4 thách thức, 6 giải pháp cho công tác Dân số - KHHGĐ
Những năm qua, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của Tiền Giang đã đạt nhiều thành công nhất định. Trong đó, tỷ suất sinh thô 13,98%o, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,97%, số con trung bình của phụ nữ là 1,91 con, thấp hơn mức trung bình cả nước.
Tuy nhiên, dân số Tiền Giang lại đang đứng trước những thách thức mới, khiến công tác Dân số năm 2012 và những năm tiếp theo trở nên khó khăn hơn.
4 THÁCH THỨC LỚN
Một là, tỷ số giới tính khi sinh tăng cao. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh là 111 bé trai/100 bé gái. Liên tục từ năm 2010 đến nay tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) của tỉnh luôn dao động ở mức 111 - 113 bé trai/100 bé gái (tỷ số giới tính khi sinh bình thường 103 - 107 bé trai/100 bé gái).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng GTKS là do những quan niệm sai lầm, tâm lý chuộng con trai hơn để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên và chăm sóc cha mẹ già.
Niềm vui của mẹ. Ảnh: Hương Giang |
Chính sách dân số của Việt Nam hiện nay khuyến khích mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh từ 1 - 2 con, cộng với tư tưởng trọng nam khinh nữ dẫn đến nhiều gia đình muốn sinh ít nhất là một con trai. Tỷ số GTKS tăng sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đối với dân số nói riêng và các vấn đề kinh tế - xã hội nói chung.
Tác động của sự chênh lệch này sẽ không dễ nhận thấy ngay, nhưng sẽ gây ra tình trạng “nam thừa, nữ thiếu”. Trong đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng nam giới trong độ tuổi kết hôn sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời. Tình trạng này sẽ diễn ra dần dần và càng về những năm sau thì số lượng nam thừa càng lớn.
Hai là, chất lượng dân số chưa được quan tâm đúng mức. Các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số như: Sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; mô hình Tư vấn & Khám sức khỏe tiền hôn nhân... chỉ mới được thử nghiệm ở một số huyện và xã, vì vậy số người thụ hưởng những lợi ích của chương trình chưa cao.
Mỗi năm Tiền Giang có 23.000 đến 25.000 trẻ được sinh ra, nhưng số trẻ em được thực hiện sàng lọc các bệnh lý chỉ 3.500 - 5.000 trẻ, chỉ chiếm tỷ lệ 15 - 20%. Nguyên nhân là do kinh phí để thực hiện các xét nghiệm này còn bao cấp, Nhà nước chi trả toàn bộ chi phí để thực hiện xét nghiệm sàng lọc: chi phí công lấy mẫu, xét nghiệm, hóa chất…
Số bà mẹ được thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước sinh nhằm phát hiện những dị tật, khuyết tật… cũng chỉ chiếm khoảng 5% tổng số bà mẹ mang thai.
Nguyên nhân là do hiện nay tuyến tỉnh chỉ siêu âm được hình thái học thai nhi, chưa thực hiện được các xét nghiệm theo quy trình sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh theo quy định của Bộ Y tế như: Xét nghiệm double test, tripple test máu mẹ; xét nghiệm nước ối…
Mô hình Tư vấn & Khám sức khỏe tiền hôn nhân chỉ mới được triển khai ở các huyện hưởng Đề án 52, số người tham gia mô hình này chưa nhiều.
Ba là, nhiều vấn đề về KHHGĐ, chăm sóc SKSS chưa được giải quyết tốt. Chất lượng dịch vụ KHHGĐ ở một số nơi còn hạn chế, việc điều phối cung ứng phương pháp tránh thai (PPTT) chưa linh hoạt, chưa chủ động được nguồn cung cấp (phụ thuộc vào tuyến Trung ương), dẫn đến có lúc thiếu PTTT để cung cấp.
Cụ thể, trong năm 2012, khách hàng đăng ký sử dụng que cấy tránh thai không được đáp ứng. Một số phụ nữ nông thôn ít tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS, chưa ý thức cao về việc tự chăm sóc để bảo vệ sức khỏe cho mình, còn trông chờ dịch vụ chăm sóc SKSS miễn phí của Nhà nước.
Việc đáp ứng nhu cầu thông tin, kiến thức, dịch vụ về SKSS, sức khỏe tình dục cho các nhóm dân số đặc thù như vị thành niên, thanh niên, nam giới, người di cư, người khuyết tật, người có HIV…; dự phòng và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản/bệnh lây truyền qua đường tình dục, vô sinh còn nhiều hạn chế.
Bốn là, thông tin, số liệu về DS/SKSS chưa đáp ứng nhu cầu quản lý, xây dựng kế hoạch và chính sách. Thông tin, số liệu về DS/SKSS còn thiếu chính xác, chưa đầy đủ, kịp thời và giữa các nguồn số liệu còn sự khác biệt lớn. Công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo các vấn đề về DS/SKSS chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, điều hành.
GỢI MỞ 6 GIẢI PHÁP
1. Sở Y tế xây dựng Đề án “Xã hội hóa sàng lọc sơ sinh, trước sinh” trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Nội dung đề án gồm: Sàng lọc sơ sinh lấy máu gót chân trẻ sơ sinh gửi đường bưu điện đến Bệnh viện Từ Dũ để phát hiện bệnh suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD...
Bệnh viện Từ Dũ sẵn sàng hỗ trợ tỉnh cung cấp giấy thấm và thực hiện xét nghiệm theo phương thức xã hội hóa (người dân trả khoảng 150.000 - 200.000 đồng/trường hợp) nhưng tỉnh phải có đơn vị đầu mối ký hợp đồng với Bệnh viện Từ Dũ để thực hiện.
Sàng lọc trước sinh gồm 2 nội dung: Siêu âm hình thái thai nhi (tỉnh thực hiện) và lấy máu thai phụ gửi Bệnh viện Từ Dũ xét nghiệm/ Bệnh viện Từ Dũ sẵn sàng hỗ trợ tỉnh thực hiện xét nghiệm theo phương thức xã hội hóa (người dân trả tiền khoảng 350.000 - 500.000 đồng/trường hợp) nhưng tỉnh phải có đơn vị đầu mối ký hợp đồng với Bệnh viện Từ Dũ để thực hiện).
2. Kỷ luật đảng viên, cán bộ, công chức sinh con thứ 3 thật nghiêm; đưa vào chỉ tiêu thi đua hàng năm. Tập trung rà soát, quản lý những người đã sinh 2 con (đặc biệt là con “một bề”) để tuyên truyền, vận động không sinh con thứ 3; nếu cần có thể ký cam kết không sinh con thứ 3.
Phối hợp với các cơ quan tham mưu thật tốt cho UBND tỉnh ra Chỉ thị về “Tăng cường các giải pháp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”.
3. Các Sở Y tế, Nội vụ, Tài chính điều chỉnh hoặc hướng dẫn bổ sung Công văn liên ngành về việc thực hiện phụ cấp ưu đãi cho người làm công tác DS-KHHGĐ để thống nhất toàn tỉnh (tránh tình trạng mỗi huyện hiểu và thực hiện khác nhau).
4. Sở Y tế phối hợp Sở Tài chính giám sát, chỉ đạo các đơn vị tuyến xã không tiết kiệm kinh phí chi cho Ban Dân số xã theo Nghị quyết 264/2010/NQ-HĐND ngày 17-12-2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh (quy định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2011) để tăng thu nhập.
5. Sở Y tế là đầu mối và có giải pháp chỉ đạo các đơn vị thống kê, báo cáo số liệu trẻ sinh (trai, gái) trung thực, kịp thời, chính xác, tránh tình trạng chạy theo chỉ tiêu báo cáo giấu những trường hợp sinh con thứ 3. Số liệu do ngành Y tế cung cấp là cơ sở để xét thi đua liên quan công tác dân số.
6. Sở Y tế liên hệ Tổng cục DS-KHHGĐ khi có hướng dẫn thì khẩn trương lập kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2013 - 2015 trình UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện.
TRẦN KIM MAI