Thứ Tư, 13/03/2013, 11:34 (GMT+7)
.

Có những tình nguyện viên sưu tầm và sơ chế thuốc Nam

Mỗi năm, Phòng khám nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ huyện Cai Lậy điều trị khoảng 14.000 lượt bệnh nhân và bốc 80.000 thang thuốc Nam miễn phí. Hiệu quả hoạt động của phòng khám có sự góp sức rất lớn của mạng lưới tình nguyện viên sưu tầm, sơ chế thuốc. Đáng quý là cuộc sống nhiều người còn khó khăn nhưng vẫn đến với công việc bằng nhiệt tình và trách nhiệm.

Bệnh nhân được cấp thuốc miễn phí do các tình nguyện viên sưu tầm, sơ chế thuốc.
Bệnh nhân được cấp thuốc miễn phí do các tình nguyện viên sưu tầm, sơ chế thuốc.

Ở tuổi 70, lẽ ra đã sống an nhàn bên con cháu nhưng ông Lương Văn Long (khu phố 5, thị trấn Cai Lậy) thường lặn lội tham gia sưu tầm thuốc Nam. Mỗi khi lương y phụ trách phòng khám báo sắp thiếu dược liệu là ông  thu xếp việc nhà, rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ tìm loại thuốc mà phòng khám cần. 5 năm gắn bó với công việc, ông luôn học hỏi kinh nghiệm của các tình nguyện viên để việc sưu tầm thuốc hiệu quả hơn, bổ sung dược liệu phong phú cho phòng khám.

Bây giờ ông Long nằm lòng nhiều loại thuốc có nhiều ở từng vùng, kể vanh vách tên và công dụng hàng chục vị thuốc. Ông cho biết “cái duyên” ông đến với công việc sưu tầm thuốc Nam: “Ở gần nhà một vài tình nguyện viên, thấy họ hay vào vườn xin dâu tằm ăn, tôi lân la tìm hiểu, biết họ đi tìm nguồn thuốc để tặng phòng khám dù không hưởng thù lao. Thấy hay nên tôi xin tham gia”.

Có trường hợp tham gia sưu tầm thuốc vì cảm kích tấm lòng của tình nguyện viên như Nguyễn Thị Chời (ngụ ấp Hòa Trí, xã Long Khánh). Chị cho biết: “Cách đây vài năm, tôi  đến phòng khám hốt thuốc trị bệnh, thấy công việc của các tình nguyện viên ý nghĩa. Sau khi khỏi bệnh, tôi liền thu xếp việc nhà để tham gia”. Mỗi tuần một lần, chị mang đến vài loại dược liệu có sẵn trong vườn nhà hay tìm thấy ở những vườn lân cận. Chị cho biết: “Góp một phần công sức sưu tầm cây thuốc là tôi cảm thấy thanh thản, vì làm được việc có ích cho bệnh nhân nghèo”.

Công việc sưu tầm thuốc ngày càng vất vả do dược liệu đang ngày càng ít đi trong tự nhiên. Mỗi đợt sưu tầm thuốc ở xa, tình nguyện viên phải bỏ tiền túi làm chi phí đi lại, vận chuyển cây thuốc, vậy mà ai nấy đều tham gia bằng tinh thần hăng hái, vui vẻ.

Một lực lượng khác góp sức không nhỏ để những thang thuốc miễn phí đến tay người bệnh là tình nguyện viên sơ chế thuốc. Sau khi tiếp nhận cây thuốc, công việc của họ là chặt nhỏ, phơi hoặc sao khô và bảo quản thuốc.

Hoạt động sơ chế có sự phân công rõ ràng. Đến phòng khám, bất cứ lúc nào cũng có thể thấy mọi người làm việc khá tất bật. Người xắt thuốc, người thay phiên nhau phơi, người đóng bao… Các thang thuốc phải đảm bảo vệ sinh, được phân loại rõ ràng. Những thang thuốc nghĩa tình đến với bệnh nhân luôn là lương tâm, trách nhiệm của thầy thuốc và những tình nguyện viên phục vụ phòng khám.

Theo Lương y Trần Thị Nhanh, phụ trách phòng khám nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ huyện Cai Lậy, phòng khám có khoảng 200 loại dược liệu điều trị những chứng bệnh thường gặp về khớp, đau nhức, tiêu hóa… 2/3 nguồn dược liệu có được do sự góp sức của những tình nguyện viên, giúp phòng khám phục vụ tốt bệnh nhân trong và ngoài huyện.

Hiện nay, có trên 100 tình nguyện viên tham gia sưu tầm, sơ chế thuốc, đa số là nông dân. Nhờ gắn bó với công việc sưu tầm thuốc, kiến thức về dược liệu của tình nguyện viên được nâng lên rõ rệt. Họ đi sưu tầm và vận động người thân, hàng xóm trồng thuốc Nam trong vườn nhà, vừa phục vụ nhu cầu của gia đình, vừa bổ sung nguồn thuốc cho các phòng khám từ thiện.

QUẾ NGÂN

.
.
.