Quan niệm đúng đắn về bình đẳng giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu
Cùng với các nước trên thế giới, Nhà nước ta đã ký kết tham gia “Công ước Liên Hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” và ký kết thực hiện 8 mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới.
Như vậy, bình đẳng giới không là vấn đề riêng của giới nữ, của một quốc gia, mà là mục tiêu phấn đấu thúc đẩy thực hiện của nhiều quốc gia, nhiều dân tộc. Quan niệm về bình đẳng giới hiện nay là: Sự tương đồng và có khác biệt của giới nam, giới nữ được thừa nhận và được coi trọng như nhau.
Bình đẳng giới vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Đ.L |
Thực tế cho thấy, nữ giới và nam giới có cuộc sống rất khác nhau, có các nhu cầu khác nhau, có nguyện vọng khác nhau, chịu sự tác động khác nhau từ cùng một chính sách, cùng một biện pháp hỗ trợ phát triển của một Đảng, một Nhà nước.
Cho nên bình đẳng giới phải được hiểu một cách đầy đủ là nam giới và nữ giới được trải nghiệm ở những điều kiện như nhau để phát huy đầy đủ các tiềm năng của mình, có cơ hội để tham gia đóng góp và hưởng lợi như nhau từ các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia.
Chúng ta phải thừa nhận rằng, sự phát triển của xã hội nói chung và của đất nước ta nói riêng gắn liền với quá trình đấu tranh kiên trì của xã hội cho sự bình đẳng giới, vì bình đẳng giới là mục tiêu chung của xã hội.
Bất bình đẳng giới là nguyên nhân của tình trạng đói nghèo, là rào cản chính đối với sự phát triển bền vững của xã hội, là tác nhân gây ra không ít tác động tiêu cực tới quốc gia, tới mọi thành viên trong xã hội.
Quốc gia nào còn tình trạng bất bình đẳng giới mang tính phổ biến và kéo dài thì sẽ phải trả giá bằng sự gia tăng đói nghèo, lạc hậu và các thiệt hại khác. Một xã hội, một quốc gia có mức độ bình đẳng giới càng cao thì thành quả tăng trưởng kinh tế càng lớn, phục vụ tốt cho công tác xóa đói giảm nghèo, xóa dần bất bình đẳng trong xã hội.
Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đề ra mục tiêu phấn đấu là xây dựng nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đảng và Nhà nước ta còn đề ra nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào công tác xã hội.
Nghị quyết 04-NQ/TW ngày 12-7-1993 của Bộ Chính trị về “Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”; Chỉ thị 37-CT/TW ngày 16-5-1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới”; Quyết định 19/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược Quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ đến năm 2010” và Nghị định 19/2003/NĐ-CP ngày 7-3-2003 của Chính phủ “Quy định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho Hội LHPN tham gia quản lý Nhà nước về các vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em”… Đó là cơ sở quan trọng nhằm tạo mọi điều kiện cần thiết để thực hiện các quyền cơ bản của phụ nữ.
Thực tế hiện nay cho thấy, phụ nữ tham gia vào công tác xã hội, quản lý Nhà nước còn rất ít, đặc biệt là trong tổ chức bộ máy Nhà nước, trong tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội. Hiện nay, ở nước ta, phụ nữ chiếm hơn 50% tổng số thành viên trong xã hội, nhưng chiếm phần đông trong số những người nghèo khổ, nạn nhân của các hành động ngược đãi, có tỷ lệ biết chữ nói chung thấp hơn nam giới và chất lượng cuộc sống chậm được cải thiện hơn.
Nguyên nhân dẫn đến hậu quả không tốt nói trên có nhiều, nhưng trong đó có nguyên nhân cơ bản là do chịu ảnh hưởng những mặt lạc hậu của tư tưởng Nho giáo thể hiện qua hành vi gia trưởng, có xu hướng hạ thấp vị trí, vai trò của phụ nữ trong xã hội, coi trọng nam giới hơn nữ giới.
Để tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới, ngày 24-12-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2351/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định 1241/QĐ-TTg ngày 22-7-2011 phê duyệt Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015.
Ở Tiền Giang, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 72/KH-UBND ngày 15-7-2011 về việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 và Kế hoạch 241/KH-UBND ngày 23-12-2011 về “Thực hiện Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2015”, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới ở nước ta.
CHÂU HẢO