Nỗ lực vì mục tiêu bình đẳng giới trên lĩnh vực chính trị
Trong thời gian qua, việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết của Đảng như: Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới”, Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước” và các chính sách, pháp luật khác của Nhà nước đã tác động tích cực đến sự tham gia của phụ nữ vào tổ chức Đảng, các cơ quan dân cử, cơ quan Nhà nước các cấp.
Mặt khác, bản thân cán bộ nữ cũng đã nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, trách nhiệm trong tình hình mới nên đã tự tin, chủ động tham gia và nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Hiện nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp trong tỉnh là 801/4.885 nữ, tuy có nâng lên so với các nhiệm kỳ trước nhưng so với chỉ tiêu ở từng cấp vẫn chưa đạt.
Về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2011 - 2016 đạt 12,5%, so với nhiệm kỳ 2004 - 2011 giảm 9,72%. Về tỷ lệ nữ tham gia Hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp xã nhiệm kỳ 2011 - 2016 đều tăng hơn so với nhiệm kỳ trước, riêng cấp tỉnh giảm 0,51% so với nhiệm kỳ trước.
Về tỷ lệ nữ lãnh đạo ở cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội toàn tỉnh chiếm 24,87%, trong đó cấp tỉnh là 30,93%, cấp huyện là 18,82%.
Ngoài ra, trong năm 2012 đã có 723/2.123 nữ được kết nạp vào Đảng, chiếm tỷ lệ 34,05% so với tổng số kết nạp. Đối với khu vực quản lý hành chính Nhà nước, có 80/163 nữ được tuyển dụng; khu vực sự nghiệp có 205/325 nữ được xét tuyển.
Nữ được đào tạo chuyên môn sau đại học là 18/76. Thực hiện chính sách thu hút nhân tài, đã có 2/5 nữ và có 73/248 nữ được đào tạo đại học. Về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, đã có 30/136 nữ học cao cấp chính trị, 78/626 nữ học trung cấp chính trị và có 85/276 nữ tham dự bồi dưỡng kiến thức về quản lý Nhà nước…
Nhìn chung, trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới đã được các cấp, các ngành quan tâm, từng bước hạn chế và giảm dần tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Nổi bật nhất là trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ đảng viên không ngừng tăng lên về số lượng. Tỷ lệ nữ tham gia trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội ngày càng nhiều.
Kết quả thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới đã tác động rất lớn đến cách nghĩ của đại bộ phận chị em từ thành thị đến nông thôn. Số phụ nữ đạt học vị cao trong lĩnh vực khoa học, giáo dục và đào tạo và số phụ nữ đạt các danh hiệu thi đua ngày càng tăng.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Nhiều phụ nữ đã giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các sở, ngành cấp tỉnh, cấp huyện và trong các đơn vị sự nghiệp trong tỉnh. Vai trò đóng góp của lực lượng nữ trong các lĩnh vực đời sống xã hội ngày càng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, tỷ lệ nữ tham gia công tác trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội trên phạm vi toàn tỉnh cũng còn khiêm tốn, chưa đạt tỷ lệ phấn đấu. Nguyên nhân chính vẫn là do công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ nữ trong thời gian qua còn nhiều nơi làm chưa tốt; có cơ quan, đơn vị bị hụt hẫng, không có nguồn cán bộ kế thừa để thay thế, nhất là những ngành có nhiều cán bộ nữ.
Mặt khác, nhận thức và đánh giá của cấp ủy, chính quyền và một số đơn vị cơ sở về vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ, công chức nữ chưa đầy đủ, vẫn còn biểu hiện xem nhẹ phụ nữ và hiện tượng thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa chị em phụ nữ còn khá phổ biến, bản thân một số cán bộ nữ còn ràng buộc gia đình, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên, nên đã hạn chế việc đưa cán bộ nữ vào vị trí lãnh đạo, quản lý.
Trong thời gian tới, để đạt được các chỉ tiêu của mục tiêu: “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị” theo Quyết định 2351/QĐ-TTg ngày 24-12-2010 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 72/KH-UBND của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh chỉ đạo Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp huyện và xã trong tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức quan điểm về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ trong tình hình mới.
Thường xuyên quán triệt quan điểm, mục tiêu về công tác bình đẳng giới, công tác cán bộ nữ theo tinh thần nghị quyết của Đảng trong cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là đối với người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo các ngành để phụ nữ có nhiều cơ hội học tập, phấn đấu và giữ những vị trí quan trọng, có cơ hội đóng góp nhiều cho sự bình đẳng giới. Bồi dưỡng nâng cao nhận thức giới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ hoạch định chính sách.
Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, về vai trò, vị thế của phụ nữ, cán bộ nữ, gương các phụ nữ điển hình tiên tiến, tài năng. Chủ động quy hoạch nguồn cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là ở cấp cơ sở để tránh sự thiếu hụt về số lượng cán bộ nữ. Xây dựng quy hoạch cần phải gắn với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đề bạt cán bộ nữ.
Hàng năm tiến hành rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch về cán bộ nữ để đảm bảo chất lượng, tỷ lệ cơ cấu cán bộ nữ trong quy hoạch chung. Tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ tham dự các khóa đào tạo về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước và kiến thức chuyên môn cũng như việc tham gia hoạt động xã hội.
Thực hiện tốt công tác tạo nguồn cán bộ nữ, đảm bảo tỷ lệ nữ được tuyển dụng vào cơ quan, ban, ngành theo quy định. Quan tâm đến công tác phát triển đảng viên cho nữ đoàn viên trẻ ưu tú, vì đây là một trong những điều kiện cần thiết khi đưa vào cơ cấu cán bộ lãnh đạo, quản lý và chuẩn bị đưa đi đào tạo cán bộ nguồn.
Song song đó, tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất bổ sung và thực hiện tốt các chính sách nhằm phát triển đội ngũ cán bộ nữ.
CHÂU HẢO