Thứ Ba, 27/11/2012, 14:08 (GMT+7)
.

Long Hưng trên đường xây dựng xã văn hóa và nông thôn mới

Tự hào là cái nôi của Nam Kỳ khởi nghĩa, Đảng bộ và nhân dân xã Long Hưng (Châu Thành) càng hun đúc quyết tâm xây dựng quê hương xứng đáng với truyền thống hào hùng của tiền nhân.

VÙNG GIÁP RANH VÀNH ĐAI BÌNH ĐỨC SAU 37 NĂM

Về Long Hưng trong những ngày tháng 11, vùng giáp ranh vành đai Bình Đức năm xưa đầy hố bom, thôn xóm hoang tàn, hẻo lánh, nghèo khó đã lùi xa vào quá khứ. Những con đường đất gập ghềnh, sình lầy năm xưa (đi bộ còn khó nói gì đến xe) giờ nhựa hóa, dal hóa đến tận xóm, ấp. Những vườn vú sữa trĩu quả đang vào mùa thu hoạch; những vườn sapô, nhãn… và những liếp rau màu xanh mướt trải dài như háo hức mừng ngày kỷ niệm Nam Kỳ khởi nghĩa (23-11).

“Quê hương” Nam Kỳ khởi nghĩa hôm nay đã thay đổi rất nhiều và sẵn sàng hướng đến xây dựng xã nông thôn mới. Huyện lộ 35 đang được thi công, người dân càng phấn khởi hơn bởi hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội mới, làm thay đổi hơn nữa bộ mặt nông thôn của vùng đất một thời bom đạn.

Ông Lê Văn Hoàng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã chỉ tay về ruộng rau húng cây xanh mướt trong niềm hứng khởi, biểu hiện sinh động cho vùng quê một thời bom đạn đang thay đổi từng ngày.
Ông Lê Văn Hoàng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã chỉ tay về ruộng rau húng cây xanh mướt trong niềm hứng khởi, biểu hiện sinh động cho vùng quê một thời bom đạn đang thay đổi từng ngày.

Gợi lại ký ức của những năm tháng đầu giải phóng, ông Lê Văn Hoàng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã (trong những ngày đầu giải phóng), trầm ngâm một hồi rồi nói: “Long Hưng là vùng kháng chiến, vùng giáp ranh vành đai Bình Đức nên bị địch tàn phá nặng nề; ruộng vườn hoang vu; đường sá sình lầy, hư hại; người dân phải tản cư ra tuyến lộ lớn sinh sống (Quốc lộ 1A bây giờ).

Sau giải phóng, chính quyền kêu gọi người dân trở về quê hương khôi phục sản xuất, khai hoang phục hóa, ổn định cuộc sống, chính quyền cùng nhân dân xây dựng giao thông, trường lớp, y tế.

Thoáng một cái đã gần 40 năm. Long Hưng giờ đây đã trở thành vùng cây ăn trái trù phú; hệ thống đường liên ấp, liên xã được dal hóa, nhựa hóa gần hết, thuận tiện cho việc đi lại và giao thương hàng hóa. Mọi mặt về đời sống kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục được nâng lên, gấp nhiều lần so với trước đây”.

Câu chuyện của ông được tiếp nối không ngừng của những người đi sau. Ông Lê Văn Hồng, Bí thư Đảng ủy xã, bày tỏ: “Bắt tay vào xây dựng lại quê hương, Đảng bộ, chính quyền vận động nhân dân đắp đường để việc đi lại dễ dàng, rồi sau đó trải đá đỏ những tuyến đường chính, tiếp đến là những tuyến đường vào các cụm dân cư, xóm ấp.

Những năm sau đó, thực hiện chủ trương dal hóa, nhựa hóa giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân Long Hưng hưởng ứng rất mạnh. Đến nay, ước tính trên 90% đường giao thông nông thôn Long Hưng đã được trải dal, nhựa”.

Trong sản xuất, lúc đầu phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn trồng lúa, năng suất thấp. Nhờ tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống lúa mới vào sản xuất, năng suất tăng từ 2-3 tấn/ha lên 5-6 tấn/ha.

Hệ thống thủy lợi hàng năm được nạo vét; đê bao ngăn lũ thường xuyên được gia cố, nông dân bắt đầu tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang cây ăn trái, hoa màu. Những năm gần đây, người dân tiếp tục chuyển hướng trồng cây đặc sản, giá trị kinh tế cao như vú sữa Lò Rèn, cam, bưởi, xen canh cây ca cao…

Từ đó, hiệu quả kinh tế tăng gấp 2-3 lần lúa, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Đến nay, hầu hết diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn là cây ăn trái, rau màu (trên dưới 200 ha rau màu; trên 1.100 ha cây ăn trái).

Nông dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất; tăng cường sử dụng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng; đầu tư cải tạo phát triển kinh tế vườn… góp phần tăng thu nhập đáng kể hộ gia đình, nâng bình quân thu nhập đầu người lên 9,5 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, Long Hưng đang hình thành cụm công nghiệp sẽ là cơ sở, động lực tốt thúc đẩy địa phương phát triển.

NỖ LỰC ĐẠT DANH HIỆU XÃ VĂN HÓA, XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

“Cùng với phát triển chung của các địa phương bạn, những năm qua, Long Hưng đã phát huy nội lực trong phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Trong phát triển kinh tế luôn gắn với sự phát triển văn hóa, xã hội; đảm bảo an ninh, quốc phòng”.

Đó là đánh giá chung của Ban Chỉ đạo toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa xã. Cụ thể, công tác xóa đói giảm nghèo luôn được xã quan tâm. Nếu như năm 2005, xã có 11% hộ nghèo thì nay đã giảm xuống chỉ còn 5,2%, không còn hộ đói. Đời sống kinh tế phát triển đã tạo điều kiện cho nhân dân xây dựng, chỉnh trang nhà cửa. Theo thống kê, trên địa bàn có 82% căn nhà đạt chuẩn theo Bộ Xây dựng.

Trong giáo dục, tuy còn nhiều khó khăn nhưng với sự hỗ trợ tích cực của các ngành, các cấp và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền địa phương, xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đầu tiên vào năm 2000, phổ cập trung học cơ sở vào năm 2005 và tiếp tục được tái công nhận hàng năm. Hàng năm, sĩ số học sinh ở các bậc học đều duy trì đạt 98%, số trẻ thuộc diện đến trường đạt 100%. Đó là tiền đề, xã đang nỗ lực hướng đến xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia.

Riêng Trạm Y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia từ những năm trước nên công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân cơ bản đảm bảo.

Hoạt động văn hóa cũng phát triển khá mạnh với 1 câu lạc bộ đờn ca tài tử thường xuyên tập luyện, tổ chức giao lưu với các địa phương bạn; đội văn nghệ tham gia các hội thi, hội diễn do cấp trên tổ chức và đạt nhiều thành tích cao.

Từ những kết quả đạt được, Long Hưng đã và đang triển khai xây dựng xã văn hóa. Qua báo cáo sơ kết bước 3, xã đã đạt phần lớn các tiêu chuẩn của xã văn hóa. Không chỉ vậy, năm 2011 Long Hưng còn được chọn là một trong những xã chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Qua điều tra, số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn xã còn khá thấp. Từ đó, Long Hưng xác định đây là cơ hội tốt để nâng cao đời sống người dân, hiện đại hóa nông thôn; đồng thời cũng là thách thức không nhỏ.

“Xã thuần nông, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; đầu ra và giá cả nông sản không ổn định, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nên rất khó tạo đột phá trong thời gian ngắn. Dù nhiều khó khăn, thách thức nhưng Long Hưng vẫn quyết tâm, phấn đấu được công nhận xã văn hóa vào cuối năm nay, làm tiền đề xây dựng thành công xã nông thôn mới theo kế hoạch đề ra”- ông Cao Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã nói.

N.VĂN

.
.
.