Hội Đông y tỉnh: Quan tâm khám, chữa bệnh từ thiện cho bệnh nhân nghèo
Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, trong những năm qua, ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn cho các hội viên, Hội Đông y tỉnh còn đặc biệt quan tâm đến công tác khám, chữa bệnh từ thiện cho bệnh nhân nghèo, gia đình chính sách, người có công bằng Đông y...
Đồng hành cùng bệnh nhân nghèo
Hội Đông y tỉnh hiện có 1.700 hội viên ở các huyện, thành, thị tất cả cùng nhau đoàn kết thực hiện tốt công tác chăm sóc, khám chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh và ngoài tỉnh bằng Y học cổ truyền dân tộc... Trong 5 năm qua, Hội đã khám, chữa bệnh cho 55.610.314 lượt người, số thang thuốc sử dụng trên 98.201.844 thang, số dược liệu sử dụng là 26.847.446kg. Trong đó điều trị miễn phí trên 6.270.501 lượt người. Tổng số tiền khám, chữa, hốt thuốc miễn phí trên 32 tỷ đồng.
UBND tỉnh trao bức trướng cho Hội Đông y tỉnh. |
Toàn tỉnh hiện có trên 317 phòng chẩn trị YHCT tập thể, tư nhân, các cơ sở kinh doanh đông dược, phòng chẩn trị YHCT trong các trạm y tế… Đặc biệt, trong đó có 47 cơ sở điều trị miễn phí.
Bác sĩ Trịnh Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội Đông Y tỉnh cho biết: “Tổ chức khám chữa bệnh từ thiện của các cấp Hội trong tỉnh ở các phòng chẩn trị, các chùa, tịnh xá… đã có truyền thống và trở thành phong trào thường xuyên của cán bộ hội viên. Bằng tấm lòng hảo tâm, tương thân tương ái của các lương y, hội viên đã sử dụng nhiều phương pháp chữa bệnh dùng thuốc và không dùng thuốc cho nhân dân ngày càng có kết quả. Đây là việc làm mang truyền thống tốt đẹp của nền Đông y Việt Nam và góp phần vào chương trình giảm nghèo của tỉnh một cách thiết thực”.
Không vì khám chữa bệnh miễn phí mà các lương y, bác sĩ ở các phòng khám miễn phí làm việc một cách qua loa, ngược lại họ luôn tận tâm với bệnh nhân, nêu cao y đức của người thầy thuốc. Điều đáng nói ở đây là tất cả chi phí cho việc khám chữa bệnh cũng như cấp thuốc cho bệnh nhân nghèo đều do các hội viên tự nguyện đóng góp. Các cấp Hội còn tích cực vận động thầy thuốc cùng các hội viên và nhân dân tham gia các chương trình an sinh xã hội ở địa phương như xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, phòng chống tệ nạn xã hội..
Ban chấp hành Hội Đông y tỉnh nhiệm kỳ 2012-2017. |
Những việc làm đó không chỉ mang lại niềm vui cho các lương y, hội viên mà những bệnh nhân nghèo là người trực tiếp được hưởng lợi. Bà Nguyễn Thị Nga (60 tuổi), ở phường 7 cho biết: “Hơn 10 năm nay tôi sống chung với căn bệnh đau khớp triền miên, tôi đã đến phòng chẩn trị YHCT số 1, TP. Mỹ Tho, được khám và hốt thuốc. Mấy tháng nay, bệnh đau khớp của tôi đã giảm rõ rệt. Còn chú Nguyễn Thanh Hoàng (55 tuổi), ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo thì bị tai biến. Chú Hoàng cho biết: “Chỉ châm cứu miễn phí ở chùa Linh Sơn, xã An Thạnh Thuỷ chưa đầy 1 tháng mà chú đã có thể đi lại bình thường”.
Nâng cao trình độ chuyên môn
Không chỉ chú trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, mà nhiều năm qua, Hội không ngừng củng cố, kiện toàn tổ chức từ tỉnh đến cơ sở. Trong nhiệm kỳ qua đã mở 7 lớp bồi dưỡng chuyên môn cho hội viên như: Đông y cơ sở, xoa bóp châm cứu dưỡng sinh, ấn bấm huyệt…; tập huấn bồi dưỡng chuyên môn về phòng trị sốt xuất huyết bằng YHCT, vô trùng trong châm cứu, biểu hiện lâm sàng của viêm ruột thừa, tiểu đường, cao huyết áp.
Hội đã tổ chức cho trên 1.400 lương y, hội viên tham gia các hội nghị khoa học kỹ thuật, giao lưu y học. Đồng thời, tổ chức cho các lương y, hội viên tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn, cập nhật thông tin chẩn đoán và điều trị kết hợp Đông Tây y, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho các lương y trong công tác khám chữa bệnh đạt hiệu quả.
Với các lương y tên tuổi như Việt Cúc, Huỳnh Văn Ngạn... đã để lại nhiều tập kế thừa kinh nghiệm, các phương pháp điều trị bệnh đạt hiệu quả, kết hợp nhuần nhuyễn các liệu pháp chữa bệnh như châm cứu, bấm huyệt, uống thuốc Đông, Tây y kết hợp. Từ đó, ứng dụng vào công tác khám chữa bệnh, Hội đã tạo được niềm tin cho người bệnh.
Bà Trịnh Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết thêm: “Các cấp Hội đã tích cực khôi phục lại các vườn thuốc nam, vận động lương y, hội viên biết trồng và sử dụng thuốc nam tại gia đình để điều trị một số bệnh thông thường theo phương châm “Thầy tại nhà, thuốc tại vườn”. Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã vận động trồng 414 vườn thuốc mẫu. Hàng năm cung cấp trên 50 tấn dược liệu cho các cơ sở sản xuất thuốc”.
Với sự nỗ lực vì sức khoẻ nhân dân, trong nhiệm kỳ qua, Hội Đông y tỉnh đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua xuất sắc của Trung ương Hội Đông y Việt Nam và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp trao tặng.
P. MAI