Oằn vai gánh Tết
Ba ngày Tết, mua vài ký thịt kho để cúng ông bà; mua hộp bánh, mứt cúng cha mẹ; mua cho con bộ đồ mới; lì xì cho cháu đôi mươi ngàn đồng… cứ ngỡ là việc hiển nhiên, nhưng lại là nỗi lo canh cánh trong lòng đối với những người buôn gánh bán bưng, đạp xích lô…
Tất bật lo Tết
Không khí Tết đã tràn ngập trên khắp phố phường, với cảnh người mua, kẻ bán chộn rộn. Chiều 24 tháng Chạp, trời đã tắt nắng từ lâu, nhưng đường phố vẫn còn tấp nập người đi mua sắm Tết. Trong Bến xe khách Tiền Giang, anh Nguyễn Văn Sang (phường 7, TP. Mỹ Tho) ngồi thẫn thờ trên chiếc xích lô cũ kỹ, cố hy vọng có thêm được một vài hành khách thuê chở mướn để kiếm thêm đôi mươi ngàn đồng, tích lũy để ngày cuối năm có tiền lo Tết.
Trong Bến xe khách Tiền Giang có 25 chiếc xích lô, chiều thường vắng khách nên bạn bè đồng nghiệp của anh Sang đã về hết, chỉ còn anh và một người bạn cố ở lại đợi khách. Mới 55 tuổi nhưng trông anh hom hem, gầy gò như người ngoài 60. Anh Sang cho biết, chạy xe xích lô trung bình mỗi ngày kiếm được chỉ khoảng 40 ngàn đồng, hôm nào nhiều thì được 60 ngàn, còn có hôm chỉ được hơn 10 ngàn đồng. Vỉ vậy, 25 năm gắn bó với chiếc xích lô mà anh Sang vẫn còn phải ở nhà thuê.
Chú Chín ước sao mấy ngày giáp Tết sẽ bán đắt để dành dụm khoảng 2 triệu đồng mới đủ chi tiêu ba ngày Tết. |
Vợ anh Sang đi bán vé số, mỗi ngày cũng kiếm được chỉ 50 đến 60 ngàn đồng. Thu nhập bấp bênh nên vợ chồng anh chỉ dám sinh 1 đứa con. Niềm vui lớn nhất của anh là đứa con trai duy nhất năm nào cũng đạt học sinh khá - giỏi. Tuy nhiên, niềm vui ấy cũng không thể khiến cho người đàn ông bị “cơm, áo, gạo, tiền” trì níu mỗi ngày nhớ nổi con mình hiện đang học lớp 5 hay lớp 6.
Anh Sang nói như than: “Hồi sáng đến giờ mới kiếm được gần 50 ngàn đồng. Tết nhất đến nơi rồi mà ế ẩm quá!”.Năm nào cũng vậy, phải đến 3, 4 ngày cuối năm thì mới có khách nhiều. Vì vậy, dù biết rằng buổi chợ cuối năm thường cái gì cũng đắt, nhưng năm nào cũng phải đến phiên chợ cuối anh Sang mới sắm sửa Tết cho gia đình.
Đã hơn 19 giờ đêm 24 Tết, phía trước nhà bia ghi danh liệt sĩ của TP. Mỹ Tho, cô Năm (Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) đứng đăm chiêu bên chiếc xe chở bội bắp luộc. Người phụ nữ có gần 13 năm làm nghề bán bắp luộc tâm tư: “Từ hôm báo chí đưa tin ở Sài Gòn nấu bắp bằng hóa chất thì bán ế ẩm lắm!”. Cô Năm phân trần: “Ở đâu người ta nấu bắp bỏ hóa chất, chứ cánh chị em ở Mỹ Tho không ai làm chuyện ấy”.
Hàng ngày, 5 giờ sáng cô Năm đi xuống Chợ Gạo mua bắp, ra tận ruộng để hái. Chở bắp về nhà, nấu từ 8 giờ cho đến 11 giờ trưa rồi chở đi bán. Khi đứa con vào đại học, bội bắp luộc nhiều thêm và cô phải đi xa hơn để bán. Hôm nào bán đắt, cô kiếm được gần 100 ngàn đồng, hôm nào bán ế thì kiếm được khoảng 50 ngàn đồng và có khi ế ẩm thì hòa vốn. Những ngày cuối năm, cô Năm hy vọng sẽ bán đắt để kiếm được ít tiền đi chợ sắm sửa Tết.
Còn chú Nguyễn Văn Chín (Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) đã có “thâm niên” 36 năm bán kem. Hàng ngày, chiếc xe đạp “cà tàng” của chú Chín đi khắp các các con đường từ Mỹ Phong, Đạo Thạnh, Tân Mỹ Chánh, phường 7, phường 8… của TP. Mỹ Tho. Tính ra, mỗi ngày chú Chín phải đạp xe đi khoảng trên dưới 25 km thì mới hết thùng kem. Ngày chú “khởi nghiệp” với cái nghề bán kem thì người con lớn của chú mới lên 5, bây giờ đã 40 tuổi, còn người con út cũng đã 30 tuổi.
Nhà không có đất sản xuất, thùng kem của chú đã nuôi 5 người con trưởng thành, rồi dựng vợ, gả chồng cho các con. Tuy nhiên, các con ai cũng nghèo, nên dù đã 60 tuổi, nhưng hàng ngày chú vẫn phải đạp xe đi bán kem để mưu sinh. Ngày nào bán đắt thì lời được trên dưới 100 ngàn đồng, hôm nào bán ế thì kiếm được 50 đến 60 ngàn đồng, nhưng cũng có hôm chỉ hòa được vốn. Tay làm hàm nhai, kiếm được đồng nào chi tiêu hết đồng nấy, không có dư. Tuy nhiên, chú Chín lạc quan: “Ráng đi bán dành dụm để ngày cuối năm trong túi cũng có một ít tiền trang trải ba ngày Tết”.
Và những điều ước…
Còn nhiều những cảnh đời tất bật mưu sinh như cô Nguyễn Thị Thê (khu phố 8, phường 5), bán tào hủ; chị Phạm Thị Huệ (khu phố 10, phường 4), bán cá viên chiên; chị Nguyễn Minh Châu (khu phố 2, phường 4), bán cá viên chiên… Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều có mẫu số chung là nghèo nên phải chạy vạy trong những ngày giáp Tết, với hy vọng kiếm được một ít tiền lo ba ngày Tết cho ấm cúng. Với họ, Tết không chỉ chất chồng thêm tuổi, mà còn oằn thêm nỗi lo.
Chị Huệ quê ở ngoài Huế, mấy cái Tết rồi chị chưa về quê. Cả 2 vợ chồng làm lo nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học nên cũng không có tích lũy được tiền. Vì vậy, năm nào những ngày giáp Tết cũng tất bật lo kiếm tiền, đến ngày cuối năm mới sắm sửa, mua quần áo cho con. Trước thềm năm mới, điều ước của chị Huệ đơn giản chỉ là kiếm được một ít tiền để mua cho mỗi đứa con một vài bộ quần áo mới.
Chị Huệ ước những ngày giáp Tết kiếm được một ít tiền để mua cho mỗi đứa con một vài bộ quần áo mới. |
Còn cô Thê thì nhẩm tính: Ráng bán đến ngày 28 Tết, sang 29 nghỉ để đi mua thịt, dưa, bánh mứt… về cúng ông bà ba ngày Tết. Cô Thê chia sẻ: “Cô bán tào hủ mỗi ngày kiếm được 70 - 80 ngàn đồng. Ráng dành dụm từ nay đến Tết được khoảng 1 triệu đồng là đủ ăn Tết rồi”.
Riêng người phụ nữ có đôi mắt thẳm sâu Nguyễn Minh Châu thì với chị, Tết dường như là điều gì đó xa xỉ. Chồng mất cách nay đã 10 năm, đứa con trai duy nhất thì vướng vào vòng lao lý. Vì vậy, điều ước trong những ngày giáp Tết của chị Châu cũng hướng về đứa con của mình. Chị hy vọng những ngày Tết sẽ bán đắt hơn để dành dụm ít tiền mua quà Tết đi thăm nuôi đứa con trai.
Với người có cuộc sống khá giả thì việc mua quà Tết về nội, ngoại không phải lo ngại gì, nhưng với những gia đình có cuộc sống khó khăn, thì chuyện lễ, nghĩa đôi khi là một gánh nặng. Chú Chín tính: Mua sắm trong nhà tằn tiện lắm cũng phải mất 700 - 800 ngàn đồng; lì xì cho 12 đứa cháu nội, ngoại cũng khoảng hơn 300 ngàn đồng, rồi mua quà Tết về quê nội ít gì cũng phải hơn 500 ngàn đồng. Vì vậy, chú Chín ước sao mấy ngày giáp Tết sẽ bán đắt để dành dụm khoảng 2 triệu đồng mới đủ chi tiêu ba ngày Tết.
Còn anh Sang nhẩm tính: Ráng kiếm được hơn 1,2 triệu đồng để mua 1 bộ quần áo cho đứa con trai (khoảng 200 ngàn đồng); mua một ít thịt, dưa, bánh, mứt để cúng cha mẹ (khoảng 500 ngàn đồng); mua quà về cúng ông bà bên vợ (khoảng 500 ngàn đồng); lì xì cho con trai 20 ngàn đồng, còn lại để dằn túi. Anh Sang chia sẻ nỗi niềm: “Mấy ngày giáp Tết, thấy người ta chở vợ, con đi mua sắm, mình cũng tủi lắm, nhưng làm không có tiền thì biết sao bây giờ!?”.
Mùa Xuân đã tràn về qua ánh nắng vàng rợp trong buổi sớm mai, trong sắc màu lung linh trăm hoa đua nở, nhưng mùa Xuân của anh Sang, chú Chín, chị Châu… thì vẫn còn ở rất xa.
NGUYÊN CHƯƠNG