Thứ Tư, 20/02/2013, 13:18 (GMT+7)
.

Công Tạo bình thản ra đi…

Chiều mùng 7 Tết (16-2), con dâu anh điện thoại báo tin: “Chú ơi! Ba con mất hồi 1 giờ trưa, 7 giờ tối nay liệm, sáng mốt (mùng 9) an táng”. Nghe tin dữ mà bình thản thì quả là vô tâm, song thật tình tin anh Công Tạo ra đi đã dự báo trước bởi như chính anh bình thản “chiến đấu” với tử thần trước căn bệnh ung thư gan bộc phát chỉ phát hiện hơn tháng qua.

Anh vốn bình thản từ xưa đến nay nên khi nằm viện mấy mươi ngày mà vẫn căn dặn vợ con đừng cho ai hay. Đến khi anh viết xong truyện ngắn cuối cùng cho Báo Ấp Bắc Xuân Quý Tỵ - 2013, vẫn bình thản biểu con trai mang lên tòa soạn cùng lời dặn: “Gửi chú Đức Lập, nói với chú rằng ba cố gắng viết nổi truyện, nhưng  không viết nổi bài nhân Kỷ niệm 50 năm báo Đảng Tiền Giang mang tên Ấp Bắc”.

Công Tạo (hàng thứ hai  từ trái sang)  trong buổi mừng kỷ niệm 85 năm  gày Báo chí Cách mạng  Việt Nam  cùng với  mừng  nền nhà mới.
Công Tạo (hàng thứ hai từ trái sang) trong buổi mừng kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam cùng với mừng nền nhà mới.

Anh về nhà tịnh dưỡng, chấp nhận chiến đấu với căn bệnh bằng thuốc “may thầy phước chủ”. Hay tin, Trần Bửu, Tư Tấn, Hữu Chí, Đức Lập đến thăm anh trước ngày lễ kỷ niệm mấy hôm. Anh vẫn bình thản, thể xác có nhức buốt từng cơn, song lý trí thì tỉnh táo, sẵn sàng chờ ngày… ra đi.

Anh tươi cười nhắc về đồng chí, đồng đội cái thuở làm phóng viên từ chiến trường ác liệt Gò Công đến những chuyến đi thực tế trên vùng Cái Bè, Cai Lậy. Mọi người hàn huyên về Báo Ấp Bắc thời kháng chiến, về chuyện đời, chuyện tình của anh, của đồng đội và những trang viết làm nên cái tên Công Tạo. Với anh, khí chất xem cái chết tựa lông hồng chính là sự bình thản với những người chí cốt từ thời ác liệt đến lúc về nhà làm ruộng …

Anh tiếc, không có mặt dự Lễ Kỷ niệm 50 năm gặp lại người cũ, người mới, ôn chuyện xưa, nhắc chuyện nay. Nhưng không sao, hay tin anh bệnh nan y, đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp hỏi thăm qua điện thoại, đến thăm anh ở ngôi nhà “xeo xéo” trụ sở UBND xã Song Bình, huyện Chợ Gạo. Tất cả là cái tình trước lúc biết anh sắp đi xa…

Hôm 26 Tết lại đến thăm anh, dù bệnh tình tăng nặng, song anh vẫn kêu má thằng Tửng bắt con gà làm thịt đãi anh em…nhậu chơi. Mang đến trao anh chuyên san Kỷ niệm 50 năm Báo Ấp Bắc, Báo Xuân Quý Tỵ. Đó là các ấn bản có bài, truyện và hình ảnh của anh, về anh. Trong đó, có truyện ngắn cuối đời của anh “Buổi đền ơn cay đắng” và đăng lại bài “Chiếc áo trắng” kèm mấy dòng thông tin về bệnh tình của anh.

Đọc cho anh nghe trong tâm trạng bình thản đón nhận “xem như điếu văn” và xem như kỷ vật để anh mang theo lúc ra đi hoặc gia đình lưu giữ về người chồng, người cha có một thời là cây bút sáng giá của Báo Ấp Bắc, của văn nghệ Mỹ Tho - Gò Công - Tiền Giang. Điều này đã được ghi trong phần nói về báo chí văn nghệ thời chống Mỹ do những người biên soạn, xuất bản Bộ Lịch sử Kháng chiến Nam bộ nêu tên Công Tạo cùng với các cây bút Trần Bửu, Thái Phong…

Anh vẫn tươi cười đón nhận các ấn bản có tên mình, tác phẩm và hình ảnh về mình, dù lúc này khối u trên cổ anh đã tác oai, tác oái. Cùng mọi người, anh quả quyết: “Còn mấy ngày nữa sang năm Tỵ, chắc chắn thọ thêm một tuổi!”.

Công Tạo sống trên đời được 71 tuổi giấy tờ, 73 tuổi mụ. Anh thoát ly, tham gia cách mạng vào năm 1960 với kiến thức “đệ tứ” Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu. Công việc cách mạng chủ yếu của anh là hoạt động báo chí, văn nghệ. Ngay sau khóa học viết báo và sáng tác do Trung ương Cục tổ chức, anh đã có tác phẩm “Con gái Song Bình” được giải cùng với tác phẩm “Mùa sò quê tôi” của Vân Lam. Đó là hai cây bút sáng giá của Báo Ấp Bắc thời kháng chiến chống Mỹ cùng với các cây bút Tuấn Ngọc, Thái Phong, Trần Bửu…

Trong những lần trở lại chiến trường xưa, gặp lại đồng đội cũ, trò chuyện với lớp nối tiếp, Công Tạo luôn đắc ý câu “Nhuận bút trả bằng máu” bởi trong số cán bộ, phóng viên xuống Gò Công, nhiều người hy sinh khi tuổi đời, tuổi viết còn sung mãn.

Bẵng đi thời gian dài sau tuyên bố “gác bút”, Công Tạo viết trở lại với giọng văn sở trường bút ký, truyện ký và vẫn ưu ái viết riêng cho Báo Ấp Bắc. Từ “Cái lỗ mọi con con”, “Người đàn bà tuổi dần”, “Cô gái bán chè”… đến truyện ngắn cuối đời “Buổi đền ơn cay đắng”, chữ viết, trang viết, văn phong của Công Tạo không lẫn vào ai, với ai; rất mang phong cách Công Tạo mà rất đời, rất người - mộc mạc, chân chất, bình thản, ngồ ngộ, sâu lắng…

Anh Hữu Chí (thân sinh là Liệt sĩ Nguyễn Văn Sinh - Hồ Văn Thơm) có lần thắc mắc: “Không hiểu thằng Đức Lập nó “bùa phép” làm sao mà Chú Năm Công Tạo chịu viết lại?”. (Xin nói thêm: Thân sinh anh Chí hy sinh ở Bình Xuân - Gò Công, có sự chứng kiến của anh Công Tạo nên mối quan hệ giữa hai người như ruột rà). Là lớp hậu sinh, Đức Lập chỉ trả lời: “Anh Chí ơi! Đức Lập chỉ “khích bác” anh Công Tạo viết cho đời, viết cho người thế thôi!”. Khi đó, nhận nhuận bút anh Công Tạo lại nói: “Nhuận bút bây giờ tính bằng hàng chục giạ lúa…”.

Công Tạo cảm kích thằng em Đức Lập đã ra tận ruộng, chứng kiến anh Năm vác cái máy koler giữa cánh đồng Song Bình trong gió chướng phần phật thổi vào cái quần cụt ướt sũng, cái lưng trần sạm nắng mà thương anh, thương một con người… kỳ quặc (từ anh hay dùng).

Hình ảnh ấy, cách ứng xử ấy chính là “bùa phép” mà anh Công Tạo viết lại, lớn hơn là sợi dây kết nối anh “trở lại’ với anh em Báo Ấp Bắc. Từ “nhuận bút trả bằng máu” đến “nhuận bút trả bằng lúa” ví như hình ảnh sống động về làm báo, viết báo phải không đồng chí, đồng nghiệp?!

Đồng chí, bạn đọc ơi! Từ nay trên Báo Ấp Bắc, đặc biệt là chuyên san Kỷ niệm 30-4 và báo xuân ta không còn được đọc và chiêm nghiệm trang viết của Công Tạo. Xin bình thản báo tin và đón nhận như Công Tạo ra đi bình thản!

ĐỨC LẬP

.
.
.