Thứ Bảy, 03/11/2012, 21:08 (GMT+7)
.

Nông dân với ATGT: Từ xã điểm nhân lên diện rộng

Nhiều năm qua, các hoạt động, mô hình tuyên truyền về ATGT đều được Hội Nông dân các cấp đưa vào chương trình công tác Hội và phong trào nông dân. Đây vừa là một trong những tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Hội vừa góp phần giảm thiểu TNGT đáng kể tại địa phương.

Nhiều mô hình hay

Hưởng ứng năm ATGT, đầu năm 2012, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức diễu hành xe môtô với 500 hội viên chia làm 2 đoàn, từ TP. Mỹ Tho đến Cai Lậy và từ TP. Mỹ Tho về Gò Công Đông.

Ông Trần Chính, Trưởng ban Văn hóa - Quốc phòng - An ninh, Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Tất cả hội viên diễu hành đều phải đội nón bảo hiểm, tuân thủ tốc độ và điều khiển xe an toàn, kèm theo băng rôn, tuyên truyền để mọi người cùng chấp hành luật lệ giao thông. Bên cạnh đó, hơn 200 hội viên đã diễu hành về Gò Công để tổ chức hội trại và thi tìm hiểu về ATGT”.

Năm 2011, Hội Nông dân tỉnh xây dựng mô hình “Nông dân với ATGT ở 10 xã điểm” mang lại nhiều hiệu quả. Ở mỗi xã đều thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng các tổ - nhóm xung kích giải tỏa hành lang ATGT, điều tra khảo sát con em hội viên nông dân có dấu hiệu vi phạm giao thông (chạy xe lạng lách, nẹt pô, đánh võng, rú ga…), từ đó có biện pháp tư vấn, vận động các em chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông. Nhận thấy hiệu quả, được nhân dân đồng tình hưởng ứng nên năm 2012 này, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục xây dựng thêm 30 xã điểm về ATGT.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh đã in 75.000 tờ cam kết “7 không” phát cho các xã điểm, tiến hành tập huấn cho hơn 1.500 báo cáo viên; tổ chức 926 cuộc tuyên truyền “Vì bình yên sông nước”, hỗ trợ trên 3.000 nón bảo hiểm với giá ưu đãi cho hội viên.

Đặc biệt, ở từng ấp của các xã điểm đều thành lập được Đội cứu hộ tai nạn giao thông. Đội cứu hộ là các bác tài xe ôm, các anh dân phòng, mỗi đội có 5-7 người, thường có mặt ở các ngã 3, ngã 4 trong ấp. Khi có tai nạn giao thông chỉ cần gọi điện thoại (đã được thông báo đến tất cả người dân trong ấp, xã) sẽ được các anh tình nguyện đưa đi cấp cứu. Hiện tại, với 40 xã điểm có hàng trăm đội cứu hộ như thế. Trong gần 2 năm qua, các đội cứu hộ đã kịp thời đưa hàng trăm lượt bệnh nhân tới bệnh viện.

Mô hình “Nông dân với ATGT” được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.
Mô hình “Nông dân với ATGT” được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.

Hiệu quả tích cực

Qua 1 năm thực hiện mô hình “Nông dân với ATGT”, số vụ vi phạm đã giảm 203 vụ, số vụ TNGT giảm 72%. Đặc biệt, tại các xã điểm không có người chết vì TNGT. Nổi bật là con em nông dân – các em có biểu hiện vi phạm đã có chuyển biến tốt, hơn 83% số em không tái phạm. Có nhiều em đã khắc phục tốt mà còn vận động nhiều bạn khác thay đổi.

Điển hình như em Nguyễn Văn Tú, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, từ một thanh niên ăn chơi lêu lổng đã chuyển biến, tích cực tham gia cùng chính quyền, nhân dân địa phương thực hiện công tác cứu hộ giao thông và giữ gìn an ninh trật tự.

Ông Trần Chính cho biết thêm: “Những mô hình, những kết quả thiết thực đã tạo được lòng tin từ nhân dân, được nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Các cấp Hội đã đổi mới cách thức tuyên truyền, qua đó tăng cường hiệu quả giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên và nông dân, góp phần xây dựng nông thôn an toàn về ANTT”.

Từ nay đến cuối năm, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục củng cố, nâng chất hoạt động tại các xã điểm, vận động thành lập thêm nhiều đội cứu hộ tình nguyện. Tổ chức nhiều hội thảo “Nói không với rượu bia khi tham gia giao thông”, “Vì bình yên sông nước”.

Ông Trần Chính tâm huyết: “Hội Nông dân tỉnh đang tham mưu với UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí gắn những tấm panô khổ rộng với nội dung “7 không” tại các xã điểm, để tất cả nhân dân chấp hành đúng luật giao thông, hạn chế TNGT đến mức thấp nhất. Hy vọng 169 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh đều là xã điểm về ATGT”.     

P. MAI
 

.
.
.