Thứ Sáu, 09/11/2012, 14:34 (GMT+7)
.

Chuyện về một nhà giáo giỏi nghề nông

Gần 30 năm gắn bó với nghề giáo, thầy Ngô Ngọc Sương (giáo viên trường THCS Phan Văn Cẩm, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy) đã đem hết tâm sức dìu dắt nhiều thế hệ học trò. Không chỉ vậy, thầy Sương còn “giỏi nghề nông” với thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm từ vườn sầu riêng chất lượng cao.

Tham quan 10 công vườn sầu riêng xử lý nghịch vụ ở ấp Mỹ Thạnh A (xã Long Tiên) đang chuẩn bị cho thu hoạch, nhiều người sẽ khâm phục sự nhạy bén, vững kỹ thuật của thầy giáo là điển hình “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh” nhiều năm liền.

Gốc nông dân, quanh năm vất vả với ruộng đồng nhưng cha mẹ thầy Sương rất trọng nghề giáo và hướng các con theo nghề cao quý này. Không phụ lòng mong mỏi của bậc sinh thành, gia đình có 8 thành viên thì 5 người đã chọn nghề dạy học.

Là con út trong gia đình nên năm 1983, tốt nghiệp khoa Toán – Lý trường Cao đẳng Tiền Giang, thầy Ngô Ngọc Sương về địa phương công tác để phụng dưỡng cha mẹ và đóng góp cho quê hương qua việc vun bồi tri thức cho thế hệ trẻ.

Đồng lương giáo viên khá thấp so với chi phí sinh hoạt gia đình nên sau giờ dạy, thầy Sương cần mẫn luân canh, tăng vụ trên mảnh ruộng sau nhà. Cuộc sống chỉ tạm ổn vì làm ruộng năng suất bấp bênh, giá lúa không ổn định.

Từ năm 2000, hệ thống đê bao khép kín ở xã Long Tiên được xây dựng hoàn chỉnh, nông dân quanh vùng nhiều người đã chuyển đất lúa sang vườn để chuyên canh sầu riêng chất lượng cao.

Với bản tính cần cù, ham học hỏi và nhận thấy hiệu quả “ăn chắc mặc bền” của giống cây trồng này, năm 2002, thầy Sương mạnh dạn lên mô đất ruộng trồng sầu riêng với hai giống chủ lực là Ri6 và Mongthong. Do chưa vững kỹ thuật nên ban đầu thầy chỉ phát triển trên một phần diện tích. Khi vườn sầu riêng bắt đầu cho thu hoạch, thầy Sương quyết định không để vụ thuận mà xử lý nghịch vụ để đón giá.

Sắp xếp thời gian hợp lý để hoàn thành tốt công tác giảng dạy và làm kinh tế, sau 10 năm chuyển đổi, thầy Ngô Ngọc Sương đã biến mảnh ruộng hiệu quả kinh tế thấp ngày nào thành vườn chuyên canh với hơn 200 gốc sầu riêng. Hơn nửa số đó đang cho thu hoạch, sản lượng khoảng 15 tấn mỗi năm, lợi nhuận trên 300 triệu đồng và hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao hơn khi vườn cây đồng loạt cho thu hoạch.

Đúc kết kinh nghiệm sau nhiều năm xử lý sầu riêng nghịch vụ, thầy Sương cho biết đối với cây sầu riêng, thời tiết là nhân tố quyết định thành công của việc cho ra hoa mùa nghịch. Khi sầu riêng kết trái nên tỉa bỏ bớt những trái đèo hoặc xấu, chỉ chừa những trái tốt và thường xuyên phun thuốc chống rụng trái non.

Cũng như những nhà vườn quanh vùng, phương pháp xử lý chủ yếu của thầy Sương là đậy mủ ny-lông quanh gốc cây và bơm nước từ trong mương ra ngoài kinh rạch nhằm tạo môi trường khô hạn cho cây dễ ra hoa.

Để có được vườn sầu riêng ra hoa nghịch vụ theo ý muốn thì nhà vườn cần làm đúng kỹ thuật, bao gồm khâu chăm sóc sau thu hoạch, xử lý ra hoa, xử lý đậu trái, chăm sóc và nuôi dưỡng trái và bảo quản sau thu hoạch.

Kinh tế gia đình ổn định là điều kiện để thầy Ngô Ngọc Sương an tâm công tác, truyền đạt tri thức cho nhiều thế hệ học trò. Phụ trách môn Toán, nhiều năm đứng lớp, thầy Sương luôn nhận được tình cảm quý mến của đồng nghiệp, học sinh và là giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Với kinh nghiệm “giỏi nghề nông”, thầy Sương còn trao đổi với đồng nghiệp để cùng phát triển kinh tế. Tại địa phương, gia đình thầy Ngô Ngọc Sương là hình mẫu về một gia đình gương mẫu, đầm ấm và hạnh phúc.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.