Thứ Ba, 12/02/2013, 08:06 (GMT+7)
.

Mâm cơm ngày Tết

Mâm cơm ngày Tết rất quan trọng, người ta phải ăn cho no nê để hy vọng suốt năm mới được no nê! Nhưng còn một ý nghĩa khác, cao cả hơn, đó là dâng cúng lên tổ tiên những thức ăn ngon nhất để ông bà hưởng trước, rồi sau đó, ông bà ban phước qua món ăn ấy cho con cháu.

Sum vầy. Ảnh Duy Nhựt
Sum vầy. Ảnh: Duy Nhựt

Vì vậy, món ăn trong ngày Tết có thể phân biệt:

- Món để cúng.

- Món để ăn no và món để ăn cho vui miệng.

Tết là lễ hội lớn nhất, bắt đầu từ gia đình, rồi sau đó sẽ chan hòa với thôn xóm, quà lễ hội ở đình miếu. Con cháu phải dâng lên tổ tiên những sản phẩm ngũ cốc, chăn nuôi cho ông bà yên lòng khi thấy con cháu không bỏ nghè nông “dĩ nông vi bản”! Bánh chưng, bánh dày chế biến với nếp, đậu, thịt heo, những thứ cơ bản của nông nghiệp.

Ở Trung bộ và Nam bộ bánh này thay đổi về hình thức ra thành đòn dài. Hai thứ bánh này là kiểu “lương khô”, để lâu không hư, có thể ăn ngay, không cần củi lửa lúc chèo xuồng, cũng như khi hành quân. Thêm vào đó có món thịt kho, dưa giá. Thịt kho cũng có thể để lâu ngày.

Như những món dưa chua - ở Bắc có dưa cải, ở Trung có dưa món. Khi kho thịt có thể thêm trứng vịt, cá cho thêm đậm đà, cũng là sản phẩm nông nghiệp. Cặp bánh chưng dâng cúng, trưng bày trang trọng nhiều ngày trên bàn thờ, lắm khi dán thêm miếng giấy hồng đơn màu đỏ là màu phước đức. Cũng là nông nghiệp với những trái cây, bông hoa tươi.

Bên cạnh bánh trái trưng bày, trưa ba mươi Tết, bày ra cơm cúng rước ông bà, với những món chế biến theo kiểu cổ truyền: thịt hầm măng tre, thường là giò heo, món xào, món thịt phay, thịt luộc thêm bì cuốn, nem. Ít ra đó cũng là những món ngon để hoài niệm ông bà, từ thế kỷ thứ XIX.

Chẳng ai biết rành ông bố, ông sơ mình hồi xưa thèm và thích món gì, nhưng những món cổ truyền vừa kể vẫn được phục hồi. Rượu đế cần thiết khi cúng, ông bà ngày xưa đâu biết uống rượu mạnh của Tây, cũng như bia bọt. Theo cổ lệ, tổ tiên là những người từ 5 thế hệ trước, không riêng gì cha mẹ mình. Nhiều người thận trọng cúng trầu cau, thuốc rê vì ông bà đâu biết “thuốc có cán”.

Theo nguyên tắc, phải nhớ cúng một mâm “đất đai”, còn gọi “đất đai viên trạch”, cúng những người quá cố đã từng cư ngụ trên nền nhà hiện tại của mình; viên là vườn, trạch là thổ trạch, tức là nền nhà. Lệ này của dân khẩn hoang từ Quảng Trị trở vào Nam. Mâm cơm cúng đất đai đơn giản, đặt trước cửa cái.

Ngày nay, nhà chật hẹp lắm khi không còn chỗ rộng rãi để đặt cái bàn thờ ông bà trong ba ngày Tết. Ngày nghỉ gần như không có, ai nấy bù đầu trước và sau Tết. Nhưng may thay đã có những “thực phẩm chế biến” giúp người nội trợ đỡ mệt nhọc. Song nên thận trọng, coi chừng thực phẩm hư, rau cải không sạch, nhiều thứ bánh mứt có hàn the, hóa chất nhuộm màu, nhất là với trẻ con.

Cúng ông bà nhằm sum họp gia đình, khi ăn, ai nấy vui vẻ thì mới ngon miệng. Bạn bè đến thăm, phần lớn vì thân tình, vì xã giao, ai nấy ăn uống lấy lệ, tượng trưng. Điều quan trọng là “bà nội trợ” nên tự tay pha chế một món, gọi là có trách nhiệm với ông bà, trân trọng bà con, bạn bè. Mùa Tết ở Nam bộ đâu lạnh lẽo, giá băng như ở bên Trung Hoa - là nơi vào mùa đông rau cỏ khó trồng, súc vật khó kiếm. Ta có thịt heo tươi, cá tươi, rau tươi, trứng vịt tươi.

Tết Quý Tỵ năm nay, ta ăn Tết lạc quan, huy hoàng, chan hòa niềm vui với người trong thôn xóm. Các nhà dân tộc học khẳng định mãi đến nay, qua lịch sử, tầng lớp nông dân có công khai sáng ra văn hóa ẩm thức có truyền thống cao đẹp vẹn toàn.

ĐÀO TĂNG

.
.
.