Lương y Nguyễn Hữu Ý: Hết lòng vì bệnh nhân nghèo
Ông Nguyễn Hữu Ý (tên thường gọi là ông Tám Hoài, sinh năm 1947) ngụ ấp Hòa Bình, xã Hòa Tịnh (huyện Chợ Gạo) là một Lương y với tay nghề khá, thân chủ đến trị bệnh ngày càng đông, nhưng với tâm niệm cứu người nên ông bốc thuốc hoàn toàn miễn phí.
Xuất thân từ gia đình khá giả. Thân sinh là thầy thuốc giỏi nổi tiếng, chính vì lẽ đó ông được cha truyền lại những “bí quyết” trong nghề, nhất là bắt mạch, kê toa.
Năm 1972, ông tốt nghiệp Cử nhân Luật. Song, lúc ấy gia đình lại bối rối vì thân sinh ông mất, anh em có gia đình riêng tư, nên ông đành phải ở nhà phụ mẹ trông coi ruộng nương.
Sau giải phóng, ông bắt đầu sự nghiệp “Cha truyền con nối”, hốt thuốc tại nhà. Từ tiếng thơm qua 2 đời ông nội và cha là thầy thuốc giỏi nổi tiếng, nên bệnh nhân đến xem mạch, bốc thuốc ngày càng đông.
Đến năm 1999, ông được mời hợp tác với Trạm Y tế xã, mở Phòng chẩn trị Đông y. Mỗi tuần làm việc tại trạm 1 lần vào ngày thứ hai. Sau đó do yêu cầu của công việc, đến năm 2004 tăng thêm ngày thứ sáu.
Ông phấn khởi cho biết: Trạm hiện có 20 người đến phụ bốc thuốc (2 ngày một tuần), tham gia tự nguyện không thù lao. Nhờ đó mới giải quyết nổi công việc bốc thuốc cho bệnh nhân (mỗi ngày có vài trăm người đến xem mạch bốc thuốc, bốc ít nhất 1.500 thang, nhiều nhất trên 2.000 thang), nhưng tất cả đều miễn phí.
Hỏi về nguồn nguyên liệu, ông Tám vui vẻ cho biết : Hiện trong tổ sưu tầm cây thuốc Nam có 10 người, 1 năm đi rừng Bình Thuận 1 lần, chặt cây Kim Luông (1 tấn cây tươi =300 kg khô), chi phí khoảng 6-7 triệu đồng, do Ông Huỳnh Ngọc Vũ, ngụ xã Mỹ Tịnh An ủng hộ (hàng năm). Ngoài việc ủng hộ trên, ông Vũ còn tham gia phụ giúp bốc thuốc Nam.
Và có 2 nhóm, khoảng 10 người đi tìm dược liệu, mang về chặt phơi bằng máy. Riêng anh Phạm Hồng Đức ngụ cùng ấp Hòa Bình, tự nguyện thuê khoảng 5 công ruộng trồng cây cỏ xước phục vụ tổ thuốc Nam. Ngoài ra còn một số nhà hảo tâm đã từng trị bệnh tại đây tự kiếm dược liệu mang đến.
Nhờ lâu năm, kinh nghiệm, Ông Tám có nhiều bài thuốc gia truyền, trong đó có 2 bài mà ông đắc ý nhất. Đó là bài “Điều kinh bổ huyết” dạng thuốc tể, trị suy nhược, thiếu máu, điều hòa kinh nguyệt phụ nữ và bài thuốc trị kinh phong, đã trị được nhiều người khỏi.
Chị Nguyễn Thị Hai vui vẻ nói: Dù mệt nhưng “tụi tui” vẫn thấy vui, vì mình sắp xếp được công việc nhà để theo ông Tám làm điều thiện. Bởi ông Tám không nghĩ tới lợi danh, sống độc thân, chấp nhận làm cái nghề thầy thuốc để cứu người… chính vì cảm kích đó mà chị em chúng tôi tự nguyện đăng ký tham gia phụ việc bốc thuốc và đi sưu tầm cây thuốc Nam về chặt phơi bổ sung cho đầy tủ thuốc mà không hề tính thù lao.
ANH TUẤN