Thứ Ba, 18/12/2012, 06:27 (GMT+7)
.

Chênh lệch giàu - nghèo: Những con số & giải pháp

Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống của nhân dân trong tỉnh từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, thu nhập và mức sống của nhân dân còn có sự chênh lệch, đặc biệt là khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, giữa nông thôn và thành thị ngày càng bị đẩy xa hơn. Điều này thể hiện qua việc so sánh số liệu thống kê thu nhập của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

THỰC TRẠNG PHÂN HÓA GIÀU, NGHÈO

Trong những năm qua, thực hiện chính sách đổi mới, được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội Tiền Giang đã đạt được những thành tựu to lớn: Tăng trưởng kinh tế ngày càng cao hơn (tăng 10% so với năm 2009), đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm (năm 2006 là 14,7%, đến năm 2010 theo chuẩn cũ là 6,4% và theo chuẩn mới là 10,96%)…

Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng chưa thật sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, đời sống của một bộ phận nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa tỷ lệ hộ nghèo chiếm tỷ lệ khá cao.

Vần đổi công góp phẩn cải thiện đời sống nông dân. Ảnh: H.NGA
Vần đổi công góp phẩn cải thiện đời sống nông dân. Ảnh: H.NGA

Theo kết quả điều tra mức sống dân cư các năm 2006, 2008 và 2010 trong phạm vi hộ gia đình, thu nhập bình quân hộ tăng rất nhanh, từ 28,8 triệu đồng/hộ vào năm 2006, đến năm 2010 đã tăng gấp 2,1 lần và đến năm 2011 tăng gấp 2,5 lần.

Tương tự, đối với khu vực thành thị và nông thôn cũng tăng khá nhanh so với năm 2006. Ở khu vực thành thị, thu nhập bình quân năm 2010 đạt 94,9 triệu đồng/hộ, tăng gấp 2,6 lần; khu vực nông thôn đạt 55,3 triệu đồng/hộ, tăng gấp 2 lần so với năm 2006.

Mức độ phân hóa giàu, nghèo thể hiện qua thu nhập cá nhân. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người đạt 1,3 triệu đồng/tháng, tăng 2,1 lần so với năm 2006, tăng bình quân 22%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010. Trong đó, ở khu vực thành thị, thu nhập bình quân năm 2010 đạt 1,9 triệu đồng/người/tháng; trong khi đó thu nhập của khu vực nông thôn chỉ đạt 1,2 triệu đồng/người/ tháng.

Mức độ phân hóa giàu, nghèo chia theo nhóm thu nhập. Nhóm 1 là nhóm có thu nhập thấp nhất và nhóm 5 là nhóm có thu nhập cao nhất. Mức thu nhập của 2 nhóm này có một khoảng cách quá xa và sự cách biệt này ngày càng rộng hơn.

Cụ thể, năm 2006, thu nhập bình quân của nhóm 1 đạt 213.000 đồng và tăng lên 432.000 đồng/người/tháng vào năm 2010 (tăng gấp 2 lần so với năm 2006). Trong khi đó, nhóm 5 từ 1,3 triệu đồng tăng lên gần 3 triệu đồng/người/tháng (tăng gấp 2,2 lần).

Qua đó cho thấy, nhóm 1 là nhóm luôn có mức thu nhập bình quân đầu người thấp nhất qua các năm và có tốc độ tăng thu nhập cũng thấp nhất, đã làm cho khoảng cách phân hóa giàu, nghèo trong cộng đồng dân cư mỗi ngày một xa hơn.

Cũng từ việc phân chia thu nhập bình quân đầu người/tháng theo 5 nhóm thu nhập đã cho ta thấy có khoảng 20% dân số thuộc nhóm hộ nghèo (vì năm 2006 chuẩn nghèo khu vực thành thị là 250 ngàn đồng/người/tháng, ở nông thôn là 200 ngàn đồng; năm 2010 chuẩn nghèo thành thị là 500 ngàn đồng/người/tháng, còn ở nông thôn 400 ngàn đồng/người/tháng).

Thông thường, khi thu nhập càng cao thì quỹ chi tiêu của các hộ gia đình càng tăng lên, người dân sẽ có điều kiện đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe… cho các thành viên trong gia đình. Chi tiêu cho đời sống năm 2010 của nhóm hộ giàu nhất cao gấp 4,7 lần so với nhóm hộ nghèo nhất; khu vực thành thị gấp 2,4 lần so với khu vực nông thôn...

GIẢI PHÁP KÉO GẦN KHOẢNG CÁCH GIÀU, NGHÈO

Để thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập và mức sống giữa các vùng, khu vực trong thời gian tới, cần tập trung làm tốt các công việc sau:

1. Phải có chính sách bảo hiểm nông nghiệp để tăng khả năng chống đỡ rủi ro cho nông dân. Vì hiện tại, các hộ càng nghèo càng phụ thuộc rất nhiều vào nông nghiệp, mà hiện nay ngành Nông nghiệp còn phải chịu khá nhiều rủi ro, đặc biệt là về thời tiết, giá cả về cây - con giống, phân bón… biến động mạnh, trong khi thu nhập từ nông nghiệp có dấu hiệu giảm, nên đòi hỏi nhà làm chính sách cần có biện pháp can thiệp ngay để tránh tình trạng bần cùng hóa một bộ phận nông dân.

2. Cần quan tâm hơn nữa việc mở rộng hoạt động dạy nghề cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, lao động thất nghiệp, lao động thiếu việc làm, hỗ trợ cho vay để học nghề, tạo việc làm…

Đồng thời, cần phải xác định chính xác đối tượng cần đào tạo và cần phải đánh giá nghiêm túc chất lượng dạy nghề các năm qua... để chuẩn bị nguồn nhân lực cho sự phát triển của lĩnh vực phi nông nghiệp nói chung, ngành Công nghiệp nói riêng.

Đây cũng là một nhiệm vụ cấp bách, để làm sao tạo việc làm cho nông dân tại chính nông thôn với các dự án chế biến nông sản thực phẩm... Tránh để tình trạng lực lượng lao động chưa được đào tạo phải di cư ra khu vực thành thị tìm việc làm trong khi thiếu kiến thức, năng lực, dẫn đến không tìm được việc hoặc chỉ làm việc có tính chất mùa vụ.

Mặt khác, cần khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân ở nông thôn, coi đây là lực lượng chủ lực để đẩy mạnh quá trình phát triển nông thôn theo hướng dùng nhiều lao động trong giai đoạn tới.

3. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách bảo đảm an sinh xã hội như hỗ trợ cho các gia đình chính sách, người dân vùng khó khăn, vùng bị thiên tai. Quan tâm phân loại hộ nghèo, xác định các nhóm đối tượng để ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đối với những gia đình không có tư liệu sản xuất, chưa có việc làm thì ưu tiên hỗ trợ để họ có công ăn việc làm, tạo thu nhập ổn định. Quan tâm giáo dục kiến thức làm ăn và vận động hộ nghèo thực hiện kế hoạch hóa gia đình… để sớm thoát nghèo bền vững.

4. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển vùng theo nguyên tắc xác định các hướng sản xuất - kinh doanh trên cơ sở lợi thế so sánh của vùng. Trên cơ sở đó, có các giải pháp, định hướng phát triển mang tính chiến lược nhằm tạo lập các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn cho các vùng, địa phương.

Cần đặc biệt chú trọng đến việc định hướng cơ cấu sản phẩm ở các vùng có lợi thế đặc biệt như nuôi trồng thủy sản, chuyên lúa, rau màu, trái cây… Vì đây là giải pháp có liên quan trực tiếp đến việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cũng như việc tạo ra sản phẩm có khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước.

5. Đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó đặc biệt chú trọng đến hệ thống giao thông nông thôn. Vì hiện nay, người nông dân phải trả chi phí rất cao để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm do các điều kiện hạ tầng cơ sở yếu kém.

NGUYỄN THÀNH LONG
(Cục Thống kê Tiền Giang)

.
.
.