Thứ Năm, 18/10/2012, 07:47 (GMT+7)
.

Xã Mỹ Hạnh Trung: Chị em vui sống với nghề may túi xách

3 năm qua, ở xã Mỹ Hạnh Trung (Cai Lậy), may gia công túi xách xuất khẩu là nghề mới mang lại thu nhập khá và ổn định cho trên 200 phụ nữ.

Những năm trước, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Mỹ Hạnh Trung tìm được nguồn gia công hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình và lác. Nghề này tuy mang lại cho nhiều chị việc làm và thu nhập trong lúc nông nhàn nhưng không cao (chỉ 30.000 - 40.000 đồng/ngày/lao động), lại có nhiều nguy cơ độc hại do hít phải bụi từ nguyên liệu.

Sau đó Ban Chấp hành Hội LHPN xã họp bàn tìm hướng đi mới. Nghề may túi xách gia công là nghề được ưu tiên chọn vì cho thu nhập gấp đôi so với nghề đan lát trước đây mà công việc lại nhẹ nhàng hơn. Chuyển sang nghề mới lại vướng phải khó khăn là không phải chị em nào cũng có trên 3 triệu đồng để mua máy may công nghiệp và không phải ai cũng biết may.

Ban Chấp hành Hội LHPN xã đã đứng ra bảo lãnh cho phụ nữ nghèo vay tín chấp vốn ưu đãi của nguồn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm và Ngân hàng Chính sách xã hội để trang bị máy may; đồng thời cử người hướng dẫn chị em cách sử dụng máy và kỹ thuật may.

Chỉ trong thời gian chưa đầy 1 tuần các chị đã có thể sử dụng máy thành thạo và nắm được kỹ thuật may cơ bản, vì thật ra may túi xách bằng nhựa tự hủy không đòi hỏi kỹ thuật cầu kỳ. Nghề may túi xách ở Mỹ Hạnh Trung hiện phát triển mạnh ở 2 ấp Mỹ Lợi và Mỹ Hòa với trên 70% phụ nữ tham gia.

Tổ may của chị Nguyễn Thị Vân, ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Hạnh Trung.
Tổ may của chị Nguyễn Thị Vân ở ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Hạnh Trung.

Chị Nguyễn Thị Vân ở ấp Mỹ Lợi phấn khởi khoe: “Được Hội LHPN xã bảo lãnh vay vốn ưu đãi, tôi mới sắm nổi máy may lập trình chuyên may quai túi với giá hơn 40 triệu đồng. Với máy này, tổ của tôi có thể may hoàn chỉnh cái túi nên tiền công “ngon” hơn là gia công theo công đoạn.

Trung bình mỗi ngày làm việc 8 tiếng, mỗi chị em được 70.000 - 80.000 đồng. Nếu làm thêm thì thu nhập còn nhiều hơn. Làm việc trong mát, công việc cũng nhẹ nhàng, vừa làm vừa có thể coi sóc nhà cửa mà lại có tiền khá nên ai cũng ham!…”.

Còn chị Nguyễn Thị Nga thì mừng lắm, vì vừa làm công việc vừa trông chừng con cái, lo việc nhà: “Lúc trước tôi đan lục bình, ráng lắm thì được 30.000 đồng mỗi ngày làm việc 12 tiếng. Bây giờ, với thời gian lao động như vậy, tôi được cả trăm ngàn đồng. Mỗi sáng, sau khi lo cho con cái, nhà cửa xong thì tôi may. Gia đình tôi khó khăn lắm, chồng bệnh nặng, con còn nhỏ. Gần 3 năm qua, nếu không có nghề này thì tôi không biết làm sao để duy trì cuộc sống gia đình…”.

Chị Nguyễn Thị Thảo, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Mỹ Lợi là một trong những đầu mối nhận hàng về cho phụ nữ trong ấp gia công. 3 năm nay chị nhận hàng từ Công ty Mê Kông ở Khu công nghiệp Mỹ Tho. Chủ yếu là may hàng xuất khẩu nên đòi hỏi chất lượng nghiêm ngặt hơn.

Khi có mẫu hàng mới, chị Thảo là người trực tiếp đến công ty để học kỹ thuật may, sau đó về hướng dẫn lại chị em. Do chị em không phải là công nhân chuyên nghiệp nên chị Thảo chỉ nhận những đơn hàng kỹ thuật may đơn giản.

Nguyên, phụ liệu và thành phẩm được công ty giao và nhận tận nơi qua đầu mối của chị Thảo. Chị em trong ấp có thể họp lại thành từng tổ may tập trung tại 1 hộ hoặc nhận về gia công tại nhà. Tiền công được trả mỗi tháng 1 lần.

“Với thu nhập mỗi tháng 2 - 3 triệu đồng là khoản tiền không nhỏ so với mức sống ở nông thôn hiện nay. Tôi mừng vì chị em có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình. Khi có việc làm và thu nhập ổn định thì vị thế của chị em trong gia đình cũng được nâng lên” - chị Thảo chia sẻ.

HOÀNG HÀ

.
.
.