóc ruộng, rảnh thì đan đệm hoặc làm mướn, ai kêu gì làm nấy.

Xét hoàn cảnh, Hội LHPN xã cho chị nhận bò giống nuôi 2 đợt. Sáu năm sau, đàn bò được 6 con, chị trả vốn 1 con, bán 2 con, hiện còn nuôi 3 con. Nhà cửa hôm nay được khang trang là nhờ “hụi” lúa, do Hội  Nông dân quản  lý (mỗi năm 3 vụ, mỗi vụ nộp 2 triệu đồng), cộng với tiền bán bò xây được căn nhà ấm cúng, không còn lo cảnh “gió tạt, mưa lùa” và còn có dư nuôi 2 con đang học THCS và THPT.

Nhận xét về hiệu quả của chương trình, chị Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hương cho biết: Xã có 1.184 hội viên phụ nữ, trong đó có 204 hộ hội viên nghèo. Năm 2005, nhận được nguồn vốn nuôi bò sinh sản của Chương trình “Heifer” (đây là nguồn vốn phi Chính phủ do Chi cục Thú y tỉnh quản lý).

Lúc bấy giờ có 30 hộ đăng ký nuôi, mỗi hộ nhận 2 con. Ngoài con giống trị giá 350 triệu đồng (tặng vốn không hoàn lại), chương trình còn tặng 400.000 đồng/hộ để xây chuồng và cho vay 1,5 triệu đồng sử dụng trong việc chăn nuôi. Nhờ nuôi bò tăng thêm thu nhập, đã giúp cho 71 hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hiện nay Hội còn quản lý 35 hộ nuôi, với tổng đàn 46 con. Điều đáng mừng là do làm ăn có hiệu quả, quản lý tốt nguồn vốn (con giống), nên vào cuối năm 2011 Chương trình “Heifer” được tỉnh bàn giao lại cho Hội LHPN xã quản lý để tiếp tục nhân rộng mô hình này nhằm xóa dần hộ nghèo trong hội viên phụ nữ.

ANH TUẤN

.
.
.