Trung tâm DS-KHHGĐ Chợ Gạo: Ứng dụng có hiệu quả “phần mềm”
Liên tục cập nhật bổ sung dữ liệu dân cư, qua đó nắm bắt được tình hình biến động dân số, đề ra các hoạt động phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dân số. Đó là mặt mạnh của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS- KHHGĐ) huyện Chợ Gạo.
Huyện Chợ Gạo có 19 xã (thị trấn), với 135 ấp. Do đơn vị trên địa bàn khá nhiều và dân số khá đông nên việc quản lý dân cư đối với Trung tâm DS-KHHGĐ huyện là cả một thách thức lớn. Tuy nhiên, nhiều năm qua Trung tâm đã quản lý số lượng dân cư khá tốt.
“Số người sinh - tử, đi - đến và các biến động trong dân được Trung tâm cập nhật liên tục với độ chính xác đến 99%”- chị Lê Thị Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện khẳng định.
Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, cán bộ Phòng Truyền thông Dân số Trạm Y tế xã Bình Phan cập nhật số liệu dân cư trong tháng. |
Theo chị Tuyết, để có được kết quả này, từ năm 2010 Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã tiến hành tổng điều tra các dữ liệu và tổ chức quản lý bằng phần mềm MIS2009H. Cái hay của phần mềm này là đảm bảo các con số được cập nhật liên tục, tránh sai sót, nhằm hoàn thiện thông tin quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ.
Các số liệu cơ bản của kho dữ liệu điện tử (MIS) liên quan đến việc quản lý dân cư với nhiều khía cạnh: Tên các thành viên trong hộ, quan hệ với chủ hộ, giới tính, ngày sinh, độ tuổi, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tình trạng hôn nhân, tình trạng cư trú, tình trạng tàn tật, theo dõi sử dụng các biện pháp tránh thai, theo dõi các thay đổi (sinh - tử, chuyển đi - chuyển đến, bà mẹ mang thai), thay đổi các thông tin cơ bản (kết hôn, ly hôn, đi làm ăn xa)…
Hiện tại, khoảng 80% cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ các xã, thị trấn của huyện Chợ Gạo sử dụng thành thạo phần mềm này. Theo chị Nguyễn Thị Bích Thủy, cán bộ Phòng Truyền thông dân số - Trạm Y tế xã Bình Phan, để quản lý tốt dữ liệu dân cư, điều cần nhất là đội ngũ cộng tác viên (CTV) phải nhiệt tình và có nhiều kinh nghiệm nắm bắt tình hình biến động dân cư.
Lực lượng này còn hỗ trợ hiệu quả trong việc tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đối tượng trong diện tuổi sinh đẻ. Bình Phan hiện có 13 CTV dân số, có trách nhiệm nắm bắt toàn bộ những biến động hàng tháng trên địa bàn mình phụ trách và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện chính sách DS-KHHGĐ cho đối tượng trong diện tuổi sinh đẻ.
Thời gian qua, các xã, thị trấn của huyện Chợ Gạo cập nhật dữ liệu dân cư gắn với đẩy mạnh công tác truyền thông DS-KHHGĐ. Căn cứ vào số lượng dân cư, Trung tâm tổ chức các buổi tuyên truyền, giúp chị em biết cách chăm sóc SKSS, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời; theo dõi số lượng phụ nữ mang thai để tổ chức tốt hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh; theo dõi và nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính thai nhi, giúp giảm việc mất cân bằng giới tính; giảm thiểu tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn huyện…
Trong năm qua, huyện đã vận động các cặp vợ chồng thực hiện 4 biện pháp tránh thai hiện đại tăng 0,68%; 1.156 phụ nữ được khám bệnh phụ khoa và tiến hành điều trị cho những phụ nữ có bệnh (chiếm 54,84% tổng số phụ nữ được khám).
Hiện nay, huyện có 88/135 ấp không có người sinh con thứ 3; việc mất cân bằng giới tính cũng giảm dần… Chị Lê Thị Tuyết cho rằng, việc quản lý tốt dữ liệu dân cư chính là cái nền để các hoạt động DS-KHHGĐ ngày một tốt hơn nhằm nâng cao chất lượng dân số.
Hiện tại, huyện vẫn còn một số khó khăn như: Đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên DS-KHHGĐ ở cơ sở có nhiều biến động, trình độ không đồng đều, kinh phí hoạt động còn thấp…, sẽ có biện pháp khắc phục để tiếp tục nâng chất hoạt động DS-KHHGĐ trong thời gian tới.
MINH CHÂU