Thứ Tư, 20/02/2013, 05:31 (GMT+7)
.

Hạn, mặn và ứng phó

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Tiền Giang, tình hình xâm nhập mặn trên sông Tiền vào mùa khô năm nay có khả năng cao hơn năm rồi và lấn sâu vào nội đồng. Biên độ mặn đạt 2g/l có khả năng xâm nhập đến khu vực Đồng Tâm (Châu Thành). Nếu không có giải pháp kịp thời, tình trạng thiếu nước ngọt sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

TÍCH TRỮ NƯỚC CHO SẢN XUẤT

Từ giáp Tết Nguyên đán đến nay, gió đông bắc thổi mạnh, nước biển lấn sâu vào các cửa sông. Phần lớn các cống ngăn mặn ở vùng Ngọt hóa Gò Công và  huyện Tân Phú Đông đã đóng. Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão, cho biết đến giữa tháng 2, mặn đã xâm nhập sâu về phía Tây, cách cửa sông khoảng 40 km. Cống Xuân Hòa, cống duy nhất còn lại của Dự án Ngọt hóa Gò Công còn hoạt động, đã có thời điểm đóng tạm thời. Nhiều khả năng, cống sẽ chính thức đóng ngăn mặn vào khoảng ngày 20-2. Từ đó, ông Pháp nhận định, hạn, mặn năm nay sẽ gay gắt hơn năm 2012.

Số liệu điều tra, thống kê cho thấy, nếu hạn, mặn diễn ra gay gắt như nhận định, vụ lúa đông xuân 2012-2013 của khu vực Ngọt hóa Gò Công sẽ có khoảng 6.481 ha bị ảnh hưởng, cần phải bơm chuyền 2 cấp. Đối với khu vực phía Tây, trong trường hợp hạn hán kéo dài, những diện tích lúa hè thu sớm “né” lũ năm 2013 cũng có thể bị ảnh hưởng. Khi mực nước vùng Đồng Tháp Mười xuống thấp, khu vực sẽ có khoảng 11.500 ha xa nguồn nước phải bơm chuyền 2 cấp.

Trước những dự báo và nhận  định trên, các địa phương và ngành Nông nghiệp đã triển khai các giải pháp ứng phó. Bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, cho rằng với diễn biến thất thường của thời tiết, dự báo mùa khô năm nay rất phức tạp. Huyện đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn, mặn. Cuối tháng 1 vừa qua, Sở NN&PTNT cũng đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ sản xuất và đảm bảo cấp nước sinh hoạt nông thôn mùa khô năm 2013.

Cống Vàm Giồng, một trong những cống ngăn mặn quan trọng của Dự án Ngọt hóa Gò Công, đã đóng ngăn mặn từ lâu.
Cống Vàm Giồng, một trong những cống ngăn mặn quan trọng của Dự án Ngọt hóa Gò Công, đã đóng ngăn mặn từ lâu.

Theo đó, đối với khu vực Ngọt hóa Gò Công, bên cạnh xuống giống đúng lịch thời vụ, ngành đã yêu cầu các đơn vị liên quan, địa phương tích trữ nước trên kinh, rạch, ao, hồ và trên ruộng; ngăn mặn triệt để, sửa chữa kịp thời những cống không đảm bảo ngăn mặn; giải phóng chướng ngại vật lòng kinh, khai thông dòng chảy; tăng cường công tác nạo vét thủy lợi nội đồng; theo dõi và thông báo diễn biến mặn kịp thời cho các địa phương, đặc biệt là những xã ven khu vực sông Tiền để có kế hoạch chủ động ngăn mặn hiệu quả, người dân chủ động lấy nước phục vụ sản xuất.

Ngành cùng địa phương có diện tích lúa nhiều khả năng bị ảnh hưởng do hạn, mặn lập kế hoạch, dự trù kinh phí đắp 161 đập và tổ chức 258 điểm bơm, nạo vét 19 tuyến kinh nội đồng bị cạn. Các xã có cao trình mặt ruộng từ 0,3 - 0,5m phải có kế hoạch tôn cao bờ bao bảo vệ những vùng trũng.

Về phía Công ty TNHH 1TV Khai thác Công trình Thủy lợi, cùng với việc thực hiện các biện pháp chung, cần tăng cường  quan trắc, đo đạc độ mặn; kiểm tra chất lượng nguồn nước, các cống ngăn mặn, các khu vực ven biển, khu vực thường xuyên bị nhiễm mặn; đồng thời thông báo diễn biến mặn trên phương tiện tuyền thông đại chúng của tỉnh.

Đối với các huyện phía Tây, ngành yêu cầu các địa phương chủ động trữ nước; củng cố bờ vùng, bờ bao; đắp đập; huy động phương tiện để bơm chuyền khi xảy ra thiếu nước cục bộ, nạo vét kinh nội đồng…

TĂNG KHẢ NĂNG CẤP NƯỚC SINH HOẠT CHO NGƯỜI DÂN

Theo nhận định, nguồn nước từ Nhà máy BOO Đồng Tâm cung cấp ổn định với công suất 20.000 m3/ngày đêm cùng với 6 giếng khoan nước ngầm của Công ty TNHH 1 TV Cấp nước (gọi tắt Công ty Cấp nước); các trạm sử dụng nước ngầm, trạm khai thác nước mặt của Công ty TNHH 1TV Cấp nước nông thôn (Công ty Cấp nước nông thôn) quản lý cung cấp; các trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn do các tổ chức, cá nhân khác quản lý có lưu lượng, chất lượng ổn định sẽ đảm bảo khu vực Gò Công Tây, Chợ Gạo không bị thiếu nước trong mùa khô này.

Đối với thị xã Gò Công có nguồn nước cấp ổn định từ Nhà máy BOO Đồng Tâm qua Công ty Cấp nước với lưu lượng 8.000 m3/ngày. Đồng thời, khu vực còn có nhà máy xử lý nước từ kinh Tham Thu có công suất 10.000 m3/ngày đêm của Công ty Cấp nước và 6 trạm cấp nước có công suất khai thác 5.500 m3/ngày của Công ty Cấp nước nông thôn. Nếu nguồn nước mặt trong khu vực ngọt hóa có biên độ mặn cho phép đảm bảo cho trạm Tân Trung, Long Thuận hoạt động bình thường, thị xã sẽ không thiếu nước.

Khó khăn nước sinh hoạt gay gắt nhất là huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông. Đối với Gò Công Đông, tuyến ống cấp nước trên Tỉnh lộ 871 từ trạm cấp nước Vàm Láng đến Ngã 4 Xóm Giá (Kiểng Phước); tuyến ống trên Huyện lộ 2 từ Ngã 4 Xóm Giá đến chợ Bến (xã Bình Ân) và tuyến cấp nước trên Huyện lộ 1 từ Ngã 3 Tân Tây đến xã Tân Phước đã triển khai thi công và đưa vào vận hành mùa khô này, góp phần giải quyết khó khăn nguồn nước tại các khu vực các xã: Vàm Láng, Kiểng Phước, Tân Tây, Tân Phước.

Các khu vực khác có nguồn nước cung cấp của Nhà máy nước BOO Đồng Tâm, nguồn xử lý nước mặt cục bộ từ các kinh ngọt hóa của Công ty Cấp nước, Công ty Cấp nước nông thôn.

Tuy nhiên, đối với nguồn nước xử lý từ kinh ngọt hóa, độ mặn và chất lượng nước cung cấp sẽ bị phụ thuộc vào nguồn nước kinh nội đồng. Mặt khác, các ao lắng nhỏ có nguy cơ thiếu nước xảy ra nếu mùa khô kéo dài. Để bảo đảm nguồn nước phục vụ người dân, các trạm đã chủ động bổ cấp nguồn để duy trì hoạt động.

Trong trường hợp thiếu nguồn bổ cấp, các trạm sẽ tiến hành đấu nối với nhau để sử dụng nguồn nước từ Nhà máy BOO Đồng Tâm (trong điều kiện cho phép) để cung cấp cho nhân dân thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông. Ngoài ra, các trạm do Công ty Cấp nước quản lý đấu nối với các trạm cấp của Công ty Cấp nước nông thôn quản lý cũng đã được tính đến.

Tuy nhiên, vấn đề quan tâm hơn cả là gần 7.000 hộ với khoảng 33.400 người sử dụng nguồn nước từ kinh, rạch, nước mưa trữ lại ở ven biển, ven sông Cửa Tiểu, ngoài đê, sống phân tán chưa có nguồn nước sinh hoạt từ các trạm cấp nước tập trung sẽ thiếu nước gay gắt khi mặn trên sông kéo dài. Giải pháp cho vấn đề này là mở 57 điểm vòi nước công cộng từ các trạm cấp nước cho nhân dân đến lấy nước miễn phí.

Tại Tân Phú Đông, theo đánh giá của cơ quan chức năng, người dân có thể tự túc được nguồn nước uống; căng thẳng nhất vẫn là nước sinh hoạt. Ông Đoàn Văn Thơ, Chủ tịch UBND huyện, cho biết toàn huyện chỉ có khoảng 35% dân sử dụng nguồn nước từ trạm nước tập trung. Khi mùa khô kéo dài, nhiều hộ dân sẽ bị thiếu nước sinh hoạt.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện có 6 trạm cấp nước cho trên 3.000 hộ, công suất cấp 3.500 m3/ngày đêm. Nguồn nước lấy từ các ao chứa tại các trạm cấp nước 131.200 m3 kết hợp với nguồn nước bổ cấp từ ao 6 ha ở xã Tân Thới sẽ đảm bảo nước sinh hoạt cho các hộ đã đấu nối đồng hồ trong suốt mùa khô. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mặn ở Tân Phú Đông đến sớm so với hàng năm, độ mặn có thể xâm nhập đến điểm lấy nước của ao 6 ha trên sông Cửa Trung.

Để chủ động, Công ty Cấp nước nông thôn đã bơm bổ cấp nguồn từ ao 6 ha về các trạm; thi công đường ống vượt sông Cửa Trung để cấp cho xã Tân Thạnh; nạo vét các kinh nội đồng để tăng trữ lượng dự trữ nước cho các ao tại chỗ; thi công trạm tăng áp cho khu vực Phú Tân; trang bị máy phát điện để bơm nước liên tục từ ao 6 ha về các trạm cấp nước, không để tình trạng thiếu nguồn nước xảy ra.

Để nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước máy, công ty tiếp tục phát triển đường ống nhánh vào các cụm dân cư, xóm ấp ở xa ống chính và mở 15 vòi nước công cộng vào cao điểm mùa khô để người dân sống xa tuyến ống cấp nước đến lấy nước sử dụng.

N.VĂN

.
.
.