Mỗi năm gần 6.000 vụ tai nạn lao động
Sáng 8-12, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đã tổ chức hội nghị tổng kết 18 năm thi hành pháp luật an toàn, vệ sinh lao động và định hướng triển khai đến năm 2020.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Bùi Hồng Lĩnh, tai nạn lao động ở nước ta trong những năm qua có chiều hướng tăng. Trong đó, bình quân giai đoạn 2001-2012, mỗi năm đã xảy ra tới gần 6.000 vụ tai nạn lao động, làm hơn 6.000 người bị nạn, trong đó có 500 vụ tai nạn gây chết người với hơn 600 người lao động bị thiệt mạng.
Một vụ tai nạn lao động nguyên nhân do mất an toàn về điện. Ảnh: laodong.com.vn |
Điển hình là các vụ tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ năm 2008 làm 53 người chết, vụ tai nạn lao động cháy nổ khí mê tan tại mỏ than Mạo Khê (Quảng Ninh) năm 1999 làm 19 người chết, 12 người bị thương; vụ tai nạn sập mỏ đá D3 công trình thủy điện Bản Vẽ, Nghệ An năm 2007 làm 18 người chết và gần đây nhất là vụ tai nạn lao động do nổ xe bồn chứa gas tại KCN Bắc Ninh làm 47 người bị thương vào ngày 5-12-2012.
Tuy nhiên, số liệu thống kê tại các bệnh viện, cơ sở y tế về số người nhập viện do tai nạn lao động thường nhiều gấp ba lần số liệu được báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, cụ thể mỗi năm có tới 1.700 người lao động bị thiệt mạng do tai nạn lao động gây ra.
Trong đó, các vụ tai nạn lao động đang xảy ra ở cả loại hình doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu là sản xuất các loại vật liệu xây dựng, cơ khí, điện, khai thác mỏ… do phần lớn các thiết bị đều cũ, lạc hậu, mua lại nên chưa thực sự coi trọng công tác bảo hộ lao động.
Tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc các lĩnh vực như thăm dò, khai thác dầu khí, chế tạo và lắp ráp ô tô, xe máy, hàng điện tử… mặc dù tổ chức sản xuất trên cơ sở công nghệ mới, kỹ thuật hiện đại nên điều kiện lao động được cải thiện, song chỉ được đáp ứng tại các liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có mức vốn đầu tư lớn, được thẩm định kỹ về mọi mặt trước khi được cấp giấy phép và được thanh tra, kiểm tra ngay từ khi tiến hành xây dựng, hoặc những doanh nghiệp có mục tiêu làm ăn dài hạn tại Việt Nam.
Còn những doanh nghiệp hoặc liên doanh có vốn đầu tư ít, năng lực sản xuất thấp, thuộc các lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến và xây dựng công nghiệp thì tình hình thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn vi phạm nghiêm trọng.
(Theo SGGP)