Thị trấn Chợ Gạo: Vươn lên từ ý Đảng, lòng dân
Thị trấn Chợ Gạo là địa bàn trung tâm của huyện Chợ Gạo với diện tích tự nhiên trên 300 ha (đất nông nghiệp là 55,7%) chia làm 3 khu phố, có 2.093 hộ với 7.499 nhân khẩu. Nhân dân sống chủ yếu bằng nghề thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và một số ít sản xuất nông nghiệp. Trên đường vươn tới, thị trấn Chợ Gạo có sự hòa quyện lâu bền giữa ý Đảng, lòng dân.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Chợ Gạo cho biết: “Ba năm qua, cán bộ và nhân dân thị trấn Chợ Gạo đã không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn để đạt và vượt chỉ tiêu đề ra một cách toàn diện…”
Bằng những con số năm sau cao hơn năm trước, ví dụ như công tác cải cách hành chính năm 2009 thị trấn đạt 100 điểm thì năm 2011 đạt 107 điểm; còn tổng thu ngân sách năm 2009 đạt 101% thì năm 2011 là 104%... đã chứng minh cho sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo, tinh thần đoàn kết và nỗ lực không ngừng của cán bộ và nhân dân thị trấn.
3 năm qua, thị trấn đã nhựa hóa, bê tông hóa 8 tuyến đường giao thông nông thôn dài 2,2 km. |
Thương mại, dịch vụ là thế mạnh của thị trấn, nơi đây có 2 chợ khu II và khu III; chợ khu II là chợ trung tâm của huyện, buôn bán sầm uất, đa dạng sản phẩm hàng hóa, số hộ đăng ký kinh doanh mỗi năm mỗi tăng, hiện nay toàn thị trấn có hơn 600 hộ đăng ký kinh doanh. Để tạo điều kiện phát triển kinh tế, tăng mạnh về kinh doanh, năm 2009 thị trấn được đầu tư trên 30 tỷ đồng xây dựng bến chợ hàng nông sản.
Về thông tin liên lạc, phương tiện nghe nhìn, phương tiện giao thông cũng như điện, đường, trường, trạm thì thị trấn là đơn vị có điều kiện thuận lợi nhất, 100% hộ có điện và nước sạch để sinh hoạt. Giáo dục và đào tạo có đủ 3 bậc học: mầm non, tiểu học và trung học. Chất lượng giảng dạy, hiệu quả đào tạo không ngừng nâng lên.
100% trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo và 6 tuổi được vào lớp 1. Tiểu học và trung học hàng năm đều được tái công nhận chuẩn quốc gia; đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Năm 2009, Trường Tiểu học Thị trấn xây dựng theo chuẩn quốc gia, Trường Mầm non 2-9 xây dựng 15 phòng với kinh phí đầu tư 16 tỷ đồng vừa được đưa vào sử dụng.
Tất cả các phong trào đều được tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, vì vậy người dân hiểu và hưởng ứng nhiệt tình như dân số - kế hoạch hóa gia đình, các cặp vợ chồng trẻ ý thức tốt việc thực hiện các biện pháp tránh thai, duy trì 2/3 khu phố không sinh con thứ 3. Đặc biệt là phong trào xây dựng đời sống văn hóa, trong 3 năm qua 100% hộ tự nguyện đăng ký xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH), số hộ đạt danh hiệu GĐVH qua bình xét năm 2009 là 95,3%, năm 2011 là 97,98%.
Có đến thị trấn vào sáng sớm hoặc chiều tối, chúng ta sẽ bắt gặp từng tốp người đến công viên chạy bộ, tập thể dục thẩm mỹ, chơi quần vợt, cầu lông, đặc biệt là ở 3 khu phố đều có câu lạc bộ dưỡng sinh phát triển mạnh. Ngoài luyện tập để rèn luyện sức khỏe, các cụ còn tham gia thi thể dục dưỡng sinh và đã đạt thành tích cao ở tỉnh, khu vực.
Trong 3 năm qua, thị trấn đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng, sửa chữa 6 căn nhà tình nghĩa và 2 ngôi nhà tình thương. Chương trình xóa đói, giảm nghèo được quan tâm sâu sát, hàng năm ban vận động đều có phương án hỗ trợ hộ thoát nghèo, phân công trực tiếp cán bộ, đảng viên hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, tổ chức lớp dạy nghề cho 60 lao động phổ thông, tranh thủ các nguồn vốn quốc gia giải quyết việc làm, vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn huy động của các đoàn thể…
Cuối năm 2011 toàn thị trấn còn lại 161 hộ nghèo, chiếm 7,4% theo chuẩn mới. Chị Lê Thị Bé (khu I), là một trong những hộ đã thoát nghèo tâm sự: “Nhờ sự quan tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ, giúp đỡ nguồn vốn để tôi làm nhang, về sau tôi được đưa đi học nghề đan khung lục bình. Tôi vừa nuôi con học đại học, vừa cố gắng vươn lên; đến nay một cháu đã tốt nghiệp ra trường, một cháu còn đang học và gia đình tôi đã thoát nghèo năm ngoái.”
Chỉ những con lộ láng nhựa, bê tông chạy dài vào các khu nhà khang trang, kiên cố bên những bóng cây xanh, ông Nguyễn Văn Huỳnh cho biết thêm: “Đó là một trong những công trình xây dựng cơ bản với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ba năm qua thị trấn đã nhựa hóa, bê tông hóa 8 tuyến đường giao thông nông thôn dài 2,2 km, rộng từ 2m - 3m, tỷ lệ nhựa và bê tông hóa đạt 80%, tổng kinh phí xây dựng 1,18 tỷ đồng, trong đó dân đóng góp 500 triệu đồng.
Về an ninh quốc phòng, chúng tôi đã cho xây dựng lực lượng dân quân nòng cốt, dân quân rộng rãi, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự. Ba năm liền thị trấn không có ma túy, mại dâm, không có trẻ em vi phạm pháp luật và làm tốt công tác xét tuyển nghĩa vụ quân sự…”.
Bí thư Nguyễn Ngọc Thiện đúc kết: “Đảng bộ Thị trấn luôn giữ mối đoàn kết nội bộ, lãnh đạo thực hiện tốt các chuyên đề hoạt động của Đảng, đưa nghị quyết của Đảng vào thực tế cuộc sống gắn liền với cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh 3 năm liền.
Bên cạnh đó, nhờ làm tốt công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể với chính quyền về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường và phát huy hiệu quả, từng bước có chuyển biến theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”.
Qua đó phát huy được tính dân chủ trực tiếp gắn với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Từ đó lòng tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố, các cuộc vận động đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia; nổi bật là phong trào xóa đói giảm nghèo, phong trào đền ơn đáp nghĩa, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… hàng năm đều đạt chuẩn vững mạnh”.
Với sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ lãnh đạo, giải quyết những khiếu nại, tranh chấp của dân, làm tốt công tác cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”, phục vụ tốt nhu cầu giải quyết hành chính của dân, quan tâm đến công tác từ thiện, xã hội… 3 năm liền (2009 – 2011) thị trấn luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, năm 2011 được công nhận là Thị trấn Văn hóa, xứng đáng nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
ÁI QUỲNH