Thứ Tư, 19/12/2012, 15:27 (GMT+7)
.

Phòng, chống bạo lực gia đình: Nhận diện & hành động

Năm 2012, các cơ quan chức năng trong  tỉnh đã phát hiện trên 1.000 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ), với nhiều biểu hiện khác nhau: Chồng ngược đãi, đánh đập vợ; cha mẹ ngược đãi, đánh đập con cái và ngược lại; anh em trong nhà chửi bới, đánh đập nhau…

Trong thực tế, con số này cao hơn nhiều, do nhiều gia đình sợ “xấu chàng hổ thiếp”… nên giữ kín không cho ai biết.

Nguyên nhân gây ra của tình trạng BLGĐ chính là quan niệm lạc hậu trong các tầng lớp nhân dân. Nguyên nhân trực tiếp là công tác tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới, về Luật Phòng, chống BLGĐ và các văn bản pháp luật khác về gia đình, trẻ em còn hạn chế và các chế tài xử lý chưa phù hợp. Người thực hiện BLGĐ thường là những người chồng sa vào các tệ nạn xã hội: Nát rượu, nghiện hút, gia trưởng, ngoại tình, ghen tuông…

Những người này thường thiếu suy nghĩ và không tỉnh táo khi xử sự các mâu thuẫn gia đình, những bức xúc trong cuộc sống hàng ngày.

Bên cạnh đó, thái độ dửng dưng, vô cảm, sống thiếu trách nhiệm, ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận người dân, xem chuyện BLGĐ là chuyện riêng của người khác nên khi thấy hành vi bạo lực xảy ra đã không can thiệp, không ngăn chặn. Mặt khác, đời sống kinh tế quá khó khăn, bế tắc… cũng là nguyên nhân dẫn tới BLGĐ.

BLGĐ không chỉ hủy hoại hạnh phúc gia đình, mà còn gây tổn thương về sức khỏe, tinh thần, tính mạng của nhiều người, nhất là phụ nữ, trẻ em... BLGĐ thường đưa đến cảnh “tan đàn xẻ nghé” và để lại hậu quả nặng nề cho xã hội.

Để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng BLGĐ; đồng thời thực hiện chức trách, ngành LĐ-TB&XH phối hợp với Hội LHPN, Sở VH-TT&DL cùng các ban, ngành, đoàn thể các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân & Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ.

Mặt khác, các ngành cũng đã phối hợp triển khai nhiều mô hình điểm về phòng, chống BLGĐ ở các huyện (thành, thị); tổ chức nhiều lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề, hội thi, hội thảo, tọa đàm, sáng tác tiểu phẩm tuyên truyền, tổ chức sinh hoạt lồng ghép các nội dung phòng, chống BLGĐ gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa, ấp (khu phố), xã (phường, thị trấn) văn hóa.

Nhiều mô hình “Cộng đồng tham gia phòng, chống BLGĐ” cũng đã được triển khai, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng về bình đẳng giới, về phòng, chống BLGĐ. Các huyện (thành, thị) cũng đã thiết lập mạng lưới hoạt động cơ sở, lồng ghép nội dung bình đẳng giới, phòng, chống BLGĐ vào các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các CLB “Nam giới không bạo hành”, “Người cha mẫu mực”, “Phụ nữ tự chủ”… được thành lập và hoạt động khá hiệu quả. Các lớp tập huấn, giao lưu văn nghệ, nói chuyện chuyên đề, thi tìm hiểu Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ... đã huy động được sự vào cuộc của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể các cấp.

Qua đó, giúp rèn luyện được kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng tư vấn nhằm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức, kiến thức của người dân, bổ sung các chế tài liên quan đến Luật Phòng, chống BLGĐ, giúp cho việc xem xét và thẩm định chất lượng gia đình văn hóa đúng với yêu cầu và tiêu chuẩn đề ra.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ, trong thời gian tới cần: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đây là biện pháp chủ yếu để nâng cao ý thức tự giác của người dân đối với việc chấp hành pháp luật liên quan đến gia đình.

Cần phát huy truyền thống tốt đẹp “kính trên, nhường dưới”, “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “lá lành đùm lá rách”...; đồng thời ngăn chặn kịp thời và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của BLGĐ, trang bị cho họ một số kiến thức về học vấn, nghề nghiệp, ý thức vươn lên làm chủ bản thân, kiến thức giữ gìn hạnh phúc gia đình và nuôi dạy con cái.

Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh, đưa các tiêu chí không có BLGĐ lồng ghép vào các tiêu chí khác để công nhận gia đình văn hóa, ấp (khu phố), xã (phường, thị trấn) văn hóa. Xử lý nghiêm người có hành vi BLGĐ theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện việc lồng ghép Chương trình Phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới vào trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt là tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và  sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong việc thực hiện phòng, chống BLGĐ và bình đẳng giới.      

CHÂU NGUYÊN

.
.
.