Thứ Hai, 17/12/2012, 12:57 (GMT+7)
.

Những mô hình gắn kết thoát nghèo của phụ nữ huyện Cai Lậy

Không trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Hội LHPN các cấp trong huyện Cai Lậy đã chủ động xây dựng nhiều mô hình trợ vốn, việc làm phù hợp để chị em cùng đoàn kết vươn lên.

TỪ QUỸ “TIẾT KIỆM MÙA XUÂN”

Hơn 11 năm hoạt động, quỹ “Tiết kiệm mùa xuân” của Hội LHPN xã Nhị Quí đã trợ vốn cho hàng trăm phụ nữ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Mô hình càng có ý nghĩa khi phát huy tinh thần tương ái, giúp chị em chủ động chi phí để đón một cái tết trọn vẹn niềm vui.

Chị Đặng Thanh Thu Vân, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Nhị Quí cho biết: “Quỹ được thành lập năm 2001, mục đích là giúp chị em tiết kiệm từ chi tiêu hàng ngày để ăn tết. Số tiền tiết kiệm đó còn được sử dụng cho những chị em khác mượn vốn để phát triển kinh tế gia đình như chăn nuôi, mua bán nhỏ. Mỗi năm chị em hoàn vốn vào dịp năm hết, tết đến. Vì vậy mà quỹ có tên là “Tiết kiệm mùa xuân”.

Nhờ quỹ  “Tiết kiệm mùa xuân”, chị  Lê Thị Bảy  ngụ  ấp  Quí Chánh, xã Nhị Quí  có điều kiện  mở một  quán ăn nhỏ trước nhà.
Nhờ quỹ “Tiết kiệm mùa xuân”, chị Lê Thị Bảy ngụ ấp Quí Chánh, xã Nhị Quí có điều kiện mở một quán ăn nhỏ trước nhà.

Từ tổ “Tiết kiệm mùa xuân” đầu tiên được thành lập tại ấp Quí Lợi, đến nay xã Nhị Quí đã thành lập 25 tổ “Tiết kiệm mùa xuân” tại 5 ấp, thu hút trên 900 thành viên tham gia, với số tiền huy động gần 1 tỷ đồng.

Chính vì tiêu chí tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày mà ai cũng có thể trở thành thành viên của các tổ tiết kiệm vì yêu cầu tiền gửi không cao, tối thiểu 10.000 đồng/tháng, lãi suất 1%/tháng, thành viên gặp khó khăn sẽ được giải quyết rút tiền gửi trước hạn.

Sau khi huy động, nguồn quỹ được giải ngân ngay cho các thành viên có nhu cầu vay với lãi suất 1,5%/tháng, số tiền vay tối đa 2 triệu đồng, chu kỳ từ 3 đến 6 tháng.

Hồ sơ vay vốn đơn giản và dân chủ, chỉ cần chị em trong tổ tiết kiệm bình xét và được đại diện BCH Hội LHPN xã xác nhận. Trung bình mỗi năm nguồn quỹ này giải quyết cho 1.500 lượt thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh như chăn nuôi, mua bán, tăng thu nhập cho gia đình.

Tuy đồng vốn ít nhưng đã giúp nhiều phụ nữ nghèo vươn lên. Điển hình như chị Lê Thị Bảy ngụ ấp Quí Chánh. Từ một người chưa có việc làm ổn định, chị Bảy đã nhờ vốn quỹ “Tiết kiệm mùa xuân” mở một quán ăn nhỏ tại nhà.

Chị cho biết: “Nhiều lúc khó khăn, thiếu hụt khoản tiền không lớn, thay vì phải hỏi vay bên ngoài với lãi suất cao, chị em được hỗ trợ vay để có thể xoay xở kịp thời”. Khoản tiền chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi trả lãi suất tiền gửi của quỹ “Tiết kiệm mùa xuân” được sử dụng để liên hoan cuối năm, thăm hỏi các thành viên đau ốm và khen thưởng các thành viên có tiền gửi cao.

Trong suốt 11 năm hoạt động, nguồn quỹ chưa bao giờ “nghẽn mạch” vì thành viên hoàn trả vốn vay đúng “hợp đồng”. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, quỹ “Tiết kiệm mùa xuân” của Hội LHPN xã Nhị Quí còn tạo sự gắn bó giữa hội viên với tổ chức Hội, hội viên với hội viên và giảm tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn.

ĐẾN VIỆC LÀM THỦ CÔNG

Một hình thức đoàn kết giảm nghèo khác được Hội LHPN huyện Cai Lậy thực hiện thời gian qua là tự tạo việc làm qua các mô hình thủ công. Hơn 4 năm nay, điểm may túi xách của chị Nguyễn Thị Út ở ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hạnh Trung có hơn 30 chị em nhận hàng gia công thường xuyên.

Đây là một trong 3 đầu mối nhận hàng may túi xách tại xã Mỹ Hạnh Trung do Hội LHPN xã tổ chức, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nữ.

Theo Hội LHPN huyện Cai Lậy, việc Hội LHPN cơ sở tự tạo các mô hình nghề nghiệp và trợ vốn cho nhau đã góp phần rất lớn vào việc xóa nghèo, nâng cao vị thế phụ nữ. Hiện nay, toàn huyện có 984 tổ “Tiết kiệm mùa xuân”, tổ “Góp xi măng theo vụ lúa”… thu hút trên 13.000 chị tham gia, với số tiền trên 7 tỷ đồng để giúp nhau về vốn sản xuất, kinh doanh, xóa nhà tạm bợ…

Ngoài ra, chị em còn hỗ trợ nhau bằng cách giúp vốn không tính lãi, giúp cây - con giống, ngày công lao động. Với sự khéo léo, đảm đang vốn có, các chị còn tự tạo việc làm cho mình và trở thành đầu mối nhận hàng, dạy nghề cho các chị em khác với những nghề thủ công như đan đát, kết cườm, xe nhang, may túi xách, làm hoa vải… để tăng thêm thu nhập.

Các mô hình này đã mang đến hiệu quả xã hội tích cực, giúp chị em đoàn kết gắn bó với nhau hơn để cùng thoát nghèo bền vững.           

QUẾ NGÂN

.
.
.