Cựu chiến binh cùng nhau vượt khó, thoát nghèo
Thời gian qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Tân Phú Đông đã có những việc làm thiết thực, phù hợp thực tế địa phương giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Qua đó, không chỉ giúp phong trào Hội ngày càng phát triển, còn tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
NHIỀU MÔ HÌNH THOÁT NGHÈO
Cựu chiến binh Phan Văn Thạch, ấp Tân Quí, xã Tân Thới đang chăm sóc vườn dừa trồng xen ca cao. |
Ông Trần Văn Mốt, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: “Tân Phú Đông là một huyện nghèo, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, quyết tâm xoá đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của huyện.
Hội CCB cũng không ngừng phấn đấu, phát triển và nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả giúp hội viên phát triển kinh tế, thoát nghèo”. Một trong những mô hình luôn mang lại cuộc sống ổn định cho người dân đó là mô hình vườn cây, ao cá.
Chỉ với mảnh vườn khô cằn, nhờ đôi bàn tay cần cù, chịu khó của người thương binh Phan Văn Thạch, ấp Tân Quí, xã Tân Thới mà 5 công đất trồng dừa xen ca cao luôn sai quả.
Chú Thạch chia sẻ: “Trong chuồng chú thả thêm vài con heo thịt. Thời gian rảnh thì chú đi giăng lưới thêm. Tuy không giàu có, nhưng cuộc sống ổn định, chú vừa sửa lại ngôi nhà và nuôi 2 con ăn học”.
Bên cạnh, CCB Tân Phú Đông còn mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình mới. Điển hình có mô hình nuôi trồng thuỷ sản ở xã Phú Tân cho hiệu quả cao. Các thành viên CCB đã cùng nhau thành lập câu lạc bộ nuôi trồng thuỷ sản do chú Võ Văn Bườm, Chi Hội trưởng ấp Cồn Cống làm Chủ nhiệm. CLB có 13 thành viên, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, sản xuất - kinh doanh với hàng chục ha nuôi tôm.
Mô hình nuôi ong của Hội CCB xã Tân Thới đang cho kết quả khả quan. Điển hình là gia đình chú Tăng Văn Hơn, ấp Tân Bình, xã Tân Thới với 100 thùng nuôi ong được chú đặt khắp vườn.
Chú Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội CCB xã Tân Thới cho biết: “Đây là mô hình mới bước đầu đem lại hiệu quả cao. Hội CCB xã đang triển khai cùng Hội CCB huyện nhân rộng mô hình nuôi ong cho hội viên và nhân dân trong huyện. Mô hình nuôi ong chi phí không cao, người dân có thể tự đóng thùng rồi đặt trong vườn. Với 100 thùng nuôi ong, mỗi tháng chú Hơn thu nhập từ 1 - 2 triệu đồng”.
Ông Trần Văn Mốt, tâm huyết: “Để phong trào của Hội ngày càng phát huy hiệu quả, thời gian tới Hội tiếp tục tập trung củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, nhất là Hội cơ sở. Phối hợp với các ngành xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, tìm ra các mô hình mới, làm ăn có hiệu quả để phổ biến, nhân rộng trong hội viên, trọng tâm là các mô hình vốn ít, dễ làm, phù hợp với từng vùng, địa phương”.
NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI
Song song với phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh, Hội CCB huyện Tân Phú Đông còn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau bằng việc xây dựng quỹ đồng đội, quỹ tình nghĩa, vốn xoay vòng giúp nhau không tính lãi, luân phiên cho hàng trăm lượt hội viên vay vốn sản xuất, giúp cây, con giống cho hội viên nghèo. Qua đó, đã tạo việc làm, cải thiện đời sống cho hội viên nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hội viên nghèo, trong năm đã có 8 hội viên thoát nghèo bền vững.
Với tinh thần đồng đội “nhường cơm, sẻ áo”, hội viên CCB toàn huyện đã vận động xây dựng 4 nhà đồng đội, 2 mái ấm công đoàn, 6 nhà 167; năm 2012, có 96 hội viên vay vốn sản xuất trên 1 tỷ đồng. Bên cạnh, Hội CCB các cấp còn là lực lượng chính, tích cực tham gia đóng góp tiền của, công sức xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần hoàn thành các tuyến đường, vận động nhân dân hiến đất làm đường, tham gia công tác hoà giải…
Ông Nguyễn Văn Hoa, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết, hơn 700 CCB Tân Phú Đông luôn phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau làm kinh tế, góp phần phát triển kinh tế địa phương, xứng đáng với phẩm chất anh “Bộ đội cụ Hồ” trong thời chiến, cũng như trong thời bình.
P. MAI