Thứ Tư, 14/11/2012, 08:55 (GMT+7)
.

Niềm vui và điều đọng lại qua những căn nhà 167

Qua 4 năm (2009-2012) triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững tại địa phương, giúp cho các hộ nghèo có nhà ở, ổn định cuộc sống.

NIỀM VUI “167”

Kết quả khảo sát hộ nghèo giai đoạn 2006 - 2010, tổng số hộ nghèo của tỉnh theo chuẩn nghèo là 37.820 hộ, chiếm tỷ lệ 9,3% tổng số hộ dân cư toàn tỉnh; trong đó số hộ nghèo sống tại khu vực nông thôn là 35.455 hộ. Tỷ lệ cấu trúc nhà ở của hộ nghèo: bán kiên cố 61,8%, khung gỗ 36%, khung gỗ tạm 44,24%, loại khác 0,96%.

Đến khi triển khai quyết định 167/2008/QĐ-TTg (gọi tắt là quyết định 167), đến nay có 11.435 hộ gia đình nghèo được hưởng niềm hạnh phúc an cư trong ngôi nhà 167.

Chị Hồ Thị Mộng Diễm ngụ ấp Long Thới (Long An, Châu Thành) xúc động: “Từ khi khởi công, cả nhà cứ nôn nao vui theo từng cây cột được dựng, từng bức tường được xây. Chúng tôi vô ở ngôi nhà mới được hơn 2 tháng rồi. Trước đây nhà tôi lụp xụp, rách nát do không có đất sản xuất, chỉ sống bằng tiền làm mướn của vợ chồng tôi thôi.

Trong khi mẹ chồng tôi đã lớn tuổi, còn con tôi thì còn nhỏ. Nhà dột cột xiêu mà không thể sửa sang, cứ mưa dột chỗ nào thì chèn chỗ đó. Đâu có gì vui hơn khi được sống trong ngôi nhà vững chắc, khang trang như vầy! Có nhà mới, vợ chồng tôi như được tiếp thêm nghị lực để vươn lên…”.

Gia đình của anh Nguyễn Văn Dũng và chị Nguyễn Thị Nương, ngụ ấp 3, xã Phú Cường (Cai Lậy) cũng vậy. Không có đất canh tác nhưng với sức trẻ, hai vợ chồng lại siêng năng nên cuộc sống tạm ấm no. Nhưng chuyện không may đã ập đến với tổ ấm nhỏ này.

Từ khi sinh con, chị Nương bị bệnh mất ngủ rồi chuyển sang tâm thần, phải uống thuốc điều trị triền miên mười mấy năm nay. Tuy đầu óc tỉnh táo nhưng tay chân yếu nên chị Nương không thể lao động nặng, chỉ loay hoay với việc nhà và chăm sóc con. Cuộc sống gia đình 3 miệng ăn phụ thuộc vào tiền làm thuê của anh Dũng.

Thế nên, ngôi nhà tre lá từ ngày mới ra riêng tới giờ đã hư hỏng nhiều mà vợ chồng không thể sửa sang nổi. Được ấp bình xét hỗ trợ nhà ở, chị Nương sung sướng lắm nhưng chỉ nói được một câu: “Tôi mừng quá!”.

Từ nguồn hỗ trợ  của chương trình nhà 167,  cộng với  sự giúp đỡ  của các  doanh nghiệp  trên địa bàn   xã Bình Đức  (Châu Thành),  gia đình  anh Phan Tấn Đức đã có được căn nhà  khang trang.
Từ nguồn hỗ trợ của chương trình nhà 167, cộng với sự giúp đỡ của các doanh nghiệp trên địa bàn xã Bình Đức (Châu Thành), gia đình anh Phan Tấn Đức đã có được căn nhà khang trang.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tỉnh: “Nhà 167 đều đạt yêu cầu về quy mô, diện tích, chất lượng cũng như độ bền vững; bộ mặt các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã đặc biệt khó khăn có nhiều thay đổi, đời sống các hộ nghèo được cải thiện rõ rệt.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đã thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chia sẻ khó khăn, đầu tư giúp đỡ các hộ nghèo nhà ở còn tạm bợ, dột nát có đủ điều kiện cải thiện về nhà ở để ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã xác định công tác xóa nhà tạm cho các hộ nghèo trên địa bàn là trách nhiệm và là nội dung quan trọng trong công tác dân vận của hệ thống chính trị”.

ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI

Sau 4 năm thực hiện chương trình, Ban chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của tỉnh nhận xét vẫn còn một số vấn đề tồn tại. Đó là công tác tổ chức thẩm tra, lựa chọn tiêu chí xét duyệt đối tượng còn gặp nhiều khó khăn do thực hiện trong thời gian ngắn, trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, bổ sung một số hộ đủ tiêu chí thay thế cho các hộ trước đây được duyệt vì đã được hỗ trợ từ các nguồn khác; quỹ đất xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo ở các xã, huyện còn hạn chế làm chậm tiến độ hoàn thành chung của cả tỉnh.

Danh sách các hộ được hỗ trợ nhà ở của các huyện không ổn định dẫn đến việc lập kế hoạch và chuẩn bị nguồn vốn cho vay thường gặp nhiều bị động. Nhiều hộ theo điều tra ban đầu thuộc diện được hỗ trợ nhà nhưng đến năm sau thì đánh giá thoát nghèo nên không thuộc diện được hỗ trợ, phải loại ra và huyện lại xin điều chỉnh bổ sung hộ khác vào danh sách, gây mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ giải ngân.

Việc điều tra, lập danh sách hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở của các xã làm chậm, bị sai họ tên, năm sinh dẫn đến việc phải chỉnh sửa gây khó khăn cho việc giải ngân của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Quá trình xây dựng nhà ở trong những năm cuối chương trình gặp nhiều khó khăn do giá vật liệu xây dựng, giá nhân công tăng cao so với thời gian đầu chương trình mới triển khai, dẫn đến các nhà thầu rất khó khăn trong việc xây dựng nhà ở cho người nghèo.

Theo ông Hồ Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Với thời giá hiện tại, mức hỗ trợ hộ nghèo theo đề án mới cần nâng lên 35 triệu - 37 triệu đồng/căn nhà thì chất lượng công trình mới đảm bảo được tiêu chí “3 cứng” và có hố xí hợp vệ sinh.

THỦY HÀ

.
.
.