Thứ Tư, 02/01/2013, 15:19 (GMT+7)
.

Đường tới “nông thôn mới” còn lắm gập ghềnh!

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là BCĐ tỉnh), trong 2 năm  2011-2012 tỉnh đã đầu tư 78,5 tỷ đồng vào hạ tầng thiết yếu của 29 xã  điểm thuộc chương trình, trong đó năm thứ 2 thực hiện chương trình huy động được trên 52 tỷ đồng (vốn dân đóng góp 7,8 tỷ đồng). Tuy nhiên, thực tế cho thấy số tiền này như muối bỏ biển nếu so nhu cầu đầu tư mỗi xã vài trăm tỷ đồng để “lên” được NTM theo đề án được duyệt.

Một tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Hậu Mỹ Phú (Cái Bè)  được xây dựng theo chuẩn nông thôn mới. 	                                                                                                                   Ảnh: N.V
Một tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Hậu Mỹ Phú (Cái Bè) được xây dựng theo chuẩn nông thôn mới. Ảnh: N.V

 CHẤT LƯỢNG ĐỒ ÁN VÀ ĐỀ ÁN CHƯA CAO

Theo Sở NN&PTNT (cơ quan Thường trực BCĐ tỉnh), đến nay toàn tỉnh chỉ mới có 23 xã có đồ án quy hoạch được duyệt, 13 xã chờ thẩm định và 100 xã đang hợp đồng với đơn vị tư vấn. Qua kiểm tra cho thấy một số đồ án quy hoạch chưa đạt chất lượng, thiếu việc lấy ý kiến của dân khi đồ án hoàn thành, thậm chí có xã làm còn hình thức, khoán trắng đơn vị tư vấn tự đi điều tra, khảo sát hiện trạng mà thiếu theo dõi, kiểm tra.

Điều này dẫn đến có đơn vị tư vấn lúng túng (nhất là trong nội dung quy hoạch chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp), có đơn vị làm còn sơ sài, qua loa, chưa sát thực tế, thậm chí một số đơn vị tư vấn lập quy hoạch không tổ chức đi điều tra, khảo sát thực địa để đánh giá hiện trạng mà chỉ thống kê và sử dụng số liệu thô do chủ đầu tư (xã) cung cấp nên chưa phản ánh đúng hiện trạng nông thôn trên địa bàn.

Cùng với đó là sự quan tâm đóng góp của các ban, ngành, đoàn thể xã vào đồ án chưa sâu, nhiều đồ án quy hoạch do áp lực thời gian nên có trường hợp xã chưa lấy ý kiến của thành viên Tổ giúp việc của BCĐ huyện mà đã đưa ra trình Hội đồng thẩm định huyện nên dẫn tới nhiều nội dung, số liệu trong đồ án phải sửa tới sửa lui dẫn đến chậm tiến độ…

Một khó khăn khác cũng phát sinh trong thực tế là một số xã chỉ mới được phê duyệt quy hoạch chung, còn thiếu cơ sở để cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng; kinh phí khoán 150 triệu đồng/xã đã sử dụng hết cho việc lập đồ án nên các công việc tiếp theo chưa có nguồn thực hiện.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Trọng Khanh, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc - Quy hoạch tỉnh thì nhiều huyện chưa điều chỉnh xong quy hoạch sản xuất (quy hoạch ngành) và hạ tầng kỹ thuật, do đó thiếu căn cứ cho các đơn vị tư vấn nghiên cứu đưa vào đề xuất quy hoạch kết nối theo ngành và theo vùng liên xã…

Về đề án xây dựng NTM thì có khá hơn, hiện đã có 29 xã có đề án được duyệt, 3 xã đang thẩm định, 8 xã chờ thẩm định. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy nội dung đề án vẫn nặng về phát triển cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng các tiêu chí khác như: phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giải quyết vấn đề môi trường, văn hóa…

Đặc biệt, các mục tiêu đề ra với nhu cầu đầu tư hàng trăm tỷ đồng mỗi xã nhưng nhiều đề án lại không đưa ra được nguồn lực đảm bảo và lộ trình thực hiện thích hợp với cơ chế huy động nội lực của chủ thể là người dân, phần lớn đề án chỉ trông chờ vào ngân sách, giải pháp huy động vốn khác lại thiếu tính thực tiễn nên chủ đầu tư lẫn cơ quan cấp huyện cũng lúng túng trong tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế là nhu cầu đầu tư của xã không chỉ đơn thuần “phóng” cho to để tranh thủ vốn, mà thực chất đây cũng là khó khăn của tỉnh với đặc trưng của vùng đồng bằng Nam bộ. Cụ thể là nhiều xã thuộc vùng sâu, xa có nền đất yếu, mạng lưới kinh rạch chằng chịt, lũ lụt thường xuyên xảy ra và thiếu vật liệu xây dựng tại chỗ nên khó khăn trong việc xây dựng và bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đạt chuẩn theo quy định của Bộ Tiêu chí quốc gia về NTM. Từ đó, đặt ra cho từng xã “buộc” phải có nhu cầu vốn cao ngất ngưởng.

Báo cáo của BCĐ tỉnh cũng nhìn nhận rằng, một trong những nguyên nhân  chủ quan dẫn tới chất lượng đề án chưa cao và khó cả trong việc huy động nguồn lực là khâu tuyên truyền, vận động xây dựng NTM chưa đạt yêu cầu. Nhiều xã coi việc này là của “nhà nước cấp trên”, sẽ có cấp trên lo, do vậy các công việc xây dựng đồ án quy hoạch và đề án xây dựng NTM xã đều khoán trắng cho đơn vị tư vấn “tự biên tự diễn”.

Trong khi đó cấp huyện lại thiếu kiểm tra, đôn đốc và hỗ trợ xã kịp thời. Vấn đề này cũng có nguyên nhân là do cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở các cấp, nhất là cấp huyện và xã còn thiếu, không có “biên chế chuyên trách” mà chủ yếu là sử dụng cán bộ kiêm nhiệm, đôi lúc vì áp lực quá tải công việc nên công tác cập nhật thực trạng, báo cáo tiến độ không được thực hiện ở cấp xã đã làm ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo chung của huyện và tỉnh…

Bên cạnh đó, xét về nguyên nhân khách quan thì do Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM là một chương trình mới, được triển khai trên địa bàn nông thôn và có liên quan rất nhiều ngành, nhưng việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của bộ, ngành Trung ương chưa đồng bộ, kịp thời, nhất quán nên BCĐ các cấp gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện chương trình.

Mặt khác, nhu cầu kinh phí thực hiện rất lớn, vượt tầm cân đối ngân sách của tỉnh, kinh phí hỗ trợ từ Trung ương cũng hạn chế trong khi nguồn lực từ nhân dân và cộng đồng giữ vai trò quyết định, nhưng việc huy động cũng không dễ dàng…

Qua khảo sát 10 xã điểm được đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh thì mới có 5 xã đạt từ 9 đến 13 tiêu chí; 5 xã chỉ đạt từ 3 đến 6 tiêu chí - rõ ràng 5 xã này rất khó trong 3 năm còn lại của nhiệm kỳ (kết thúc vào năm 2015). Do vậy, để đi đến đích 19 tiêu chí, cần sự nỗ lực và quyết tâm rất cao của toàn hệ thống chính trị cùng vào cuộc cho mục tiêu này!

CẦN CÓ VAI TRÒ PHẢN BIỆN ĐỀ ÁN

Để có thể đi nhanh hơn trong tiến trình xây dựng NTM, theo lãnh đạo Sở NN&PTNT (cơ quan Thường trực BCĐ tỉnh) phải tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ BCĐ huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thuyết phục để cho cán bộ xã, cả người dân hiểu đúng, hiểu đủ và hiểu rõ lợi ích của việc xây dựng NTM, từ đó hoàn toàn “tự nguyện, tự giác” tham gia, xem việc chung của ấp, xã như việc của gia đình mình.

Đồng thời quán triệt cho chính quyền xã phương châm, tiêu chí nào dễ đạt, ít cần vốn thì làm trước, làm ngay, tiêu chí nào cần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” thì họp dân cùng bàn để cả cộng đồng cùng xắn tay áo vào cuộc; phân công cụ thể phần việc tư vấn phải làm như lập kế hoạch, đề cương, xây dựng và hướng dẫn biểu số liệu khảo sát, điều tra, vẽ bản đồ, viết thuyết minh và công việc của Ban quản lý xã phải trực tiếp làm như: khảo sát, đo đạc, tổ chức lấy ý kiến dân để có sự phối hợp đồng bộ…

Song song đó, một biện pháp quan trọng khác nhằm nâng cao chất lượng và tính khả thi của đề án NTM chính là phải có hoạt động phản biện.

Theo đề nghị của cơ quan Thường trực BCĐ tỉnh thì phải có Tổ tư vấn phản biện bao gồm các ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, NN&PTNT… tổ này sẽ nghe báo cáo mẫu về trình tự, nội dung, cách thức tổ chức thẩm định, phê duyệt của cấp huyện và kết quả thực hiện đồ án quy hoạch, đề án xây dựng NTM ở một số xã (nhất là cách thức huy động nguồn lực, kể cả nguồn lực đất đai và nguồn lực trong dân) để từ đó góp ý, phản biện, rút kinh nghiệm, tập huấn,nhân rộng cho cả đơn vị tư vấn và bộ phận tham mưu thẩm định, phê duyệt… Có như vậy mới thật sự nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch và đề án xây dựng NTM, tạo tính khả thi cao và lộ trình rõ ràng trong tổ chức thực hiện. 

                QUỐC ANH

.
.
.