Nén hương thơm tưởng nhớ bác Nguyễn Văn Quý
Trưa ngày 24-11 tôi nhận được điện thoại của anh Võ Tấn Cường (Chi hội trưởng Văn học - Hội Văn học nghệ thuật Tiền Giang) báo tin bác Quý đã mất. Vẫn biết rằng chuyện “sinh ký tử quy” với người cao tuổi như bác là tất yếu, nhưng gần như cả buổi chiều tâm trí, tình cảm tôi lúc lúc lại nhớ về bác…
Là hội viên lâu năm, bác Quý luôn đảm bảo chuyện tham gia sinh hoạt hội, ngay cả khi sức khỏe giảm sút bác vẫn ít khi vắng mặt. Tôi nhớ bác thường đến chậm, hiền lành, ít nói, ngồi hàng ghế sau và hay từ chối khi được mời lên trên.
Tiếp chuyện bác nhiều lần, tôi nhắc các bài viết đậm tính giáo dục, các tư liệu hiếm đọc rất thú vị đăng trên Báo Ấp Bắc, Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang… Nghe anh em gọi “bác Quý”, tôi gọi theo cho dù rất ngại mình vô phép.
Có lần hỏi bác thứ mấy, bác cười nhỏ nhẹ: “Cứ kêu bằng bác Quý như mọi người là được rồi, không sao đâu!”, đành vậy. Lần gặp sau cùng cũng khá lâu, hỏi bác sao lúc này ít viết bài, bác cười hồn hậu: “À… mắt kém, tay run nhiều, già rồi…”.
Thỉnh thoảng gặp anh Thái Duy (con trai bác Quý), tôi có hỏi thăm về sức khỏe của bác và mừng cho anh còn người cha già để mà chăm sóc, phụng dưỡng. Không như tôi, cha đã mất mà mẹ cũng không còn để mà ra vào, tới lui thấy mặt, an ủi nhau…
Một chút bùi ngùi, lắng đọng trong lòng tôi khi xem lại bài “Lòng dân Nam bộ với Bác Hồ”, “Nhật ký trong tù và dư luận”, tư liệu văn học “Bác Hồ và chiến sĩ”… cùng các bài sưu tầm mang nội dung học tập gương Bác Hồ, như “Ta cùng đi cho vui”, “Cứ để Bác trồng”, “Quả táo của Bác Hồ”… của bác Nguyễn Văn Quý đăng trên những số Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang đã lâu.
Sờ tay mắt dán vào trang báo, tưởng tượng ra hình ảnh bác Quý cặm cụi theo dòng cảm xúc để viết cho người, cho đời những con chữ đầy trí tuệ, nội tâm, nội lực.
Xin được gởi đến “bác Quý” lòng kính thương chân thành thay nén hương thơm ở chốn vĩnh hằng!
NGUYỄN KIM