Thứ Sáu, 02/11/2012, 10:47 (GMT+7)
.

Chị Nguyễn Thị Nghiệm: Làm kinh tế giỏi & giàu lòng nhân ái

Không chỉ vượt khó vươn lên làm giàu, chị Nguyễn Thị Nghiệm (sinh năm 1969, hội viên Hội LHPN xã Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy) còn âm thầm chia sẻ với những mảnh đời kém may mắn.

Chị Nguyễn Thị Nghiệm (thứ hai, từ phải qua) trong một chuyến làm từ thiện ở Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang.
Chị Nguyễn Thị Nghiệm (thứ hai, từ phải qua) trong một chuyến làm từ thiện ở Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang.

Nhìn những chuyến xe chuyển hàng tấp nập tại Trại cá giống Đúng Nghiệm ở ấp Mỹ An (xã Nhị Mỹ) và cơ ngơi khang trang hiện nay, ít ai biết rằng cách đây 20 năm gia đình chị Nghiệm được xếp vào loại nghèo nhất, nhì trong ấp.

Khi đến với nhau, vợ chồng chị chẳng có gì ngoài tình yêu, sự cảm thông và bàn tay cần cù lao động. Buổi đầu hai vợ chồng bươn chải làm thuê rồi chuyển sang nấu rượu nuôi heo để xoay xở sinh hoạt cho 5 nhân khẩu.

Năm 1994, chị vay 1 triệu đồng từ nguồn vốn tín chấp của Hội LHPN xã. Với đồng vốn này, chị bàn với chồng chuyển sang nuôi cá sinh sản, ương cá bột và bán cá giống. Ông bà ta thường nói “Muốn giàu nuôi cá” nhưng không phải ai cũng dễ dàng thành công, nhất là khi kiến thức, kinh nghiệm hạn chế.

Chị kể: “Mỗi người nuôi cá đẻ đều có bí quyết riêng, họ không dễ dàng chia sẻ cho người khác. Do đó tôi lặn lội khắp nơi học hỏi và rút kinh nghiệm sau nhiều lần thất bại mới thành công. Nuôi cá đẻ không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải tỉ mỉ và chịu khó”.  
Sau gần 6 năm nuôi cá đẻ và ương cá giống, nhận thấy tiềm năng của thị trường cá giống các tỉnh miền Tây rất lớn, chị mở rộng quy mô, mở Trại cá giống Đúng Nghiệm. Trại cá giống của chị cung cấp cá bột cho nông dân các xã: Nhị Mỹ, Tân Hội, Tân Phú… và thu mua cá giống của nông dân cung ứng cho thị trường.

Bắt tay vào làm kinh tế ở tuổi 31, chính sự năng động, quyết đoán là “vốn quý” giúp chị gặt hái nhiều thành công. Từ cơ sở ban đầu chỉ có vài người trong gia đình, nay Trại cá giống Đúng Nghiệm đã được mở rộng, giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động, cung ứng các loại cá giống nước ngọt như: Cá tra, rô phi, cá trê, điêu hồng, sặt rằn... cho thị trường cá giống trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Khi cơ ngơi đã ổn định, chị Nguyễn Thị Nghiệm chia sẻ may mắn của mình với người nghèo, đặc biệt là chị em phụ nữ. Chị hướng dẫn bà con kỹ thuật để nuôi cá giống thành công, tăng thu nhập. Với những hộ thiếu vốn, chị cho nợ tiền cá bột để phát triển sản xuất.

Đặc biệt, chị còn được biết đến như một “nhà bảo trợ” cho nhiều mảnh đời bất hạnh với những việc làm nghĩa tình như: hỗ trợ chi phí chữa bệnh, tặng quà, cất nhà tình thương... Những trường hợp ốm đau, bệnh tật, khi nghe kể, chị đều không ngại đường sá xa xôi, đến tận nơi tìm hiểu và giúp đỡ. Mỗi cảnh đời, mỗi số phận không may đều để lại trong chị những trăn trở.

“Mình một thời lận đận, nay thoát nghèo nên muốn chia sẻ với những người kém may mắn hơn. Nhiều người không phải do lười lao động hay thiếu ý chí mà không có điều kiện để vươn lên” - chị tâm sự.

Từ nhiều năm nay, chị còn nối nhịp cầu nhân ái giữa người thân, bạn bè với những trường hợp cần giúp đỡ. Công việc làm ăn bận rộn nhưng chị vẫn chăm lo vun đắp mái ấm gia đình, hai người con đều ngoan ngoãn, hiếu thảo. Gia đình chị nhiều năm liền là “Gia đình văn hóa” tiêu biểu ở địa phương. 

QUẾ NGÂN
 

.
.
.