Bạo hành gia đình: Không thể cứ cam chịu
Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam được Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp quốc công bố ngày 25-11-2010 cho kết quả: Có 3 hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng là bạo hành về thể xác, tình dục và tinh thần.
Kết quả khảo sát cho thấy, có 58% phụ nữ từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo hành gia đình nêu trên.
Tuy nhiên, con số thống kê được về bạo hành gia đình chỉ là bề nổi, còn trên thực tế số trường hợp bạo hành gia đình trong cộng đồng còn nhiều hơn gấp nhiều lần nhưng không phát hiện được do nạn nhân cố tình che giấu vì xấu hổ và phần lớn trường hợp bạo hành gia đình chỉ bị phát hiện khi hành vi bạo hành đưa đến hậu quả nghiêm trọng.
Chẳng hạn, trường hợp chị L. ở huyện Tân Phú Đông bị chồng đánh gây thương tích nghiêm trọng: trên đầu có 1 vết rách 3cm ở thái dương trái và bị sưng bầm vùng chẫm trái. Chị L. cho biết, đã bị chồng là Nguyễn Văn U. đánh vào đầu bằng cây dầu gió. Nguyên nhân là do anh U. nhậu về rầy con, chị L. bênh con nên bị đánh.
Từ khi kết hôn đến nay được 16 năm, chuyện bị đánh khi xích mích hoặc làm trái ý chồng đối với chị L. là chuyện “cơm bữa”, có lúc thì bầm mắt, sưng mình; khi thì trầy sướt chảy máu… nhưng chưa lần nào chị L. phải vào bệnh viện như lần này. Bị chồng đối xử bạo lực như vậy nhưng khi nhà báo “phỏng vấn” thì chị L. cho là “không có gì”, “chuyện bình thường mà lên báo làm chi”…
Hay như trường hợp của chị Ngọc C. (sinh năm 1977, ngụ xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) phải nhập viện trong tình trạng bị chấn thương vùng mặt và đầu khiến mặt và mắt của chị sưng, bầm tím. Đây không phải là lần đầu tiên chị bị chồng đánh tàn nhẫn như thế. Vậy mà chị C. vẫn cố chịu đựng và cho qua trong một thời gian khá dài.
Lần này cũng không ngoại lệ. Vì với chị “bị chồng đánh là điều đáng xấu hổ, có hay ho gì mà để cho người khác biết. Với lại, nếu ảnh biết tôi nói ra ngoài thì sẽ không hài lòng và lúc đó chuyện còn tồi tệ hơn. Thôi kệ, con người ta có số”.
Chính thái độ cam chịu, nhẫn nhục, che giấu của phụ nữ đã khiến mức độ bị bạo hành của họ càng nặng nề hơn. Theo báo cáo của ngành Tòa án, trung bình mỗi năm có 600 vụ ly hôn do bạo lực gia đình, trong đó hành vi đánh đập, ngược đãi chiếm 54% các vụ ly hôn.
Còn theo số liệu từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, từ năm 2009 đến giữa năm 2012, toàn tỉnh xảy ra trên 2.000 trường hợp bạo hành gia đình, trong đó có 1.536 nạn nhân là phụ nữ từ 16 đến 59 tuổi, nạn nhân còn lại là trẻ em và người già. Hình thức bạo hành chủ yếu là bạo hành thân thể, bạo hành tinh thần, bạo hành kinh tế và bạo hành về tình dục.
Tuy nhiên, đây chỉ là những con số mà các cơ quan chức năng thống kê được, còn vô số trường hợp bị ngược đãi, bạo lực trong gia đình xảy ra, nhưng vì đây là một vấn đề được xem là tế nhị nên nạn nhân không nhờ chính quyền can thiệp.
Trong số trên 2.000 trường hợp bạo hành gia đình được phát hiện, có khoảng 1.000 trường hợp được đưa ra chính quyền tư vấn, hòa giải; 1.100 vụ được đưa ra góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư và 76 trường hợp bị xử phạt hành chính.
Bạo hành luôn bị lên án, nó ảnh hưởng xấu đến nhiều gia đình, là nỗi ám ảnh của biết bao gia đình có bạo lực xảy ra. Bạo hành gia đình để lại hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho nạn nhân trực tiếp của nó mà cho cả những thành viên khác trong gia đình, nhất là tác động xấu đối với trẻ em.
Hiện nay, tình trạng bạo lực xảy ra ngày càng phức tạp và có tính chất nguy hiểm, nhất là bạo hành trong thanh thiếu niên. Nguyên nhân là trẻ thường xem những phim ảnh có tính bạo hành, đánh đá, hoặc là trẻ thường xuyên bị ngược đãi…
Điều này cho thấy, nếu trẻ sống trong môi trường an lành, hạnh phúc thì nhân cách của trẻ sẽ phát triển tốt và sau này sẽ giúp ích cho xã hội. Ngược lại, nếu trẻ sống trong môi trường bạo hành, không an toàn thì lúc nào trẻ cũng lo sợ, khi lớn lên trẻ sẽ dễ mặc cảm, thiếu tự tin… Đây cũng là điều đáng quan tâm của xã hội.
THỦY HÀ