Muôn mặt nghề… bán vé số dạo
Trong các nghề ít vốn mà lại sống được, sống khỏe là “nghề” bán vé số dạo. Ít vốn, vì chỉ có 88.000 đồng tiền mặt là bất cứ lúc nào cũng mua được 100 tờ vé số làm vốn; nếu không tiền mà có chút uy tín hay “chỗ quen biết” thì chủ thầu có thể bán chịu với giá 9.000 đồng một vé, chiều về “vốn trả, lời ăn”.
Cậu bé chưa đầy 10 tuổi cầm xấp vé số bán ở gần chợ Thạnh Trị, Mỹ Tho. |
Nghề bán vé số lẻ có hai dạng: Một là, dạng có “mặt bằng”, ngồi tại chỗ với một bàn vé số khiêm tốn trước mặt; khách hàng là những khách vãng lai.
Dạng thứ hai mà chúng tôi muốn nói tới trong bài này là bán vé số dạo với cọc vé số trong tay, “đội quân” vé số đến từng quán ăn, quán uống hay rong ruổi khắp ngõ đường chào mời.
Với 100 tờ vé số, nếu bán hết thì kiếm được từ 100 ngàn đến 120 ngàn đồng; nếu trong nhà có nhiều thành viên bán vé số thì mức thu nhập quả là không ít.
Nghề bán vé số không phân biệt tuổi tác và đúng như câu “tay làm hàm nhai, tay quay miệng trễ”. Dân ta vốn có lòng trắc ẩn, thế nên hành nghề bán vé số dạo lại thích hợp với những người già nua (thêm bệnh hoạn càng tốt), hoặc với những người tật nguyền (càng thảm thương càng hay), bởi bộ dạng họ đã khơi dậy lòng nhân ái vốn chẳng thiếu trong lòng của mọi khách hàng. Với những người này, một ngày bán 100 tờ vé số là chuyện dễ dàng và thu nhập thường hơn mức quy định, bởi nhiều lần “khỏi thối lại” khi gặp những tấm lòng hào phóng.
Một thành phần bán vé số đắt khách không kém nữa là trẻ em. Tuổi càng nhỏ càng tốt, ăn mặc càng rách rưới, càng tuềnh toàng càng tốt. Có em tuổi còn chưa biết giá trị mỗi tờ giấy bạc thì chuyện biết thối tiền lại càng không thể (mà cũng không bao giờ có tiền trong người vì sợ đánh rơi hay sợ kẻ xấu cướp mất).
Các em nầy thường cầm trong tay nhiều lắm là bốn tờ vé số và cũng thường được “bao chót” với nhiều người từ tâm. Nhưng khi nhận tiền xong, em vội chạy qua sau gốc cây bên đường đưa cho người đàn bà lúc nào cũng lấp ló theo dõi em, rồi lại nhận bốn tờ vé số khác.
Các cô gái trẻ đẹp hay những bà “sồn sồn” mà coi “sạch nước cản” và có những lời nói đẩy đưa vẫn là thành phần bán vé số dạo ăn khách nhất. Hạng nầy người mua gọi là “giấy số đùi” tức là họ thường để vé số trên đùi khách khi mời mua.
Nhìn cọc vé số dày cộm trên tay, một người hỏi: “Ngày bán được hai trăm vé không em?”, thì được trả lời gọn lỏn qua cái nhếch mép: “Ba trăm!”. Làm một bài toán nhân đơn giản cũng biết được họ thu nhập gần 11 triệu đồng/tháng. Vì vậy, bạn đừng lấy làm lạ khi thấy có nhiều cô lấy xe tay ga làm phương tiện để… bán vé số và cũng chớ ngạc nhiên khi được nghe câu khoe khoang: “Mỗi ngày em chỉ cần bán có 6 tiếng là hết vé!...”.
Không biết số lượng người bán vé số dạo ở TP. Mỹ Tho là bao nhiêu, nhưng với thời gian uống một cử cà phê, có người đếm thử thì có đến… 30 người mời mua, thế cũng đủ biết “đội quân” bán vé số dạo không phải là ít.
Chỉ có người hèn chứ không hề có nghề hèn. Nghề bán vé số dạo rõ ràng là một nghề lương thiện, đã giúp biết bao người được ấm áo no cơm, nuôi con ăn học nên người. Suy diễn thêm, nó còn là cái nghề… “ích nước lợi nhà”. Nó mang lại niềm hy vọng cho mọi người, thậm chí còn đem cả giàu sang, phú quý nữa.
Bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, kẻ xấu lúc nào cũng có, nhưng người tốt luôn nhiều hơn. Chị Phạm Thị Lành là người bán vé số dạo ở Bến Lức (Long An), vì chữ tín mà đã đem mười tờ vé số (trong đó có 6 tờ trúng đặc biệt) giao lại cho một người… mua chịu đã gởi cho chị giữ.
Hành động tưởng chừng chỉ có trong chuyện cổ tích nầy, thử hỏi mấy ai trong những ngành nghề được tôn vinh là “cao quý” đã làm được?
KHA TIỆM LY