Thứ Bảy, 09/02/2013, 08:12 (GMT+7)
.

Tập tục văn hóa Tết

Mỗi khi tết đến, trên bến sông, bến đò, chợ lớn, chợ nhỏ đều nhộn nhịp khác thường. Các cô, các chị tranh thủ chọn mua dưa hấu, hoa mai, trà rượu, bánh mứt, quần áo, giày dép… chuẩn bị cho tết. Nhiều gia đình ở nông thôn rộn rịp ngâm gạo nếp để xay bột nấu bánh ít, bánh tét, làm các loại mứt: dừa, me, chùm ruột, tắc, bí, gừng, củ kiệu, dưa cải, giá; đến nấu các món ăn: thịt kho tàu, nem, bì, lạp xưởng…

Trang trí nhà cửa thì được giao cho cánh đàn ông sửa sang, sơn quét, dọn dẹp tươm tất. Đặc biệt là bàn thờ ông bà, nơi trung tâm phòng khách được chưng mâm ngũ quả, thường là những trái cây vốn có của làng quê.

Ảnh: SAO HÔM
Ảnh: SAO HÔM

Có nhà chưng một ít trái sung, đu đủ để cầu mong năm mới được “sung túc, đầy đủ” hay chưng mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, với hàm ý “cầu vừa đủ xài”. Bên cạnh là bộ lư và cặp chân đèn bằng đồng được chùi lại sáng bóng, cùng với bình hoa cúc, hoa huệ, vạn thọ, mai vàng năm cánh sặc sỡ trông rất linh thiêng và đẹp mắt.

Trên cột hai bên hoặc trên vách bàn thờ thường được treo hai câu liễng đối đỏ, hay những bức tranh tết: Phước - Lộc - Thọ; tranh chuyện cổ tích Phạm Công - Cúc Hoa, Tấm Cám, Thạch Sanh - Lý Thông, Trương Chi - Mỵ Nương, Nàng Út ống tre hoặc hoa trái bốn mùa… Ngoài sân, trên bàn thiên được trang trí nhang đèn, bình hoa, nải chuối, cam quít hoặc các loại trái cây khác để cúng trời đất, thủy tổ.

Chiều 30 tết, mọi người chuẩn bị háo hức chờ đón giao thừa. Đúng 12 giờ đêm, khi giờ Hợi chuyển sang giờ Tý, trong tiếng pháo nổ ran (nay bị cấm), nhang đèn trong bàn thờ và ngoài bàn thiên đều được thắp sáng, khói hương nghi ngút, lễ vật được bày ra để chủ nhà - người đại diện gia đình thắp hương cúng vái ông bà, trời đất, những người khuất mặt khuất mày; tiếp theo mọi người trong nhà lần lượt đến làm lễ trước bàn thờ và sau đó tề tựu chúc tết lẫn nhau theo thứ tự, tuổi tác, vai vế.

Không khí rộn ràng nhưng không kém phần lắng đọng, trang nghiêm. Sau lễ, mọi thành viên gia đình tổ chức ăn mừng giao thừa (còn gọi là bữa ăn tết đầu tiên) trong sự vui vẻ, đầm ấm. Sau lễ đón giao thừa thường thì các bà, các cô tỏa đi lễ chùa, đền, miếu lấy lộc đầu xuân; các ông, các vị chức sắc tập hợp làm lễ Đức Thành Hoàng bổn cảnh tại nơi đình làng.

Trong các ngày tết, từ mùng 1 đến mùng 3 mọi người đi chúc tết - chúc những lời tốt đẹp nhất về sức khỏe, tài lộc, hạnh phúc, thành đạt từ bà con nội ngoại, láng giềng cho đến bạn bè, thầy cô và đi lễ chùa, đền, miếu. Đối với trẻ em, thường được người lớn chúc tết bằng những bao “lì xì” tượng trưng. Cầm trên tay những bao lì xì, đám trẻ mặt mày hớn hở như được mở cờ trong bụng.

Trong suốt các ngày tết, người ta luôn giữ gìn lời ăn tiếng nói, tránh sự nặng lời hay gây gổ, tránh mọi sự va chạm làm buồn phiền nhau cũng như kiêng cử trong gia đình. Với niềm tin để giữ tài lộc trong năm mới, trong 3 ngày tết, mọi người đều kiêng quét rác ra khỏi nhà, chỉ gom lại một chỗ.

Việc “xuất hành”, tức đi ra khỏi nhà lần đầu tiên trong năm mới cũng chọn ngày giờ, coi hướng để gặp nhiều điều may mắn. Ngày tết người ta cũng rất tin vào tục xông đất, vì cho rằng người đầu tiên từ sau giờ giao thừa, khách bên ngoài đến chúc tết đầu tiên là điềm may rủi cả năm, thường thì có sự sắp đặt trước, chọn người có đức tính, phẩm chất tốt lành để vào nhà “xông đất lấy hên”.

Ngoài ra, nhiều hoạt động vui chơi, giải trí diễn ra sôi động làm cho không khí tết càng thêm rộn ràng, vui tươi như: đánh cờ, kéo co, đánh vật, xem hát bội, cải lương hay những cuộc sinh hoạt văn nghệ tự biên tự diễn dân ca, vọng cổ, làm Táo, đóng kịch vui với nhau. Đặc biệt, không thiếu màn trình diễn múa lân tạo nên âm hưởng vui nhộn, sống động trong những ngày xuân.

Hiện nay, các nghi thức tết, lễ, phong tục tập quán tuy có đơn giản hóa về kiêng cử, tế lễ…  nhưng vẫn được bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống lễ tết cổ truyền. Các hoạt động vui chơi ngày tết dần trở thành các hoạt động xã hội hóa được xã hội quan tâm nhiều hơn như tổ chức hội xuân, trưng bày, triển lãm, bán hàng, phục vụ ăn uống và tổ chức các trò chơi lành mạnh có thưởng cho tài khéo léo, thông minh hay các hoạt động văn nghệ, chiếu phim…, tập trung ở các tụ điểm lớn, thu hút đông đảo người dự.

Ngoài ra, bằng các hình thức phát thanh, truyền hình, báo chí… sinh động, phong phú, hấp dẫn đã làm tăng thêm nét đẹp văn hóa tết.

NGUYỄN MẠNH THẮNG

.
.
.