Lợi ích “kép” từ mô hình trợ vốn cho thanh niên nông thôn
Nằm ở phía Tây, cách trung tâm huyện Cai Lậy 4 km, xã Bình Phú có 11 ấp, với diện tích tự nhiên 1.876 ha, dân số 18.081 người. Trong đó có 5.265 thanh niên, đa số sống bằng nghề nông; có một số ít thanh niên không có đất canh tác hoặc thiếu vốn sản xuất phải đi làm tại các công ty, xí nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác.
Mô hình nuôi cá giống đang phát triển mạnh tại nông thôn huyện Cai Lậy (ảnh chì có tính chất minh họa). Ảnh: Vân Anh |
Thực tế cho thấy, phần lớn đoàn viên, thanh niên trong xã còn rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là thiếu việc làm, thiếu nguồn vốn đầu tư cho việc học, thiếu thông tin khoa học - kỹ thuật để áp dụng trong lao động sản xuất.
Từ chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhất là Chương trình hỗ trợ vốn cho đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, Ban Chấp hành Xã đoàn Bình Phú đã xác định công tác trợ vốn cho thanh niên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong chương trình, kế hoạch hoạt động của mình. Qua đó, nhằm góp phần giải quyết những khó khăn trước mắt cho đoàn viên, thanh niên; đồng thời tạo động lực thu hút thanh niên vào các tổ chức Đoàn, Hội.
Xã đoàn Bình Phú đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện lập 2 tổ tiết kiệm vay vốn cho 82 hộ vay tín chấp với các mô hình như: chăn nuôi heo, nuôi bò; hỗ trợ 52 hộ vay theo Chương trình Học sinh sinh viên cho 73 đoàn viên, thanh niên với tổng số vốn giải ngân là 1,08 tỷ đồng. Nhìn chung, thanh niên được vay vốn đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế gia đình và yên tâm học tập tốt.
Song song với việc trợ vốn, hàng năm Xã đoàn Bình Phú còn phối hợp với ngành Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông, Khuyến ngư huyện tổ chức từ 4 - 5 cuộc hội thảo chuyển giao khoa học - kỹ thuật về các chuyên đề như: chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc vườn cây ăn trái… cho hơn 120 lượt đoàn viên, thanh niên tham dự. Qua đó, nhằm giúp cho thanh niên nắm bắt kịp thời những tiến bộ KHKT để áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.
Thực tế cho thấy, thanh niên trong xã có nhu cầu rất lớn về vốn để sản xuất, nhưng nguồn vốn để đáp ứng thì rất hạn chế. Đây cũng chính là nỗi trăn trở của các cấp bộ Đoàn. Để khắc phục điều này, Xã đoàn Bình Phú đã tổ chức vận động xây dựng Quỹ nghề nghiệp việc làm với hình thức giúp vốn không tính lãi, đã được đông đảo thanh niên đồng tình hưởng ứng và đạt hiệu quả thiết thực.
Đến nay, xã đã tổ chức vận động và trao được 2 sổ tiết kiệm hỗ trợ nghề nghiệp việc làm cho 2 đoàn viên với tổng số tiền 10 triệu đồng. Mô hình trợ vốn và phong trào giúp nhau làm ăn ở xã Bình Phú đã có nhiều kết quả phấn khởi, giúp cho nhiều hộ thanh niên vượt lên thoát khỏi cuộc sống đói nghèo, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên khắm khá.
Công tác trợ vốn cho thanh niên sản xuất gắn với mô hình giúp nhau làm ăn trong thanh niên trên địa bàn xã Bình Phú không những đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực mà còn đáp ứng được nhu cầu của đa số thanh niên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; đồng thời làm giảm các tệ nạn xã hội trong thanh niên như: cờ bạc, rượu chè… tạo nên mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân, tương ái, gắn bó hơn.
Qua mô hình này Xã đoàn Bình Phú đã phát huy được vai trò của mình trong việc định hướng cho thanh niên trên con đường mưu sinh lập nghiệp, vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đó là một mô hình mang lại lợi ích “kép”.
LÊ PHƯỚC TÙNG